Càng khó khăn, càng cần có nhau hơn

Thứ Bảy, 08/01/2005, 07:35

Trong bất cứ cảnh huống nào, dù tuyệt vọng đến mấy, con người vẫn không lìa bỏ nhau. Càng khó khăn, con người càng cần có nhau hơn, càng muốn có nhau hơn. Những tình thân ái chân chính không bao giờ chỉ dựa trên yếu tố duy lợi đơn thuần, mà chủ yếu dựa trên những điểm giống nhau về tư tưởng, về tâm hồn và những khát vọng dâng hiến...

Ngạn ngữ Anh có câu: "Hãy hy vọng vào cái tốt đẹp nhất, nhưng hãy chuẩn bị cho cái tồi tệ nhất". Đó có lẽ cũng là điều khải ngộ của nhà thơ Nga Yuri Kuznetsov trong cuộc sống không dễ dàng của mình. Trong làng thơ Xôviết trước kia, Kuznetsov có một giọng thơ đặc biệt gay gắt và thẳng thắn với con mắt nhìn đời không bao giờ non xanh như một chàng trai mới lớn, mà luôn trên quan điểm của một người đàn ông từng trải... từ thuở lọt lòng (!).

Sáng tác của anh không phải là loại thơ "ru hồn đi nhé", mà thường cố gắng giúp người đọc nhìn thấy rõ hơn hiện thực cuộc đời để rồi tự mỗi người rút ra những kết luận trữ tình cho chính bản thân mình để sống từng giây, từng phút không uổng phí hay vô nghĩa, để hiểu được giá trị đích thực của tình thân ái, tình đồng loại.

Một trong những tác phẩm thể hiện rõ nhất quan niệm này của Kuznetsov là bài thơ vô đề sau đây mà tôi đã dịch từ thời còn là sinh viên du học ở Liên Xô cũ:

Ngày đang sang chẳng
thương hại gì ta,
Qua đi, sẽ mang theo tất cả:
Ý nghĩ đã làm thời gian giận dữ,
Đám mây cùng tia chớp lóe trời xa.

Bạn chớ tưởng rồi khi bạn chết
Sẽ trở thành chim thú với cỏ cây.
Chớ tự dối mình - chết đi là hết,
Không bao giờ ta được có lần hai.

Khi nào đấy chính mặt trời cũng thế
Lần cuối cùng bùng cháy
để tàn mau...

Nhưng trái tim mãi lời than lặng lẽ
Và con người mòn mỏi
kiếm tìm nhau...

Ngay từ câu đầu tiên, tác giả đã khẳng định chắc như đinh đóng cột cái chân lý khốc liệt đến độ tàn nhẫn để xoá đi mọi ảo tưởng về thời gian: "Ngày đang sang chẳng thương hại gì ta". Cuộc sống của chúng ta quả thực mây trôi nước chảy, mọi sự chỉ có một lần, qua đi là hết nhưng chao ôi, đã là người, ai chẳng muốn níu lại những khoảnh khắc huyền diệu! Nghệ thuật, đặc biệt là thơ, nói cho cùng, được sinh ra cũng là để giúp con người kéo dài hay lưu giữ dưới một dạng nào đấy những khoảnh khắc huyền diệu đó. Đó là niềm an ủi lớn đối với kiếp nhân sinh.

Thế nhưng, Kuznetsov thì lại thẳng thừng từ chối vai trò "lau nước mắt" này của thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung. Anh thẳng thắn khẳng định sự thật rất "duy vật" của thời đại công nghiệp hoá - hiện đại hóa: Cái gì đã qua là qua hẳn, cả ý nghĩ siêu hình từng cả gan làm thời gian giận dữ, cả những đám mây và tia chớp từng rất hữu hình ở trước mắt ta... Anh cũng bác luôn ý tưởng luân hồi rất hay của phương Đông, ý tưởng từng giúp cho mỗi một kiếp người sống thiện tâm hơn, tử tế hơn trong từng đời một để thoát cái nạn "ác giả, ác báo", để con cháu không bị "khát nước" vì cha anh đã "ăn mặn":

Bạn chớ tưởng rồi khi bạn chết
Sẽ trở thành chim thú với cỏ cây.
Chớ tự dối mình - chết đi là hết,
Không bao giờ ta được có lần hai.

Thật ra điều này rất không mới. Trước Kuznetsov tới hơn nửa thế kỷ, nhà văn Komsomol, Nikolai Ostrovski, tác giả Thép đã tôi thế đấy, cũng từng tự nhủ mình và các thế hệ thanh niên cộng sản: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng đê tiện và đớn hèn của mình...". Đời người quả thực như bóng câu qua cửa sổ. Và nên chăng tự ru ngủ trí tuệ và con tim bằng những ảo tưởng? Kuznetsov đã trả lời câu hỏi này một cách quyết liệt. Với anh, không chỉ riêng con người mới phải chịu cảnh "không bao giờ ta được có lần hai", mà ngay cả những biểu tượng thiên nhiên kỳ vĩ đến độ gần như vĩnh cửu rốt cuộc cũng sẽ phải chịu chung số phận như chúng ta:

Khi nào đấy chính mặt trời cũng thế
Lần cuối cùng bùng cháy
để tàn mau...

Đó là câu thơ của người sống ở thời đại mà các nhà khoa học đã áng chừng được trữ lượng năng lượng mà mặt trời đang tích tụ để chiếu sáng thiên hà. Tất nhiên, phải còn lâu lắm mặt trời mới tắt nhưng chưa tắt không có nghĩa là không bao giờ tắt. Nhưng nếu Kuznetsov chỉ muốn chúng ta biết được điều này thôi thì hà cớ gì chúng ta phải bàn tới thơ ông. Không, Kuznetsov muốn nói tới chuyện khác. Ông muốn nhắc tới sự mong manh của kiếp nhân sinh cũng như ngay cả cõi trần thế là để khẳng định cái ý chí vượt lên số phận - dẫu rất cay đắng nhưng không phải vì thế mà không ngoan cường và bất tận - của con người. Hai câu kết bài thơ thực thấm thía và cảm động:

Nhưng trái tim mãi lời than lặng lẽ
Và con người mòn mỏi
kiếm tìm nhau...

Trong bất cứ cảnh huống nào, dù tuyệt vọng đến mấy, con người vẫn không lìa bỏ nhau. Càng khó khăn, con người càng cần có nhau hơn, càng muốn có nhau hơn. Những tình thân ái chân chính không bao giờ chỉ dựa trên yếu tố duy lợi đơn thuần, mà chủ yếu dựa trên những điểm giống nhau về tư tưởng, về tâm hồn và những khát vọng dâng hiến... Đó mới là chân dung thực của cuộc sống, cái cuộc sống mà ông tổ của ngành An ninh Xôviết Felix Dzerzhinski từng mơ ước khi nói: "Tôi yêu cuộc sống như trong thực tế, trong sự biến đổi không ngừng, trong sự hài hòa và những mâu thuẫn mãnh liệt của nó".

Cuộc sống như thế, chắc tất cả chúng ta hôm nay cũng muốn được yêu..

.
.
.