Chật vật đường đến với khán giả

Thứ Hai, 06/10/2008, 14:57
Để thu hút công chúng, thời gian gần đây, làng kịch TP Hồ Chí Minh không ngừng "làm lạ" sân khấu, dựng vở chất lượng cao, mời đạo diễn tên tuổi, không ngại khai thác cảnh "nóng", mượn đề tài ma quỷ, thậm chí đầu tư tiền tỷ cho một vở diễn.

Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động duy trì lượng khán giả nhất định tới rạp cho mỗi xuất diễn, đến thời điểm này, sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có một sự bứt phá nào đáng kể.

Chật vật làm mới

Không chỉ có thời điểm này, trước đó, ngay khi nhà nhà cùng than thở vì nỗi lo bão giá thì nhiều ông, bà bầu của sân khấu vẫn tỏ ra "bình chân như vại" vẫn tuyên bố dựng vở mới như thường, đồng thời khẳng định sân khấu không bị ảnh hưởng gì nhiều. Khán giả vẫn đến rạp, vẫn có vở mới để thưởng thức, giải trí, thậm chí là những vở được các ông, bà bầu "chăm sóc", đầu tư khá công phu.

Tại sân khấu kịch Phú Nhuận, "Trai mới lớn", vở diễn chưa hẳn thực sự thuyết phục nhưng là sự chọn lựa tỉnh táo của Hồng Vân khi chọn "điểm rơi" rất trúng. Ngay sau "Trai mới lớn", thương hiệu kịch Phú Nhuận thêm một lần được khẳng định với "Nước mắt người điên" bởi sự trở lại của một Hồng Vân "chín" hơn với vai trò đạo diễn, của một Thanh Vân quyết liệt hơn, không "ngại" diễn đến tận cùng của những cảnh "nóng" chốn phòng the khiến những khán giả vốn quen với cách diễn ước lệ lâu nay trên sân khấu giật mình...

Tiếp tục khai thác kịch kinh dị, kích thích sự tò mò và "thử thách" thần kinh của khán giả ưa loại hình giải trí mạnh, trong khi bà bầu nổi tiếng khéo léo, giỏi giang quán xuyến - Hồng Vân mới đang rục rịch chuẩn bị cho ra mắt "Người vợ ma" phần II thì sân khấu kịch Sài Gòn của Phước Sang đã nhanh chân tung ra "Hồn ma báo oán" hút khán giả đến rạp. Tất nhiên, một cốt truyện hấp dẫn, đậm chất nhân văn sau bức màn ma quỷ, thông điệp "gieo nhân nào, gặt quả nấy" vẫn là "xương sống" để các trò diễn nương theo...

Với sân khấu kịch Edicaf, không hiểu vì thời gian này bầu Tuấn và nghệ sĩ Thành Lộc có quá dồn sức đầu tư cho các sân khấu thiếu nhi và thực hiện các ấn phẩm nghệ thuật phục vụ thiếu nhi hay không, nhưng một vở kịch ngõ hầu gây tiếng vang như "Bí mật vườn Lệ Chi" của năm 2007 vẫn chưa "ló dạng".

Vở diễn mới "Sát thủ hai mảnh", ê kíp thực hiện tỏ ra khá "chịu chơi" khi tung không ít cảnh diễn viên khoe thân thể. Thế nhưng đây vẫn không thể coi là một vở diễn thành công.

Thiếu một "đầu tàu" đủ mạnh?

Từng được coi là cánh chim đầu đàn của các đơn vị sân khấu xã hội hóa nhưng sau vài chục năm mà 5B vẫn chỉ là một sân khấu nhỏ thì e rằng điều này sẽ khó còn hợp lý. Thực tế, sân khấu nhỏ 5B vẫn dựng vở đều đều, vẫn được "đóng mộc" thương hiệu bởi nhiều gương mặt nghệ sĩ đã thành danh: Thanh Hoàng, Mỹ Uyên, Thành Hội, Ái Như, khi cần kíp còn có bà bầu Hồng Vân "kéo quân" về, thậm chí là mời thêm cả đạo diễn tên tuổi của phía Bắc vào.

Trao đổi về hoạt động của đơn vị với chúng tôi, Giám đốc Huỳnh Minh Nhị cho biết, hy vọng của 5B vẫn còn đặt ở khá nhiều vở diễn đã và sẽ dàn dựng trong thời gian tới. 5B không quan niệm kịch bản cũ, kịch bản mới. Nếu kịch bản cũ còn có khả năng thu hút khán giả thì còn dựng...

Bị báo giới "mổ xẻ" không nương tay ngay trước khi chính thức ra mắt khán giả có lẽ là vở kịch được đầu tư tiền tỷ của sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh "Tả quân Lê Văn Duyệt". Dù mới chỉ diễn để phục vụ khâu kiểm duyệt, song vai diễn về một vị Tổng trấn thành tài trí, yêu dân như con, không có may mắn được làm một người đàn ông bình thường và chịu nhiều tiếng oan trong lịch sử của diễn viên Quyền Linh chưa đạt, kết quả vở diễn chưa như kỳ vọng đã khiến "Tả quân Lê Văn Duyệt" trở thành tâm điểm bị phê phán.

Thực tế, không phải chỉ đến vở "Tả quân Lê Văn Duyệt", những khiếm khuyết ngoài vấn đề cơ sở vật chất còn nghèo nàn của làng kịch mới được người trong nghề để ý đến.

Chúng tôi từng nghe một bầu sân khấu "than thở" không dưới hai lần rằng làng kịch thành phố đa dạng, mỗi nhóm "cát cứ một lãnh địa" nên có thể cung cấp cho khán giả nhiều món ăn tinh thần phong phú thật, nhưng để có một "đầu tàu" đủ mạnh cả về vật chất lẫn uy tín để tập hợp anh em làm "cái gì" cho ra tấm ra món thì vẫn còn rất thiếu. Chuyện "rừng nào cọp nấy" vẫn là lẽ thường tình

N.Hoa
.
.
.