Câu lạc bộ bóng chuyền Ngân hàng Công Thương trước nguy cơ tan rã

Thứ Tư, 17/03/2021, 06:24
Chỉ trong vòng ít ngày, CLB bóng chuyền Ngân hàng Công Thương (NHCT) phải chia tay một loạt trụ cột, từ HLV cho đến VĐV và đối diện với nguy cơ tan rã. Đây được xem là kết cục khó tránh khỏi khi họ đã có dấu hiệu chững lại sau 3 năm chinh phục đỉnh cao.


Thỏa mãn với thành tích đầu tiên

Năm 2003, CLB bóng chuyền nữ NHCT ra đời với tiền thân là chuyền nữ Dệt Nam Định. Sinh sau đẻ muộn, NHCT tập trung vào kế hoạch dài hơi, đầu tư bài bản và chú trọng vào phát triển tài năng trẻ. Chính vì vậy, trong một thời gian dài, họ không thể phá vỡ thế thống trị của hai tên tuổi lớn nhất làng bóng chuyền nữ Việt Nam là VTV Bình Điền Long An và Thông tin Liên Việt PostBank.

Tuy nhiên, kế hoạch chỉn chu của NHCT giúp họ có sự phát triển bền vững và từng bước cải thiện thành tích. Từ chỗ gây ấn tượng ở các giải đấu truyền thống như Cúp Hùng Vương hay VTV Bình Điền Cúp, NHCT bắt đầu tạo chỗ đứng ở giải bóng chuyền Vô địch quốc gia (VĐQG) từ những năm đầu thập niên trước.

CLB bóng chuyền Ngân hàng Công Thương đi xuống sau khi đoạt chức VĐQG đầu tiên và duy nhất vào năm 2016.

Năm 2012 đánh dấu bước ngoặt đầu tiên của NHCT khi họ vô địch cúp Hùng Vương, đồng thời về nhì ở giải VĐQG. Sự thăng tiến của NHCT ngày càng mạnh mẽ. Đến trước mùa giải 2016, họ có động thái mang tính chất “lịch sử” khi chiêu mộ hai HLV giàu kinh nghiệm Nguyễn Tuấn Kiệt và Nguyễn Thúy Oanh. Ở giai đoạn này, NHCT cũng đã giành được sự phục vụ của huyền thoại bóng chuyền Việt Nam, Phạm Kim Huệ. Cùng nhau, họ đã mang về chức vô địch quốc gia đầu tiên cho NHCT sau 13 năm thành lập.

Ở trận chung kết năm 2016, NHCT đã đánh bại chính nhà ĐKVĐ Thông tin Liên Việt PostBank để lên ngôi một cách thuyết phục, hoàn tất cú ăn ba VĐQG, Cúp Hùng Vương và VTV Bình Điền Cup.

Tuy nhiên, đó cũng là đỉnh cao cuối cùng của NHCT. Có vẻ như hơn một thập kỷ theo đuổi và giành quả ngọt đã khiến NHCT cảm thấy thỏa mãn. Ngay ở mùa giải sau đó, họ đi xuống trông thấy và chỉ về đích thứ 3. Cúp Hùng Vương 2017 là lần gần nhất mà NHCT được đứng lên bục cao nhất ở các giải bóng chuyền nữ suốt 4 năm qua.

Kết cục có thể lường trước

Sau khi NHCT tỏ ra không còn mặn mà với việc chinh phục đỉnh cao, việc họ tan đàn xẻ nghé là chuyện nhiều người hâm mộ đã lo ngại từ lâu, đặc biệt khi chủ công Phạm Kim Huệ giải nghệ vào năm 2019.

Sự tan rã của NHCT đã manh nha từ đầu mùa giải trước, khi chủ công số một Nguyễn Thị Xuân chuyển sang đội bóng mới nổi Hóa chất Đức Giang Hà Nội trước ngày khởi tranh. Khi chuẩn bị cho vòng 2 giải VĐQG, đến lượt Trần Tú Linh tiếp bước đàn chị để sang đội bóng đối thủ. Cho dù Trần Tú Linh không được phép thi đấu vì quy định của giải, nhưng việc cô ra đi giữa chừng đã khiến NHCT suy yếu trông thấy.

Thực tế, NHCT đã khốn đốn đến mức phải cầu viện Đoàn Thị Xuân, tay đập vốn chia tay bóng chuyền hơn một năm trước đó vì mắc bệnh lạ. Cộng thêm tài thao lược của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, NHCT mới tránh khỏi việc bị văng ra khỏi top 4 sau nhiều năm góp mặt.

