“Chạy án 2 hay hơn phần 1”

Thứ Sáu, 23/05/2008, 15:44

Đi qua phân nửa chặng đường, "Chạy án 2" đang thu hút sự chú ý của nhiều khán giả. Không ít người cho rằng phần 2 nhạt và chỉ là sự ăn theo thành công phần 1, nhưng theo đạo diễn Vũ Hồng Sơn, những gì hấp dẫn còn đang ở phía trước.

- Từ khi bộ phim “Chạy án” phần hai chiếu trên VTV1, ông nhận được những ý kiến gì từ phía khán giả?

- Bộ phim mới đi được một nửa, thành ra khán giả cũng đang nghe ngóng xem nó thế nào, có được bằng phần trước hay không. Cũng có một số người gọi đến cho tôi, một cậu bé ở trong Tiền Giang nhắn tin ra nói là rất thích phim này. Nhưng có lẽ phải một tuần nữa khi phim lên tới cao trào, mới rõ được phản ứng của khán giả.

Tôi rất tin khi khán giả đã xem đến tập 9, tập 10 sẽ hồi hộp theo dõi phim đến tận tập cuối cùng. Bộ phim càng về sau càng hay hơn rất nhiều.

- Ông nghĩ sao về dư luận cho rằng, phần 2 chỉ là ăn theo phần 1?

- Đó là một trong những điều mà người ta hay nói tới và bản thân tôi cũng thấy thế. Thường các phim phần 1 hay hơn, phần 2, phần 3 càng làm càng đuối đi. Ví dụ như bộ phim hôm trước tôi xem của Mỹ là 11 tên cướp thế kỷ, tôi thấy phần 2 nhảm nhí mặc dù có một dàn sao từ đầu tới cuối.

Trên thế giới cũng có nhiều phim càng làm càng hay như Chúa tể những chiếc nhẫn, tôi đánh giá, phần 3 là phần hay nhất.

Với Chạy án, không phải sau khi phần đầu thành công chúng tôi mới nghĩ đến chuyện làm tiếp. Phần 2 đã được bắt đầu chuẩn bị ngay sau khi quay xong phần 1. Tất cả câu chuyện là một. Hay nói cách khác, hai phần phim là một câu chuyện kéo dài.

Sở dĩ chúng tôi dừng lại ở phần 1 vì anh Nguyễn Như Phong, Phó tổng biên tập báo Công An Nhân Dân, người viết kịch bản Chạy án bận rất nhiều việc cơ quan. Thêm vào đó, cô diễn viên đóng vai hoa hậu lấy anh quay phim và có con. Vì thế chúng tôi ngừng lại chờ luôn thể.

Khi làm Chạy án 2 chúng tôi có áp lực rất lớn là phải làm phần 2 hay hơn. Vì vậy, từ các diễn viên đến anh em trong đoàn đều hết sức cố gắng. Sau khi làm xong phần này, tôi tự tin nó có thể đáp ứng đòi hỏi của khán giả. Riêng về khía cạnh nghề nghiệp có thể nói phần sau hay hơn phần trước rất nhiều.

Cảnh vợ chồng Cao Thanh Lâm ở Hạ Long. Ảnh do nhân vật cung cấp.

- Ngoài áp lực phải vượt qua phần 1, đoàn làm phim còn gặp những khó khăn gì?

- Khó khăn đầu tiên của chúng tôi là chọn con hổ. Tôi làm phim với con chó, con mèo đã thấy khó vô cùng. Ở đây, ý của anh Như Phong là để nhân vật làm bạn với hổ, dụng ý nói đến sự cô đơn khủng khiếp khi con người này không thể có bạn là người. May mắn của chúng tôi là đã chọn được một con hổ nuôi tách ra khỏi mẹ ngay khi sinh, cho bú sữa và chơi với người, vì thế nó lành tính vô cùng, coi con người là đồng loại của nó. Tuy thế, anh Nguyễn Hải, người đóng vai Lê Thanh, cũng hỏng mấy bộ quần áo, đôi giày và cả chảy máu khi làm quen với nó.

