Cây đàn bầu cải tiến của Thế Viên
Cây đàn bầu cải tiến của ông có kích thước như đàn bầu thông thường, chỉ có hình dáng độc đáo hơn đó là bầu đàn được cách điệu thành hình chiếc lá sen, không cần bộ phận khuếch đại hoặc micro, tiếng đàn vẫn vang với âm lượng lớn.
Mỗi lần có khách du lịch đến tham quan nhà trưng bày nhạc cụ truyền thống TP Hồ Chí Minh, sau khi nhìn ngắm, chơi thử vài loại nhạc cụ thì khách du lịch được đưa vào phòng biểu diễn để chứng kiến tận mắt, nghe tận tai âm thanh của các loại nhạc cụ ấy. Buổi diễn nào cũng gây được ấn tượng với các đoàn tham quan trong và ngoài nước.
Song chỉ có một loại nhạc cụ mà nhiều vị khách Tây dù thán phục nhưng vẫn lắc đầu chê "chưa đã" đó là cây đàn bầu có gắn… điện. Nghệ sĩ Thế Viên đã mày mò cải tiến cây đàn bầu không cần dùng điện. Công trình này vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh nghiệm thu và đánh giá thành công.
Cây đàn bầu từ bao đời nay vốn là một loại nhạc cụ được xếp vào hàng độc đáo trong kho tàng âm nhạc dân gian và cũng là niềm hãnh diện của văn hóa dân tộc Việt
Thời gian gần đây, đàn bầu được sử dụng chung với các loại nhạc cụ dân tộc khác, và các dàn nhạc nhẹ, nhạc giao hưởng của phương Tây… Song tất cả đều phải dùng thiết bị khuếch đại âm thanh mới "hòa kịp" với các loại nhạc cụ khác. Bỗng dưng, cây đàn bầu thô, mộc với âm thanh trầm, bổng du dương trở thành cây đàn bầu "điện tử". Khi "đứng" chung với sáo, bộ gõ và họ nhà "gảy" như kìm, tỳ bà… đàn bầu trở nên kém "hòa đồng" vì phải xài… điện. Chính cái điểm yếu này mà âm thanh của cây đàn bầu chưa thật sự thuyết phục được du khách…
Từ ý nghĩ phải cải tiến cây đàn bầu, "chuyên gia" cải tiến, sáng chế đàn Thế Viên đã gặp người bạn là nghệ nhân làm đàn Tạ Văn Khải ở Hà Nội bàn bạc cách làm. Thử tất cả các loại gỗ, vẽ ra nhiều kiểu dáng, thêm cái này, bớt cái kia trong gần một năm trời và phải vay tiền "vợ" nhiều lần, hư mất 5,6 cây đàn ông mới mạnh dạn đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh. Cây đàn bầu cuối cùng ông đem trình trước Hội đồng khoa học và được đánh giá là thành công, có kích thước như đàn bầu thông thường, chỉ có hình dáng độc đáo hơn đó là bầu đàn được cách điệu thành hình chiếc lá sen, không cần bộ phận khuếch đại hoặc micro, tiếng đàn vẫn vang với âm lượng lớn. Nghệ sĩ có thể biểu diễn với cây đàn này trong khán phòng nhỏ hoặc sân khấu lớn…
Hỏi bí quyết để ông cải tiến thành công cây đàn này là gì, lão nghệ sĩ Thế Viên trả lời: "Bí quyết nằm ở trên mặt bầu đàn. Sau khi thử nhiều loại gỗ, cuối cùng chỉ có loại gỗ thông ngoại nhập mới cho được âm thanh đặc trưng của đàn bầu".
Từng là diễn viên của các đoàn văn công trong kháng chiến, sau giải phóng làm Phó Giám đốc Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, giờ đã nghỉ hưu nên Thế Viên dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, sáng chế cải tạo nhạc cụ dân tộc. Trong hơn 100 nhạc cụ ở phòng trưng bày, có gần phân nửa là do ông "học lỏm" trong dân gian, tự mày mò sáng tạo nên.
Ông vốn có bản tính tìm tòi, cũng từng là diễn viên nên thường đặt hết tâm huyết vào việc cải tiến các loại nhạc cụ sao cho người dùng đàn, nhất là các nghệ sĩ dễ dàng ứng dụng trong khi biểu diễn và có thể có mặt trong dàn nhạc biểu diễn chuyên nghiệp. Cây đàn bầu cải tiến lần này đã được nhiều nghệ sĩ biểu diễn thử nghiệm và rất ưng ý nên đặt mua khá nhiều ngay từ "mẻ" đầu tiên, trong đó có Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Nhà hát dân tộc Bông Sen, nhóm nhạc Mặt Trời Đỏ…
Ông cho biết, trong thời gian nghiên cứu thì khá tốn kém nhưng khi thành công rồi thì tính toán giá cả, cây đàn bầu này có giá rẻ gần phân nửa cây đàn bầu thông thường, thay vì 1,8 triệu đồng một cây thì đàn bầu cải tiến có giá khoảng 1 triệu đồng.
Một nhà thơ Pháp từng ví cây đàn bầu Việt
Sau cây đàn bầu này, nghệ sĩ Thế Viên cho biết, ông sẽ bắt tay vào cải tiến bộ cồng chiêng "gói gọn" trong một chiếc hộp để các nghệ sĩ có thể đem đi biểu diễn trong và ngoài nước một cách dễ dàng… còn cải tiến kiểu gì thì ông bảo còn trong vòng... bí mật