Khám phá vẻ đẹp của hang núi lửa dài nhất Đông Nam Á

Thứ Năm, 25/12/2014, 20:20
Sau gần 7 năm nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản vừa phát hiện “quần thể” hang núi lửa ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, trong đó có hang núi lửa dài nhất Đông Nam Á. Theo dự kiến, vào ngày mai 26/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Hiệp hội Hang động Nhật Bản và các tổ chức liên quan công bố kết quả này.

Là hệ thống hang động hiếm gặp bao gồm hàng chục hang động và miệng núi lửa hình thành từ quá trình phun trào dung nham cách đây hàng triệu năm. Hệ thống hang động này có chiều dài khoảng 25km, kéo dài từ miệng núi lửa tại xã buôn Chóah, huyện Krông Nô dọc theo sông Sêrêpốk đến khu vực thác Dray Sáp với hàng trăm hang động lớn nhỏ khác nhau.

Trong đó, hang động lớn nhất có chiều dài khoảng 1.066m, bên trong rộng hàng nghìn mét, có cấu trúc rất độc đáo và đặc trưng của hang động núi lửa với dòng dung nham phun ngược, tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ. Hang động này nằm trong rừng sâu, chưa ghi nhận dấu vết của con người nhưng có nhiều loài vật sinh sống.

Cùng với hệ thống thác hiện có, hệ thống hang mới được phát hiện có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa, du lịch mạo hiểm, khám phá. Hiện tại, UBND tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với Bảo tàng Địa chất Việt Nam xây dựng đề cương quy hoạch hệ thống hang động dọc sông Sêrêpốk thành công viên địa chất toàn cầu.

Sau đây là một số hình ảnh do phóng viên ghi lại được trong quá trình thám hiểm, khám phá cùng đoàn Hiệp hội hang động Nhật Bản.

Sau gần 7 năm nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Bảo tàng địa chất Việt Nam (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản) cùng các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy hệ thống hàng chục hang động núi lửa trong đá bazan ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Hang dài 25km từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpốk đến khu vực thác Dray Sáp.

Đây là hệ thống hang động hiếm gặp bao gồm hàng chục hang động và miệng núi lửa hình thành từ quá trình phun trào dung nham, được cho là cách đây hàng triệu năm. Hang động nằm trong rừng sâu, chưa ghi nhận dấu vết của con người nhưng có nhiều loài vật sinh sống.
Nhiều cửa hang rộng hàng trăm mét, sâu vào lòng đất hàng ngàn mét.

Phía trong đường hầm, những tảng đá có hình thù vuông vắn được sắp đặt ngay ngắn tạo nên vẻ đẹp huyền bí của hang động.

Phía trong, nhiều ngách của hang này nối liền với hang khác qua ngách ngăn chỉ một người chui lọt.
Giây phút nghỉ ngơi trong hang động của đoàn thám hiểm Nhật Bản.
Nhiều hang động có cửa hang cao hàng chục mét. Để xuống phải dùng đến thang dây chuyên dụng.

Văn Thành
.
.
.