Nhân Hội nghị người viết văn trẻ lần thứ VIII:

Cần thời gian để tài năng đủ chín

Chủ Nhật, 04/09/2011, 16:36
Hội nghị người viết văn trẻ lần thứ VIII do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức diễn ra tại Tuyên Quang từ ngày 7 đến 11/9. Bao giờ cũng thế, mỗi lần hội nghị của những người viết trẻ diễn ra là mỗi lần xã hội, những người yêu thích văn chương lại hy vọng. Riêng đối với người viết trẻ, họ thêm một lần hồ hởi và lo lắng, bởi trót đến với văn chương mà con đường phía trước dài lắm, ngày mai nào sẽ thành công?

PV Báo CAND Cuối tuần có cuộc trao đổi với 3 nhà văn trẻ của Báo CAND tham dự hội nghị lần này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Dương Bình Nguyên: Thời gian, tài năng và trách nhiệm!

Năm 21 tuổi, tôi được mời dự hội nghị viết văn trẻ. Và đến nay, sau 3 lần hội nghị viết văn, tôi ở tuổi 32, vẫn là đại biểu. Tự bản thân thấy mình không còn trẻ nữa. Và cũng tự thấy thành tựu trong văn chương còn khiêm tốn hơn rất nhiều người. Nhiều lần, tôi cũng tự hỏi chính mình, hơn mười năm qua, tôi đã viết được gì? Và cũng 3 lần hội nghị, câu hỏi lúc nào cũng canh cánh, của những người tổ chức, rằng người viết trẻ hôm nay có hướng được ngòi bút của mình ra ngoài xã hội, viết về thời cuộc và những vấn đề lớn lao của dòng chảy đời sống hay không? Tôi nghĩ, đó là câu hỏi quá khó và không dễ kiếm câu trả lời!

Tôi nhớ, trong hội nghị năm tôi 21 tuổi, các nhà văn đi trước lo ngại rằng, một thế hệ các cây bút trẻ đang viết bằng cái tôi nhỏ bé của mình, buồn vui nhàn nhạt nơi phố thị, góc quán cà phê. Mười năm sau, nỗi lo ấy có vẻ như đã nguội lạnh. Vì trào lưu ấy đã tự lụi tàn. Và ngay cả những cây bút sung sức hồi ấy, đến nay cũng chỉ còn trên dưới mười người là cầm bút, thực sự viết văn. Hầu hết họ đã chuyển qua công việc khác, coi văn chương như một niềm vui riêng nho nhỏ. Thậm chí, có những người coi văn chương như một chiếc khuy áo bóng loáng để hoàn hảo thêm trên bộ quần áo hàng hiệu của danh vọng.

Thực tế đã trả lời, rằng văn chương đã không níu giữ bất cứ ai, nếu như họ không thực sự yêu nó. Và chỉ những ai thực sự đau đớn, khao khát được nói lên tiếng nói của mình, mới ngồi trằn trọc để viết văn, tự vẽ nên khuôn mặt mình mà thôi. Riêng bản thân tôi, coi sự đào thải trong nghề viết là một điều tất yếu. Nó là quá trình hết sức bình thường của bất cứ nghề nghiệp hay công việc nào. Những người rời văn chương để đi tìm những chân trời khác cho cuộc đời mình, nhiều khi lại là những người sáng suốt. Bởi họ biết, nếu viết tiếp, họ sẽ vẫn buồn những nỗi buồn cũ, và niềm vui lại chẳng đẹp như xưa.

Đến lúc này, trở lại câu chuyện nhà văn trẻ có thực sự quan tâm tới thời cuộc, có trách nhiệm trước những vấn đề lớn của đời sống hay không, e rằng câu trả lời vẫn chưa thể rành mạch. Vài năm qua, chúng ta thường được nhìn trên hệ thống truyền thông những hiện tượng viết văn. Và không ít người coi đó là bộ mặt của văn học trẻ. Có người đã quy kết, văn học trẻ chẳng có gì khác ngoài tính dục.

Thực ra, nói cho một cách công bằng, tính dục cũng là đề tài hấp dẫn. Và chỉ khi bạn còn trẻ, khi bạn đứng trước những cánh cửa của đời sống muốn khám phá, bạn mới háo hức với tính dục. Bạn viết về nó như một cách khẳng định bản thân. Chẳng có gì sai cả. Tuy nhiên, cần phải nói rõ rằng, chúng ta đang bị một bộ phận truyền thông gây ngộ nhận. Đó chỉ là phần váng nổi trong đời sống văn học, vốn là một đời sống âm thầm với những tác phẩm cần có thời gian để người đọc thẩm định. Chính vì thế, nếu nói văn học trẻ chẳng có gì khác ngoài tính dục là một nhận định vội vàng. Văn học trẻ có nhiều điều hơn thế.

