Cận cảnh cuộc chiến Việt Nam qua ống kính phóng viên

Thứ Tư, 10/06/2015, 17:05
40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hãng thông tấn AP đã tổ chức triển lãm ảnh về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Hơn 50 bức ảnh được lấy ra từ cuốn sách ảnh “Việt Nam - Cận cảnh cuộc chiến” được triển lãm tại Hà Nội từ ngày 12 đến 16/6 với mục đích kể lại câu chuyện về con người phía sau cuộc chiến.

Từ bức ảnh kinh hoàng của Malcolm Browne chụp một nhà sư lớn tuổi tự thiêu để phản đối chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến bức ảnh nổi tiếng của Nick Út chụp cô bé 9 tuổi bị cháy sém, không quần áo chạy khỏi một cuộc tấn công bằng bom napalm, những bức ảnh được chọn lọc này ghi lại những trải nghiệm và bi kịch người dân phải chịu đựng trong chiến tranh.

Ngày 19/3/1964, một người cha đau đớn ôm thi hài của con mình trong khi lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa ngồi trên xe bọc thép nhìn xuống. Tấm ảnh này của Horst Faas nhận được giải Pulitzer cho ảnh năm 1965.

Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày các bức ảnh nổi tiếng khác của Horst Faas và Henri Huet, cũng là những phóng viên ảnh kỳ cựu của AP. Trước ngày khai trương triển lãm ảnh ở Hà Nội, phóng viên ảnh Nick Út đã về thăm lại nơi ông đã chụp bức ảnh nổi tiếng ngày 8/6/1972 gần Trảng Bàng, ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn trước đây).

Bức ảnh này do Eddie Adams chụp ngày 25/4/1965, dưới làn đạn bắn tỉa, một phụ nữ Việt Nam bế đứa trẻ đến nơi an toàn trong khi Thủy quân lục chiến Mỹ đang tấn công làng Mỹ Sơn, gần Đà Nẵng, để tìm quân quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Được biết, để đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Hãng thông tấn AP đã cử một đội ngũ phóng viên ảnh xuất sắc tới văn phòng Sài Gòn, những phóng viên ảnh này đã tạo ra một trong những di sản ảnh vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Khói lửa bốc lên từ một cuộc tấn công bằng bom Napalm gần nơi quân Mỹ tuần tra năm 1966.

AP đã đoạt sáu giải Pulitzer cho việc đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, bốn trong số đó cho thể loại ảnh bao gồm cả giải của phóng viên ảnh Nick Út năm 1973.

Các nhà hoạt động kêu gọi kết thúc sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam biểu tình tại Berkeley, Bang California tháng 12/1965. Thành phố Berkeley và Đại học Berkely là nơi sớm diễn ra các cuộc biểu tình  phản đối chiến tranh, cũng như nhà ga quân đội ở thành phố Oakland ở gần đó là  nơi xuất phát của nhiều đội quân được đưa tới Đông Nam Á.

Ông Gary Pruitt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của AP cho biết: “Việc đưa tin của AP trong những năm chiến tranh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa sự thật của cuộc chiến tới nhân dân Mỹ. Chúng tôi vinh dự được chia sẻ với nhân dân Việt Nam những bức ảnh này”.

H.Chi
.
.
.