Tuy nhiên, một chiến lược gia được nhiều đội bóng săn đón như HLV Nguyễn Tuấn Kiệt không thể hài lòng ở một nơi không còn tham vọng và liên tục “chảy máu” tài năng như NHCT. Kết cục, vị HLV này quyết định nộp đơn xin thanh lý hợp đồng vào cuối tháng một vừa qua.

Đáng chú ý, trước khi HLV Nguyễn Tuấn Kiệt công khai xin ra đi, hai trong số ít ngôi sao sáng giá nhất NHCT hiện tại là Lưu Thị Huệ và Vi Thị Như Quỳnh cũng gửi đơn lên lãnh đạo đội bóng xin chấm dứt hợp đồng.

Cực chẳng đã, NHCT phải gửi công văn lên Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và tất cả các CLB bóng chuyền trên cả nước về việc “VĐV Vi Thị Như Quỳnh là học viên năng khiếu của Đội bóng chuyền nữ Vietinbank đã vi phạm tổ chức kỷ luật tự ý rời bỏ khỏi nơi tập luyện (Đội bóng) không có lý do” vào đầu tháng 3 này, yêu cầu tất cả các CLB bóng chuyền không tiếp nhận Như Quỳnh.

Tuy nhiên, hành động này chỉ cho thấy NHCT và đơn vị chủ quản đội bóng - Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Coseco lỏng lẻo trong công tác quản lý. Trong động thái mới nhất, Như Quỳnh - người đang ăn tập cùng Than Quảng Ninh tố cáo lại NHCT và yêu cầu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tìm lại sự trong sạch cho cô, giúp cô tiếp tục thi đấu chuyên nghiệp.

Trong khi vụ việc này chưa có kết quả thì nội bộ NHCT tiếp tục dậy sóng. Huyền thoại Phạm Kim Huệ được chọn thay thế HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, nhưng cô từ chức chỉ 5 ngày sau trận thua Bamboo Airways Vĩnh Phúc 2-3. Và lần này, sự ra đi của Kim Huệ cũng theo đúng kịch bản giống như người thầy cũ của cô.

Một ngày trước khi Kim Huệ nộp đơn từ chức, 3 trụ cột của NHCT mùa này, chuyền hai Thu Hoài (tuyển thủ quốc gia), libero Ninh Anh và chủ công Phương Anh cũng đồng loạt ra đi. Trong bối cảnh còn chưa đầy một tháng nữa giải VĐQG 2021 sẽ khởi tranh, NHCT đứng trước nguy cơ tan rã và phải chấp nhận sử dụng VĐV từ đội U23.

Cựu HLV trưởng NHCT Lê Văn Dũng hiện đang vẫn đang góp mặt trong ban huấn luyện của đội khẳng định NHCT sẽ không bỏ giải. Tuy nhiên, với tình hình rối ren hiện tại, NHCT khó lòng chờ đợi thành tích cao hoặc tìm lại sự ổn định giống trước đây.

Đội bóng chuyền nữ NHCT còn lại gì?

Sau khi Kim Huệ từ chức, ban huấn luyện của đội bóng chuyền nữ NHCH vẫn còn 6 HLV là Lê Văn Dũng, Hà Thu Dậu, Tạ Đức Hiếu, Hà Thị Hoa, Nguyễn Thị Hiền và Vũ Thị Hương. Trong đó, ông Lê Văn Dũng từng làm HLV trước khi bàn giao đội cho HLV Nguyễn Tuấn Kiệt vào cuối năm 2015.

Về lực lượng, NHCT chỉ còn sự phục vụ của đội trưởng Lê Thanh Thúy (tuyển thủ quốc gia) là đáng kể. Hầu hết các vị trí khác đều là tài năng trẻ. Tuy nhiên, HLV Lê Văn Dũng tiết lộ NHCT đã liên hệ với một số VĐV và sẽ cố gắng có sự bổ sung chất lượng trong thời gian. Ông cũng tái khẳng định NHCT sẽ tiếp tục thi đấu các giải đấu đã đăng ký tham dự trong năm 2021 bất chấp tình huống nào.

CLB bóng chuyền Ngân hàng Công Thương đi xuống sau khi đoạt chức VĐQG đầu tiên và duy nhất vào năm 2016.

An Khánh
.
.
.