Nhưng văn học trẻ hôm nay không dễ dàng để có thể nhận diện như những thế hệ trước. Bởi cuộc sống hôm nay thay đổi nhanh đến mức, chính chúng ta đôi khi còn không nhận ra được sự đổi thay của chính mình. Nhiệm vụ của người viết văn là không được phép hớt váng mỡ của đời sống rồi đưa vào tác phẩm một cách sống sượng. Muốn neo đậu được cảm xúc nơi người đọc (vốn ngày càng khó tính và ít thời gian), người viết cần phải lặn mình trong lòng đời sống này để bóc tách nó. Và công việc ấy quả là nhọc nhằn. Hơn thế, người viết trẻ hôm nay đã không định vị mình trong một dòng chơi nhỏ hẹp. Họ có nhiều diễn đàn để thể hiện và cũng có nhiều thước đo khác về sự thành công.

Nếu như trước đây, việc xuất hiện trên các tạp chí chuyên về văn nghệ là một thước đo của sự thành công, thì nay đôi khi việc post một bài thơ trên Facebook lại có thể gây ra một cơn náo động. Cũng như vậy, chúng ta sẽ khó lòng để biết được rành mạch người viết hôm nay đang quan tâm điều gì và muốn hướng ngòi bút của mình tới đâu.

Có thể nói, quan sát và miêu tả sự biến chuyển của đời sống là điều mà thế hệ trẻ đang làm. Nhưng dường như họ ít tự đặt mình vào những khó khăn, chẳng hạn như những đề tài có vẻ như là… trách nhiệm hơn. Những mảng đề tài như chiến tranh, hậu chiến… dần trở nên xa lạ. Những vấn đề về lý tưởng, hay quan niệm sống cũng đã không còn khiến họ ráo riết. Họ, như một thế hệ cô đơn, tìm kiếm chính mình, đi tìm những giá trị của đời sống theo cách của riêng mình.

Nếu chịu khó quan sát và theo dõi, vẫn có những bài thơ, truyện ngắn lấp lánh tình đất, tình người, những tác phẩm nói về tình yêu quê hương xứ sở. Nhưng nó như những đốm sáng, chưa tạo được thành một dòng chủ lưu. Tôi cũng tự thấy mình chưa phải là cái đốm sáng mà tôi vừa nói. Tôi chỉ tập trung khai thác những thân phận người, và bao trùm lên đó, là những câu chuyện về tình yêu thương con người. Và nếu coi như trách nhiệm của người viết trước những vấn đề lớn của thời cuộc, thì thế hệ chúng tôi vẫn chưa làm được một cách ráo riết.

Tôi không cho rằng văn học trẻ đang đứng bên lề cuộc sống. Mà chúng ta cần phải nhận rõ rằng, văn học hôm nay phản ánh cuộc sống theo nhiều chiều kích khác nhau, bởi cuộc sống này đang đổi thay đến mức chính chúng ta nếu không đủ minh mẫn.  Đi lạc trong sự đổi thay của chính bản thân mình. Tôi nghĩ rằng, đây là một điều đáng trân trọng và là một tín hiệu đáng mừng, báo hiệu một mùa văn trẻ nhiều thành tựu trong tương lai…

Bình Nguyên Trang: Văn chương không phải là thứ "váng mỡ" màu mè của đời sống

- Chào Bình Nguyên Trang, cảm xúc của chị thế nào khi lần thứ 4 được mời tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc?

+ Năm 1996, khi đang còn là sinh viên trường báo chí, tôi được mời tham dự Hội nghị viết văn trẻ lần thứ V. Cảm xúc khi đó thực sự là rất vui sướng, hồi hộp, hạnh phúc. Đến hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ VI (2001), lần thứ VII (2006) thì cảm xúc cũng đã khác đi nhiều so với lần đầu tiên được xướng tên trong đội ngũ những người cầm bút trẻ của cả nước. Qua mỗi kỳ hội nghị, những hồn nhiên ban đầu với văn chương dần mất đi trong tôi, thay vào đó là những ưu tư nghiêm túc về nghề. Những câu hỏi cho việc cầm bút của cá nhân mình được đặt ra nhiều hơn. Tôi cũng cảm nhận rõ ràng hơn sự khắc nghiệt của nghề văn, thấm thía sự cô độc trên con đường mình đi và không phải không có lúc hoang mang, lo lắng. Những ảo tưởng ban đầu về nghề văn rõ ràng không còn nữa. Tình yêu đối với văn chương dường như đã lắng xuống ở một chiều sâu hơn, bình tĩnh hơn. Lần này, tiếp tục được là đại biểu chính thức dự hội nghị viết văn trẻ ở Tuyên Quang, nói thật là tôi rất khó diễn tả cảm xúc của mình. Với "kinh nghiệm" dự hội nghị nhà văn trẻ đã có, tôi không chờ đợi vào một sự thay đổi trong đời sống văn học sau vài ba ngày vui ngắn ngủi. Điều duy nhất tôi chờ đợi là muốn được nghe giọng nói của các cây bút trẻ thế hệ 8X, 9X - những người cầm bút được xem như là có những khác biệt về tâm lý sáng tác so với thế hệ 7X chúng tôi, vì họ sinh ra và lớn lên hoàn toàn trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Tôi rất muốn biết những người cầm bút tuổi 20 hôm nay quan tâm đến vấn đề gì trong sáng tác, và buổi đầu cầm bút của họ có gì khác biệt với buổi đầu cầm bút của tôi.

