Một phiên đấu giá sách gay cấn

Thứ Ba, 22/09/2015, 15:08
Sáng Chủ Nhật 20/9, một phiên đấu giá sách cũ quý hiếm đã diễn ra gay cấn và hồi hộp tại Nhã Nam thư quán.

Đây là phiên đấu giá sách cũ thứ hai được tổ chức tại Nhã Nam thư quán. Lần trước, phiên đấu giá được tổ chức vào tháng 1/2013 ghi dấu ấn với cuốn bút ký Sông Đà của Nguyễn Tuân được NXB Tác Phẩm Mới (nay là NXB Hội Nhà văn) in năm 1978 được đấu đến 4 triệu đồng.

Lần này, Ban tổ chức đấu giá 15 ấn phẩm gồm sách xưa, báo cũ và bìa tờ nhạc đã thu được 15.130.000 đồng. Số tiền đấu giá được chuyển cho chị Hướng Dương, giám đốc Thư viện Sách nói dành cho người khiếm thị.

Điều thú vị trong phiên đấu giá lần thứ hai này là sự xuất hiện của Giáo sư Ngô Bảo Châu và Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Phượng. Xuất hiện vào nửa sau phiên đấu giá nhưng lòng đam mê sách của hai người đã khiến không khí buổi đấu trở nên gay cấn và hấp dẫn hơn rất nhiều.

Trong phiên đấu giá, Giáo sư Châu đã tham gia đấu giá các cuốn sách: Việt Nam Văn hóa sử cương (Đào Duy Anh, nxb Bốn Phương, 1951), Truyện Thúy  Kiều (Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp, nxb Vĩnh Bảo, 1951).

Người tham gia đấu giá hai cuốn sách này cùng Giáo sư Châu là Dạ Thương, người tham gia tổ chức phiên đấu giá đầu tiên ở Nhã Nam năm 2013. Điều thú vị đối thủ của Giáo sư Châu lại là người đã được anh truyền cảm hứng để mở tiệm sách Book Nest. Chị Dạ Thương chia sẻ rằng trước đây chưa từng gặp giáo sư Châu nhưng rất xúc động với bài viết “Những tiệm sách ấy bây giờ ở đâu…” của anh nên đã mở hiệu sách Book Nest ở Sài Gòn.

Cuốn Việt Nam văn hóa sử cương có mức giá khởi điểm là 150.000đ được nâng mức giá đấu lên từng mức 250.000đ, 300.000đ… rất nhanh chóng leo lên mức giá gấp 10 lần giá khởi điểm là 1,5 triệu đồng. Cuối cùng Giáo sư Châu thắng ở mức giá 2,5 triệu và dành được cuốn Việt nam văn hóa sử cương.

Đến cuối phiên đấu giá, Giáo sư Châu và Dạ Thương gặp lại nhau khi cùng đấu giá cuốn Truyện Thúy  Kiều (Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp, nxb Vĩnh Bảo, 1951). Lần này, cả hai vẫn đeo bám quyết liệt với các mức giá nhích đều đặn từ khởi điểm là 150.000đ cho đến khi giá lên tới 2,5 triệu đồng. Cuối cùng, giáo sư Châu dừng ở mức đấu 2,7 triệu đồng còn Dạ Thương nhận được cuốn sách với giá 2,8 triệu đồng.

Một phiên đấu căng thẳng và hấp dẫn khác là cuốn sách Cochichine (Nam Kỳ) do Phủ toàn quyền Đông Dương thực hiện, NXB Gastaldy in tại Sài Gòn năm 1931. Đây  là một cuốn sách quan trọng trong dòng sách Đông Dương, có bản đồ Đông Dương (các ấn bản tương tự thường bị mất bản đồ), tỉ lệ 1:1.000.000 và có nhiều hình ảnh về sinh hoạt, kiến trúc Đông Dương xưa. Cuốn sách này còn rất đẹp và mới, thuộc bộ sưu tập của nhà báo Hà Văn Bảy. Đây là cuốn sách có giá khởi điểm cao nhất buổi đấu giá: 5 triệu đồng.

Hai người tham gia phiên đấu này là chị Nguyễn Thị Thanh Phượng (Giám đốc ngân hàng Bản Việt) và anh Dương Thanh Hoài (Giám đốc Công ty sách Nhã Nam). Đối với một ấn phẩm quý như vậy không ai muốn buông tay. Cuộc đấu trí của hai đối thủ ngang tầm có những tình huống thú vị như chị Phượng hỏi ý kiến giáo sư Châu và nhà văn Nguyễn Phương Văn (hot blogger 5xu) còn anh Hoài cân nhắc và hội ý với Dạ Thương khi nhích mức giá lên 9,5 triệu. Cuối cùng chị Phượng thắng cuốn sách này với giá 10 triệu đồng.

Phần thắng cho bất cứ ai, suy cho cùng cũng là phần được của Quỹ từ thiện sách nói dành cho người khiếm thị nhưng phần được nhiều hơn là dành cho những vị khách đến tham gia buổi đấu giá. Và được nhất, chính là đơn vị tổ chức bởi không khí đã thực sự trở nên sôi nổi, hấp dẫn và nhiều niềm vui hơn thay vì sự mực thước đầy chữ nghĩa của một sự kiện liên quan đến lĩnh vực khá “khô khan bề mặt”.

15 ấn phẩm và giá đấu thắng:

Tờ nhạc Mùa thu cho em, tác giả Ngô Thụy Miên: 100.000 đồng

Sách Việt Nam phong tục, tác giả Phan Kế Bính, 1975: 270.000 đồng

Sách Nói với tuổi hai mươi, tác giả Thích Nhất Hạnh, 1973: 260.000 đồng

Tri Tân tạp chí số 98, năm 1943: 300.000 đồng

Tờ nhạc Thà làm giọt mưa, tác giả Phạm Duy: 150.000 đồng

Tờ nhạc Chuyện hẹn hò, tác giả: Trần Thiện Thanh: 100.000 đồng

Sách La musique et le monde, tác giả Trần Văn Khê, 1995: 2.100.000 đồng

Món ngon Hà Nội, tác giả Vũ Bằng, 2014: 300.000 đồng

Bác sĩ Ai-Bô-Lít, 1984: 1.000.000 đồng

Tờ nhạc Diễm xưa, tác giả Trịnh Công Sơn: 150.000 đồng

Đầu xuân ra sông giặt áo, tác giả Nguyễn Nhật Ánh, 1986: 300.000 đồng

Việt Nam văn hóa sử cương, tác giả Đào Duy Anh, 1951: 2.500.000 đồng

Cochichine, Phủ toàn quyền Đông Dương thực hiện, 1931: 10.000.000 đồng

Vang bóng một thời, tác giả Nguyễn Tuân, 1963: 800.000 đồng

Truyện Thúy Kiều, Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp, in song ngữ 1951: 2.800.000 đồng.

Thư Hiên
.
.
.