Bến Trăng – Hành trình đến cõi lặng

Thứ Năm, 25/06/2015, 03:58
Sau 20 năm tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du, hiện đang làm biên tập viên ở Báo Thiếu niên Tiền phong, Bảo Ngọc mới lần đầu “trình làng” tập thơ mang tên “Bến trăng” do NXB Hội Nhà Văn xuất bản và tổ chức ra mắt.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh bày tỏ: Thơ Bảo Ngọc viết về cõi lặng tĩnh, về sắc không đậm chất tu thân tu tâm. Cuộc song đối tâm đầu ý hợp, tinh tế; Ẩn sĩ giãi bầy tâm nguyện: “Am nhỏ ta về nương cửa Phật/ Bát nhã thuyền tu chạm bến không”, thì tác giả cũng đi hết duyên sau những nâng niu dâng hiến thanh tao: “Sen rạng vườn tâm ngan ngát tỏa/ Duyên mình trải hết với non sông” (Bát nhã). Thấp thoáng trần gian gần gũi, cụ thể, nhưng cảnh Tiên - cảnh giới trên là cảm hứng tràn đầy, bay bổng: “Mưa rơi, gió lạnh, núi mù sương/ Yên tĩnh, chùa xa nơi phố phường/ Lời kinh niệm Phật còn vang mãi/ Nhẹ bước kinh hành tỏa ngát hương”. Thơ Bảo Ngọc hướng đến không gian thiền, đến tâm thức thiền: “Đường mây bảng lảng vương làn khói/ Sương tỏa rừng tùng bóng tịch liêu.../Hương thiền vời vợi hồn sông núi/ Chắp bút sen hồng con bước theo.” (Hương thiền) Cái cổ kính đan xen, quyện hòa với cái hiện đại trong những câu thơ cất cánh bay lên lúc thật lúc ảo: “Hồn sen lưu lại chén trà này/ Sen rơi ngàn cánh mấy ai hay/ Từ trong thiên mộng người say tỉnh/ Gửi chút tàn sen theo gió bay...” (Hồn sen).

Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Sương Nguyệt Minh dẫn chương trình buổi ra mắt “Bến trăng”.

Thơ Bảo Ngọc viết về nỗi cô đơn thời hiện đại. Tác giả cũng độc thoại, cũng song đối để nói về nỗi buồn một mình - nỗi buồn trong sáng, Ẩn sĩ vừa cụ thể gần gũi vừa xa xăm: “Ta nằm với cõi mông lung/ Đếm từng giọt nước giăng mùng thâu đêm”, thì tác giả lại nghĩ ngợi với nỗi một mình: “Nhân gian vạn nẻo còn ai thức?/ Hay chỉ mình ta với núi sông!” (Mưa lạnh). Cũng là cô đơn, nhưng trong thơ Bảo Ngọc không phải sự cô đơn sầu thảm, thê lương, mà là cô đơn của nỗi buồn không chia sẻ sang trọng “bóng mình ta chạm bóng non xanh” và “Chớp bóng đời người vô lượng kiếp/ Ảo tưởng phù vân trải mấy hồi” (Trăng lạnh). Hoặc: “Xin Người thả xuống hồn trăng vỡ/ Thuyền lẻ ta chèo tới BẾN KHÔNG” (Hồn trăng). Mênh mông xa xăm nhưng không ủy mị mà là sự buông..., khi đã biết cần buông một cách nhẹ nhàng thanh thản: “BỜ KHÔNG buông hết – thuyền trôi/ Phiêu diêu tới cõi xa vời – BẾN TRĂNG”.

Nghệ thuật thơ Bảo Ngọc độc đáo ở hình thức thơ song đối rất lạ, cộng với giọng điệu thơ mang hơi hướng cổ hoài vọng, để chở ý tưởng thơ của riêng mình, nhưng đọc lên vẫn âm vang nhịp sống trần thế hiện đại, với nỗi nhớ thương con người, và hướng đến cõi lặng, cõi cao xanh.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã rất có lý khi ông luận về thơ Bảo Ngọc với cái sự thật ảo: “Thật mà ảo. Ảo mà thật. Cả tập thơ là những cuộc song đối. Có lúc hai. Có lúc một. Chỉ đơn giản là lời độc thoại. Nhưng một mà vẫn thấy hai. Như tâm với thân. Như bóng với hình. Đây là hiện thực, hay sự phân thân, một thủ pháp nghệ thuật của tác giả. Khó mà phân biệt được!”

Thái Hoàng
.
.
.