Vở diễn "Cây bàng vuông":

Sau nước mắt là niềm tự hào về những người lính biển

Thứ Hai, 22/12/2014, 10:51
Vở diễn "Cây bàng vuông" (đạo diễn: Hoa Hạ) vừa được hoàn tất, chuẩn bị ra mắt khán giả vào cuối tháng 12, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xoay quanh cuộc sống, chiến đấu, sinh hoạt của các cán bộ chiến sĩ ngoài đảo xa đúng thời điểm tình hình biển Đông căng thẳng, "Cây bàng vuông" chuyển tải được nhiều vấn đề mang tính thời sự của đất nước.

Hình ảnh người lính trong vở kịch không cứng nhắc, khô khan, mang tính tuyên truyền một chiều mà "đời" hơn với đầy đủ những cung bậc tình cảm của con người: những khoảnh khắc lãng mạn, những phút tếu táo, vui đùa, sự khát khao hơi ấm đất liền, những giây phút bị kích động trước những hành động xâm phạm chủ quyền, cướp phá tàu ngư dân của kẻ thù... Tuy nhiên, bằng bản lĩnh của người lính, vì mục đích chung lớn lao hơn, họ đã vượt qua tất cả, thậm chí chấp nhận hy sinh tính mạng để giữ trọn vẹn hình ảnh của Việt Nam yêu hòa bình trong mắt bạn bè quốc tế và vì sự vẹn toàn lãnh thổ của Tổ quốc.

Sự hy sinh ấy càng ám ảnh, day dứt hơn với hình ảnh 2 người phụ nữ thuộc 2 thế hệ. Đó là nữ ca sĩ Hồng Hạnh (ca sĩ Hồng Hạnh thủ vai) nay đã là má Hồng Hạnh của lính trẻ, nhưng vẫn một mình lẻ bóng vì người bạn đời cũng là một người lính hải quân đã hy sinh ngay trước ngày cưới. Người thứ 2 là cô nữ sinh vừa 18, đôi mươi (diễn viên Vân Trang thủ vai) với tình yêu đầu đời vừa chớm nở đã khóc ngất khi hay tin người lính trẻ cô yêu đã vĩnh viễn ra đi trong một lần cùng đồng đội thực thi nhiệm vụ...

Hình ảnh người lính đảo được chuyển tải sinh động, gần gũi hơn với những khoảnh khắc đời thường trong "Cây bàng vuông".

Câu chuyện nhiều xúc động của "Cây bàng vuông" càng khiến người xem dễ rơi lệ khi được kể trên nền nhạc của hàng loạt các nhạc phẩm về người lính biển: Nơi đảo xa, Gần lắm Trường Sa ơi, Tổ quốc nhìn từ biển, Tổ quốc gọi tên mình, Người Việt Nam, Nam quốc sơn hà, bài vọng cổ Tiếng gọi non sông. Chỉ có điều, đó không phải là giọt nước mắt với tâm trạng đắm chìm trong ủy mị mà khóc để hiểu, tự hào, quyết tâm hơn, đoàn kết hơn để cùng đồng hành với những người lính nơi đầu sóng ngọn gió trong công cuộc bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của ca sĩ Hồng Hạnh, diễn viên Vân Trang, Quốc Đại, Chính Trực, Bá Cường, Linh Sơn, vũ đoàn Phương Việt...

Dự kiến, sau khi công diễn phục vụ khán giả tại Nhà hát TP HCM, vở diễn được đưa đi lưu diễn tại nhiều trường học, đơn vị bộ đội biên phòng, hải quân trong và ngoài địa bàn TP HCM.

Hoa Nguyễn
.
.
.