- Nhà văn trẻ hôm nay đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong lựa chọn nghề nghiệp. Dấn thân cho văn chương, họ phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ. Không ít người tài năng xuất hiện buổi đầu đã rời bỏ văn chương để đi theo những lựa chọn dễ dàng khác. Chị nghĩ như thế nào về điều này?

+ Đời sống thị trường với tốc độ chóng mặt hôm nay đang thử thách tình yêu văn chương của người viết trẻ. Hình như chỉ tài năng thôi thì chưa đủ. Người cầm bút trẻ cần phải có đủ bản lĩnh để vượt qua sự ảo tưởng, sự nôn nóng để nổi tiếng hay sự cố gắng bằng mọi cách để trở thành hội viên nọ, hội viên kia. Sở dĩ người ta đang cảm nhận một số người cầm bút trẻ giống với các nghệ sĩ của giới showbiz, là vì họ đã hình dung con đường đi đến với văn chương tương đối ồn ào và phù phiếm. Không ít người lựa chọn lối viết theo thị hiếu đám đông để được chú ý, con đường ấy là dễ nhưng không bền. Tôi quý trọng những người bạn cầm bút cặm cụi với công việc của mình, không để ý đến tâm lý đám đông và luôn tin vào những điều mình viết. Nói một cách khác, chính là họ đang dấn thân cho văn học đấy. Vì họ hiểu rằng, văn chương không phải là những thứ "váng mỡ" màu mè của đời sống. Nó là con đường dài và phải chịu sự "thử lửa" của thời gian.

- Là một nhà văn trẻ, trong môi trường làm việc của mình, chị gặp những khó khăn và thuận lợi gì?

+ Mỗi người viết văn đều phải chọn một nghề nào đó để sống. Tôi chọn nghề làm báo. Tôi đã từng "xê dịch" ở nhiều tòa soạn báo trước khi về làm phóng viên Báo CAND. Nói về khó khăn của một người viết văn làm báo thì theo tôi cái muôn thuở vẫn là áp lực thời gian. Vì làm báo là một công việc bận bịu, nó có xu hướng "xé nhỏ" thời gian của mình ra nên để yêu chiều niềm đam mê văn chương, mình phải biết sắp xếp phù hợp công việc. Nhưng bù lại, cái thuận lợi là môi trường tôi đang làm việc cho tôi một mảnh đất quá rộng rãi để có thể thỏa sức vùng vẫy trên cánh đồng chữ nghĩa. Ở đây, tôi có những người đồng nghiệp là nhà văn, nhà thơ thế hệ đi trước luôn sẵn sàng chia sẻ và tạo điều kiện tốt nhất cho công việc của mình. Được thể hiện mình và được ghi nhận là mong muốn của tất cả những người cầm bút trẻ. Tôi cảm thấy may mắn vì có được cả hai điều đó trong môi trường mình đang làm việc. Vấn đề còn lại chỉ là tài năng của cá nhân mình mà thôi.

- Bắt đầu sáng tác từ khi còn là học sinh phổ thông, giành nhiều giải thưởng văn học và xuất bản những tác phẩm đầu tiên từ khi còn rất trẻ, nhưng những năm gần đây chưa thấy chị cho ra mắt tập sách mới nào, vì sao vậy?

+ Trên thực tế thì tôi vẫn viết và vẫn in các sáng tác của mình rải rác trên báo chí.  Việc tập hợp để in một cuốn sách không phải là chuyện khó khăn trong thời buổi hiện nay. Có những tác giả một năm xuất bản vài ba cuốn sách là chuyện rất bình thường. Nhưng vấn đề nó có để lại dư âm gì trong lòng bạn đọc mới là điều đáng bàn. Trong tháng 9 này tôi sẽ cho ra mắt bạn đọc tập thơ mới nhất của mình có tên "Những bông hoa đang Thiền", do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

- Xin cảm ơn chị!

