Cần xử lý kiên quyết với xu hướng âm nhạc lệch lạc

Thứ Tư, 30/06/2010, 16:58
Những sản phẩm âm nhạc phản thẩm mỹ hay những ca khúc teen, những chương trình biểu diễn mà múa minh họa đều na ná nhau ở sự đơn điệu, những động tác kích thích, những trang phục thiếu vải… vẫn được phát hành công khai, rộng rãi. Chỉ khi dư luận lên án, nhà quản lý mới cấm, phạt theo kiểu "giơ cao đánh khẽ".

"Cần có thái độ nghiêm khắc và xử lý kiên quyết hơn với những biểu hiện âm nhạc lệch lạc, chiều theo thị hiếu dễ dãi của một bộ phận công chúng, xu hướng tác động không tích cực của âm nhạc phương Tây vào đời sống âm nhạc trong nước…". Đó là đề nghị cấp thiết của rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc tại TP HCM trong 2 ngày tổ chức Đại hội âm nhạc TP HCM lần thứ VI, nhiệm kỳ 2010-2015.

Nhìn lại chặng đường hoạt động âm nhạc 5 năm đã qua, đại diện Hội Âm nhạc thành phố, nhạc sĩ Trần Long Ẩn nhận định với những thuận lợi do tình hình đổi mới tạo ra, TP HCM lớn mạnh về nhiều mặt, đời sống âm nhạc sôi động, phong phú nhưng phức tạp và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều tác phẩm âm nhạc mới được công chúng, đặc biệt là giới trẻ yêu thích, đón nhận, góp phần không nhỏ cho thành tựu âm nhạc cả nước. Tuy nhiên, do sự phát triển thiếu hài hòa, cân đối trong các loại hình và lĩnh vực âm nhạc đã dẫn đến tình trạng chất ít, lượng nhiều.

Phi Thanh Vân, chủ nhân của "Da nâu", sản phẩm bị coi là phản âm nhạc gần đây.

Việc đề cao quá mức "nhạc trẻ" với các chương trình thường được bố trí vào giờ vàng trên sóng hoặc truyền hình trực tiếp, có thời lượng lớn, dồn dập đã tạo ra ấn tượng nhạc trẻ lấn lướt, thậm chí là "gương mặt đại diện" cho văn hóa âm nhạc thành phố… Đó là chưa kể rất nhiều chương trình truyền hình trực tiếp bị "lèo lái" bởi các nhà tài trợ, doanh nghiệp, đơn vị quảng cáo.

Nhiều cuộc thi mà ở đó, Hội đồng nghệ thuật, Ban giám khảo chỉ là người làm thuê. Chương trình chỉ đặt nặng mục đích kinh tế. Việc đầu tư chỉ tập trung cho nghệ sĩ mới nổi, "ăn khách" làm cho dòng nhạc giải trí đơn thuần lan tỏa một cách tự phát.

Đồng quan điểm với nhạc sĩ Trần Long Ẩn và nhận định của Hội Âm nhạc thành phố, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Điệp cũng đặc biệt bức xúc trước tình trạng cho ra đời và xuất hiện tràn lan những sản phẩm âm nhạc phản thẩm mỹ mà đơn cử gần đây nhất là "Da nâu" của Phi Thanh Vân hay nhan nhản những ca khúc teen này, teen khác, những chương trình biểu diễn mà múa minh họa đều na ná nhau ở sự đơn điệu, những động tác kích thích, những trang phục thiếu vải và không phân biệt giới tính… Điều khó hiểu là các ca khúc, chương trình này vẫn được phát hành công khai, rộng rãi. Chỉ khi dư luận lên án, nhà quản lý mới cấm, phạt theo kiểu "giơ cao đánh khẽ".

Cơ quan quản lý nhà nước cũng như Hội Âm nhạc phải có thái độ nghiêm khắc hơn với những xu hướng âm nhạc lệch lạc là quan điểm chung của nhiều đại biểu trong Đại hội âm nhạc thành phố lần VI. Ngoài việc siết chặt quản lý, tăng cường chế tài xử phạt thì việc thu hút vào hoạt động Hội, tạo điều kiện cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, đặc biệt là nhạc sĩ, nghệ sĩ trẻ bám sát cuộc sống, nâng cao bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thực tế sáng tác, hỗ trợ "đầu ra" cho tác phẩm đến được với công chúng rộng rãi cũng là giải pháp tốt, cần được phát huy trong thực tế để đẩy lùi những xu hướng âm nhạc lệch lạc, những tác phẩm âm nhạc độc hại, đi ngược lại lợi ích dân tộc...

N.Hoa
.
.
.