Để quay được con hổ theo ý mình như trong kịch bản là điều không đơn giản. Lúc đầu tính số lượng cảnh quay con hổ ấy chỉ trong 5-6 ngày, nhưng chúng tôi đã phải làm việc ba tuần, cả ngày cả đêm. Đoàn làm phim phải vào tận Bình Dương để quay vì không thể di chuyển con vật. Người ta bảo nguy hiểm như vuốt râu hùm nhưng đoàn làm phim chúng tôi ai cũng đã vuốt rồi.

Làm các cảnh về hành động cũng là một khó khăn của chúng tôi. Phim Việt Nam vẫn bị chê trách là đánh như giả vờ. Áp lực ấy buộc chúng tôi phải làm những cảnh cho khán giả thấy được nó là thật và hấp dẫn. Chúng ta đã làm những phim hành động rất hay như Dòng máu anh hùng. Nhưng phim truyền hình thì kinh phí quá thấp. Dòng máu anh hùng kinh phí gần 2 triệu USD trong khi Chạy án 2 chỉ có hơn 100 nghìn USD cho cả 27 tập phim. Rất may chúng tôi được công an Hà Nội cho mượn đội cảnh sát đặc nhiệm.

Khó khăn thứ ba là làm những cảnh đông người biểu tình. Lúc này, đây là vấn đề nhạy cảm. Nhưng được sự giúp đỡ của các ban ngành địa phương thì cuối cùng cũng đã mọi việc cũng hoàn thành ổn thỏa.

- Điều hài lòng nhất của ông về “Chạy án” phần 2?

- Trong các phim làm tiếp, điều cần thiết đầu tiên là mở bối cảnh, có một thời gian để khán giả nhớ lại các nhân vật, họ đã làm gì trong phần một rồi mới đẩy đến mâu thuẫn, cao trào. Đôi khi chúng ta xem phim dài tập, kể cả của nước ngoài cũng thế, có những tập không xem được vì rất chán. Trong Chạy án thì điều này rất ít. Kịch tính được phân bố để khán giả thấy được trong mỗi tập cái mà họ mong muốn. Chúng tôi luôn luôn đặt ra vấn đề, mỗi tập phim khán giả được biết gì.

- So sánh phần 2 với phần 1, ông thấy mình đã làm hơn được những gì?

- Phần 2 đã làm hơn phần 1 rất nhiều. Hơn về chiều sâu tâm lý nhân vật. Phần 1 chúng ta mới chỉ nêu ra được câu chuyện, những cái mà khán giả chưa biết như hóa ra có cô hoa hậu như thế, hóa ra lại có ông con trai nhà giàu như thế... Phần hai chúng tôi đi vào con người họ, hậu quả mà họ gánh chịu.

Gia đình Cao Thanh Lâm sau khi xảy ra câu chuyện như thế nào. Con người người ta không phải giàu là sướng, nghèo là khổ, cái chính là ở tâm của người ta. Tôi cho rằng đó là mục đích của phim, đánh thức đạo đức. Nó giúp người ta phân biệt cái đúng cái sai, cho khán giả hiểu thêm cái gì là đúng, là tốt. Như ông cụ trong phim nói: "Cứ cho cháu tôi đi tù, cho nó ra khỏi tù là làm hỏng đời nó", tôi nghe không biết bao nhiêu người nói là ông già hâm, cháu mình không muốn cho ra ngoài cứ muốn cho nó ở tù. Đó là quan điểm sai lệch.

Con người phải sống cho ra con người chứ sao lại sống như con vật, cứ chui lủi. Tại sao có nhiều người trốn án truy nã hàng bao nhiêu năm trời lại ra đầu thú? Ấy là vì họ không chịu nổi kiếp trốn tránh của một con vật.

Ngoài ra kịch tính trong phần 2 cao hơn phần đầu rất nhiều, có nhiều mất mát và cái chết. Kịch tính cao trào đến tận cuối bộ phim.

Sau phần hai sẽ không bao giờ có phần ba nữa. Tôi 58 tuổi, già lắm rồi, không còn đủ sức hơn nữa một người làm phim không thể hay mãi được. Tôi để cho giới trẻ làm, họ sẽ có con mắt tinh tường hơn tôi.

- Khi làm bộ phim này, ông có sợ mình đụng chạm đến ai đó?

- Tôi không sợ điều đó, nếu có ai cảm thấy thế tôi càng mừng. Vì như thế là “có tật giật mình” và có nghĩa là tôi đã cảnh báo được cho họ

Theo Ngọc Trâm (VnExpress)
.
.
.