Trần Hoàng Thiên Kim: Đã trót đam mê thì theo đuổi

- Đây là lần thứ 2 Trần Hoàng Thiên Kim tham gia hội nghị viết văn trẻ toàn quốc, cảm tưởng của chị khi tham gia hội nghị lần này?

- Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác của mình lần tham dự thứ nhất tại hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần trước tại Hội An, khi lần đầu tiên được đến khám phá một vùng đất mới, gặp gỡ những người bạn viết văn trên toàn quốc. Hội nghị lần này được tổ chức tại Tuyên Quang, cũng là một dịp hiếm hoi sau 5 năm, những người bạn cũ gặp lại nhau, những người bạn mới thì có dịp làm quen để cùng trao đổi một vấn đề nào đó của cuộc sống, của văn chương. Tôi cũng có cảm giác hồi hộp và mong đợi, vì dẫu thế nào, 5 năm hội nghị viết văn trẻ mới lại được tổ chức một lần, đó là một dịp tốt để cho mình có cơ hội tìm hiểu thêm về đội ngũ những người viết văn trẻ trên toàn quốc, là dịp hiểu thêm về những phong tục tập quán của những vùng miền khác nhau. Tôi thấy lịch làm việc của 5 ngày hội nghị khá hấp dẫn vì được đi khá nhiều địa điểm là các di tích lịch sử, văn hóa… Đó như là một dịp đi thực tế quan trọng đối với những người sáng tác trẻ.

- Chị là một nhà thơ đã có ba tập thơ, một tập ký và khá nhiều giải thưởng văn học. Vậy chị có thể cho biết, chị đã đến với thơ ca như thế nào và chị thường có cảm hứng với mảng đề tài nào?

- Tôi làm thơ từ khi còn học cấp I, đó là những bài thơ ghi lại cảm giác của một cô bé sống ở nông thôn với những câu thơ ghi lại cảnh làng quê những lúc chuyển mùa hoặc những vần thơ nói về gia đình, bè bạn… Tôi không biết đối với những người làm thơ khác thì thế nào, còn đối với tôi, vùng quê mình sinh ra và lớn lên trong suốt 17 năm đầu đời là một ký ức vô cùng đẹp và sâu lắng. Đó là quãng thời gian mình được sống dưới một mái nhà bình yên, có mẹ cha, anh chị chở che, chăm sóc. Mở cửa là có thiên nhiên cây cỏ, có những buổi sáng bình minh trong lành, có những buổi chiều hoàng hôn ấm áp và những đêm đầy trăng sao… phong cảnh ấy ghi dấu đậm nét trong tâm trí tôi và với tôi nó đẹp như trong những bức tranh đồng dao vậy. Tập thơ đầu tay (in năm 2001) tôi lấy tên là "Vọng mùa", cho đến tập thơ thứ 3 sắp xuất bản vài ngày tới đây, cảm hứng xuyên suốt là nỗi nhớ quê da diết. Tất nhiên, một mảng thơ mà bất kỳ người viết nào cũng có cảm xúc là thơ tình… Tôi cho rằng, ký ức rất quan trọng đối với người sáng tác cho dù, những va đập của cuộc sống đương đại, của sự bươn chải hay vấp ngã trong cuộc sống nơi đô thị cũng là một vốn sống quan trọng không kém. Tôi nghĩ, hai điều này dường như luôn song hành trong tâm thế những người viết được sinh ra và lớn lên từ nông thôn như chúng tôi.

- Theo chị trách nhiệm của người cầm bút trong lần tham dự hội nghị viết văn trẻ lần này là gì?

- Tôi cho rằng, mỗi người tham dự hội nghị đã chuẩn bị cho mình những dự định nào đó đối với con đường sáng tác mà mình đã trót đam mê theo đuổi. Hội nghị là nơi gặp gỡ để củng cố thêm tình yêu và niềm tin đối với văn chương trẻ, để thông qua những hội thảo, những trao đổi, những câu chuyện… họ học hỏi nhau, học hỏi thêm một điều gì đó, cũng như tựa vào nhau để cùng thúc đẩy nhau trong sáng tác, làm mạnh thêm đội ngũ cũng như chất lượng sáng tác trẻ. Cũng thông qua hội nghị này, chúng tôi mong rằng, BCH Hội Nhà văn, những nhà văn đi trước cũng sẽ có sự quan tâm, cổ vũ đích đáng, sát sao và thiết thực hơn đối với những người viết trẻ.

- Xin cảm ơn chị!

Thảo Anh (thực hiện)
.
.
.