“Chất” Đức trong làng bóng Việt

Thứ Năm, 17/07/2014, 11:10
Nhìn hình ảnh ĐT Đức của HLV Joachim Loew giương cao chiếc Cúp vô địch thế giới lần thứ 4, nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam đặt ra câu hỏi: Có bao giờ bóng đá Việt Nam nghĩ đến "chất" Đức và muốn vận dụng cái chất ấy vào quá trình phát triển của mình hay chưa?

Câu trả lời là "có". Từ trước năm 1975, ông thầy người Đức Weigang đã dẫn dắt ĐT Miền Nam Việt Nam vô địch Medekar Cup, và sau này, chính xác là từ năm 1995 đến 1997 ông Weigang lại dẫn dắt ĐT Việt Nam tham dự SEA Games, Tiger Cup (tiền thân của AFF Suzuki Cup bây giờ) và Duhill Cup. Lần này ông thầy Đức cũng tạo một cột mốc mới trong quá trình phát triển của bóng đá Việt Nam thời hội nhập khi bất ngờ giúp ĐTVN giành HCB SEA Games 18 và HCĐ Tiger Cup lần thứ nhất. ĐTVN dưới thời Weigang gắn liền với những cái tên như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hoàng Bửu, Minh Quang... đã để thương để nhớ trong lòng người bằng một lối chơi kĩ thuật, đầy nhiệt huyết, khác hẳn hình ảnh một ĐTVN ỉu xìu, bạc nhược dưới trướng các ông thầy nội ở SEA Games năm 1991, 1993.

Vậy thì điều gì đã làm nên sự khác biệt này? Theo giải thích của ông Weigang ngày ấy thì vấn đề chính nằm ở việc các tuyển thủ Việt Nam quá ít va chạm quốc tế, nên cứ hễ gặp các đội bóng quốc tế là... run. Và để chữa cái bệnh yếu bóng vía này, ông Weigang đã đưa ĐT đi tập huấn dài hạn ở Đức, để các cầu thủ đối đầu với hàng loạt các CLB Đức nhỉnh hơn mình. Một cái hay nữa của ông Weigang là có rất nhiều thời điểm ông cương quyết bảo vệ chính kiến của mình trước sự can thiệp của Liên đoàn hoặc của những ông trợ lý do Liên đoàn cài cắm.

Rất nhiều nền bóng đá sẽ nhìn vào con đường thành công mà HLV Joachim Loew và ĐT Đức đã đi qua.

Đến những năm 2000 thì bóng đá Việt Nam chào đón một chuyên gia bóng đá Đức khác, đó là ông GĐKT Rainer Wifel. Ông Rainer đến Việt Nam là sản phẩm của sự hợp tác giữa LĐBĐ Việt Nam với LĐBĐ Đức, và ông được LĐBĐ Đức trả lương. Về lý thuyết, ông Rainer làm GĐKT, kiêm nhiệm luôn vị trí HLV trưởng ĐT U.22 Việt Nam. Nhưng chỉ sau một hai giải đấu giao hữu, không hiểu vì lý do gì mà cái ghế HLV trưởng ĐT U.22 của ông Rainer bị "treo". Còn ở ghế GĐKT, chất xám của ông cũng không được trọng dụng một cách hợp lý. Tiger Cup 2002, ông Rainer với chiếc camera cá nhân thường ngồi ở khán đài các SVĐ Indonesia để quay lại các trận đấu của ĐTVN, giúp HLV trưởng ĐTVN Calisto có căn cứ phân tích dữ liệu. Và đấy được coi là "dấu ấn" lớn nhất mà ông Rainer để lại trong vài năm làm việc ở Việt Nam. Khi đó, báo giới thể thao Việt Nam từng nhiều lần đặt ra dấu hỏi: Có phải LĐBĐ Việt Nam không phải trả lương cho vị chuyên gia này nên mới hoang phí tài năng của ông đến vậy?

Sau ông Weigang, ông Rainer, bóng đá Việt Nam đón một HLV người Đức thứ ba vào năm 2011, đấy là ông Falko Goetz. Khác hẳn với hai người tiền nhiệm, ông Goetz mang đến một phong cách rất trẻ trung và cũng rất kỷ luật. Ông từng bắt các tuyển Việt Nam thực hiện lệnh giới nghiêm triệt để, bắt họ phải tập giữa trưa nắng, thậm chí bắt chạy vài vòng quanh khách sạn sau khi cả đội vừa trải qua một chuyến bay dài. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khi ấy từng rất "kết" phong cách kỷ luật và tinh thần mạnh mẽ mà ông Goetz truyền vào ĐTQG. Nhưng các cầu thủ Việt Nam thì không quen như vậy, nên trên nhiều mặt báo, người ta dễ dàng nghe thấy nhiều lời "bắn tỉa" ông thầy bằng những cách khác nhau. Và chỉ từ những "bắn tỉa" ấy tất cả đều đoán biết: ĐT của Falko Goetz trước sau gì cũng thất bại, và ông thầy từng được quảng cáo là "HLV ngoại số 1 của BĐVN từ trước tới nay" trước sau gì cũng phải xách va li về nước.

Cho đến tận bây giờ, những chuyên gia bóng đá Việt Nam từng làm việc với Flako Goetz và từng cùng Goetz dự SEA Games 26 vẫn không thể trả lời chính xác một câu hỏi: Rốt cuộc thì Goetz không "oách" như những gì được ông Chủ tịch Liên đoàn tô vẽ hay cái chính là vì các cầu thủ Việt Nam chưa đủ chuyên nghiệp để hấp thụ phong cách của ông?

Và như thế, trong số tất cả các ông thầy Đức từng làm việc với bóng đá Việt Nam chỉ có duy nhất ông Weigang - người đến với bóng đá nước ta trong những thời kỳ hết sức sơ khai là để lại dấu ấn và hiệu quả rõ rệt. Cái dấu ấn mà với nó, có thể nói rằng sự phát triển của BĐVN có sự góp sức ít nhiều của "chất Đức".

Nhưng để một ĐT nổi tiếng là "có nhiều vấn đề" như ĐTVN có thể thi đấu với tinh thần và kỷ luật mạnh mẽ đúng như chất Đức điển hình thì e là không tưởng?

HLV Miura lại làm việc kiểu "2 trong 1"

Theo kế hoạch của LĐBĐ Việt Nam thì ngày 22/8, ĐTVN sẽ tập trung lại tại Hà Nội để bước vào quá trình chuẩn bị tiếp theo, chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup diễn ra vào cuối năm (giải đấu mà Việt Nam là một trong hai nước chủ nhà). Ba ngày sau, ngày 25/8 ĐT U.23 Việt Nam cũng được tập trung ở Hà Nội để chuẩn bị cho ASIAD 17 diễn ra từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 tại Hàn Quốc. Điều đáng nói là HLV Miura sẽ làm HLV trưởng của cả 2 đội bóng này, và mục tiêu mà LĐBĐ Việt Nam giao cho ông Miura là chuẩn bị một lực lượng tốt nhất để có thành tích cao tại SEA Games 28 vào năm sau ở Singapore, chứ không phải là phải có thành tích ngay trong năm nay.

Trước đây, cựu HLV trưởng Calisto, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc cũng từng làm việc theo kiểu " 2 trong 1", và đều thất bại. Đã có thời điểm Tổng cục TDTT kiên quyết chỉ đạo VFF chấm dứt mô hình làm việc này, nhưng không hiểu sao giờ thì HLV Miura lại tiếp tục đi vào "vết xe" của những người tiền nhiệm?

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.