Cầu thị kiểu… BTC giải

Thứ Năm, 07/09/2006, 08:47

Có lẽ không ít người trong giới cầm bút viết về thể thao sẽ "cảm động" khi "cánh nhà mình" được BTC mùa bóng vừa qua dành cho những lời đánh giá "hay như hát"', "vang như hô khẩu hiệu" trong Dự thảo Báo cáo tổng kết mùa giải.

Dự thảo viết: "Các cơ quan thông tin đại chúng luôn sát cánh cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN) trong công tác tổ chức thi đấu để ngày càng hoàn thiện các giải quốc gia với mục tiêu: vì sự phát triển lành mạnh của bóng đá Việt Nam".

Dưới góc nhìn của những nhà tổ chức thì ở mùa giải vừa qua, giới truyền thông đã tích cực tham gia các giải đấu với những bài viết, hình ảnh sinh động truyền tải đầy đủ thông tin tới người hâm mộ trong cả nước. "Nhiều bài viết mang tính động viên các CLB, cầu thủ, trọng tài... bên cạnh đó cũng có nhiều góp ý, phê phán những điểm yếu trong công tác điều hành của BTC giải, của các CLB, góp phần làm cho giải đấu đạt kết quả tốt hơn" (trích Dự thảo Báo cáo tổng kết).

Một sự cầu thị! Vâng, qua những con chữ "thương quá đi thôi" này, người ta thấy lộ rõ một sự cầu thị của BTC giải với giới truyền thông. Và nếu không có sự cầu thị đó, chắc hẳn BTC giải sẽ không có... chỗ dựa dư luận để "dũng cảm" đánh giá trong những lượt cuối của V.League có một số đội bóng thi đấu thiếu tích cực.

Sự cầu thị của BTC còn được thể hiện đậm nét ở thời kỳ "hậu" mùa giải với những cuộc bầu bán các danh hiệu. Không chỉ ở cuộc bình chọn danh hiệu cho các cầu thủ, HLV như mọi năm, giới truyền thông còn được BTC ưu ái dành cho nhiều phiếu nhất trong số các thành phần "cử tri" ở cuộc bầu chọn "Chiếc còi vàng - Cây cờ vàng", lần đầu tiên được tổ chức để tôn vinh các trọng tài.

Thậm chí, khi trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thư ký LĐBĐVN Trần Quốc Tuấn còn bày tỏ "niềm tin tuyệt đối" vào các lá phiếu của báo chí trong cuộc bầu chọn này: "Với 26 phiếu bầu, các cơ quan báo chí với các phóng viên theo dõi sát sao diễn biến trong cả mùa giải sẽ có những quyết định đúng đắn".

Thế nhưng, cầu thị theo kiểu BTC cũng có mặt trái của nó! Hôm rồi, trong cuộc họp báo về Gala trao tổng kết mùa giải 2006, không ít phóng viên đã "sốc" khi được BTC ưu ái trao... trách nhiệm, đúng hơn là quy trách nhiệm về việc danh hiệu "HLV xuất sắc nhất V.League 2006" được trao cho... Giám đốc Kỹ thuật Calisto của GĐT.LA.

Số là trả lời thắc mắc của một phóng viên về chuyện danh hiệu này được trao không chính danh và không chuyên nghiệp, ông Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi đã lý giải là do "lỗi" của giới truyền thông: "Chính các bạn phóng viên khi bầu chọn HLV xuất sắc nhất đã "cáp đôi" Calisto - Huỳnh Ngọc San của đội vô địch GĐT.LA để bầu, chứ không bầu một mình HLV trưởng như đối với các đội bóng khác. Chúng tôi kiểm phiếu và "liên danh" này nhiều phiếu nhất nên đoạt giải".

Cái cách lý giải của ông Trưởng giải nghe qua thì có vẻ cầu thị và đong đầy sự "tôn trọng" quyết định của "quyền lực thứ 4". Tuy nhiên, nó lại không sòng phẳng và đặc biệt là không thể hiện được trách nhiệm của một người cầm chịch cuộc chơi. Bởi nói gì đi nữa, BTC hoàn toàn có quyền và có trách nhiệm điều chỉnh cho cuộc bầu chọn đúng với tiêu chí và quy chuẩn. Nghĩa là với tư cách của nhà tổ chức, họ có thể gạt những lá phiếu bầu cho "bộ đôi" Calisto-Huỳnh Ngọc San với lý do phiếu bầu không hợp lệ (bầu không trúng đối tượng).

Không thể vin vào cớ do phiếu bầu của giới truyền thông nên không hợp lệ cũng trở thành... hợp lệ. Bởi lẽ, trong bất kỳ cuộc bầu chọn nào, các lá phiếu đều bình đẳng với nhau. Lá phiếu nào không hợp lệ thì phải bị loại bỏ.

Chưa kể việc "đánh đồng" tất cả các phóng viên vào "lỗi" bầu "lộn sòng" cho "bộ đôi" Calisto - Huỳnh Ngọc San là không chính xác. Bởi người viết biết chắc chắn rằng, có những lá phiều bầu từ giới truyền thông không bầu cho "cặp" này.

Vậy nên, ngẫm lời lý giải của ông Khôi, không ít người cám cảnh mà rằng, "cầu thị" kiểu BTC giải sao giống như việc những người làm giải đá quả bóng trách nhiệm sang giới cầm bút.

"Theo dư luận, một số đội bóng thi đấu thiếu tích cực". "Một số trận đấu bị dư luận đặt dấu hỏi". "Bầu Calisto là do chính các phóng viên bầu". Như một "điệp khúc" mà ở đấy sự cầu thị có vẻ như đang trở thành một "vỏ bọc" an toàn

Bảo Quyên
.
.
.