Cần thận trọng khi quyết định tu sửa chùa Một Cột

Thứ Năm, 09/05/2013, 10:17
Dư luận đang đặc biệt quan tâm trước lá đơn của Đại đức Thích Tâm Kiên, Trụ trì chùa Diên Hựu - Một Cột vừa gửi UBND TP Hà Nội và một số cơ quan báo chí về việc cần thiết trùng tu tôn tạo chùa, với thông điệp “mạnh mẽ”: “Kể từ hôm nay (tức 2/5), sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.
>> Chùa Một Cột đón nhận kỷ lục "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á"

Mùa mưa đã đến. Đây cũng là lúc ngôi chùa Diên Hựu - Một Cột cũng đứng trước “thử thách” với thời tiết, bởi từ lâu, nhiều nơi trong chùa đã dột đến mức tượng phải mặc áo mưa, đội nón… Vì thế, dư luận đang đặc biệt quan tâm trước lá đơn của Đại đức Thích Tâm Kiên, Trụ trì chùa Diên Hựu - Một Cột vừa gửi UBND TP Hà Nội và một số cơ quan báo chí về việc cần thiết trùng tu tôn tạo chùa, với thông điệp “mạnh mẽ”: “Kể từ hôm nay (tức 2/5), sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.

Song hành cùng lịch sử đất nước, ngôi chùa Một Cột - Diên Hựu đã có tuổi đời ngót 1.000 năm, từ đời vua Lý Thái Tông. Vì thế, từ lâu, chùa Một Cột đã trở thành một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, năm 2012, ngôi chùa còn được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất”, là kỷ lục châu Á đầu tiên của Việt Nam ở lĩnh vực kiến trúc tôn giáo.  Thế nhưng, như Báo CAND đã phản ánh vào thời điểm chùa Diên Hựu - Một Cột được nhận kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất”: từ năm 2009, UBND quận Ba Đình đã lập kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích ngôi chùa với kinh phí hơn 31 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai vào năm 2012 và hoàn thành vào đầu năm 2013. Thế nhưng, đến lúc này, các bước tiến hành trùng tu ngôi cổ tự vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong khi đó, ngôi chùa nằm ở vùng trũng, nên chịu ảnh hưởng rất nặng mỗi khi trời mưa.

Chùa Một Cột hiện đã xuống cấp trầm trọng.

Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, vướng mắc nhất là thủ tục tiến hành dự án. Vì UBND quận Ba Đình dự kiến tổ chức 3 hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, nhằm thống nhất phương án bảo tồn tối ưu cho ngôi chùa cổ. Song, dự án rục rịch gần nửa thập kỷ, nhưng hội thảo cần thiết vẫn chưa diễn ra. Mà nếu không có các kết luận của các nhà lịch sử, thì việc trùng tu ngôi chùa là không thể. Sự vô lý này diễn ra nhiều năm, khiến ngôi chùa vẫn phải đối mặt với sự xuống cấp. Khi ngôi chùa chuẩn bị đón Bằng Kỷ lục, chúng tôi được ông Đỗ Viết Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết: Để có phương án trùng tu chùa đúng nhất, nhằm phát huy giá trị di tích đặc biệt này, UBND quận Ba Đình sẽ tiến hành hội thảo khoa học về chùa Một Cột - Diên Hựu vào cuối tháng 11/2012, và từ đó, sẽ báo cáo trình lên UBND TP Hà Nội, xin ý kiến của Bộ VH,TT&DL. Tiếp đó sẽ có hội thảo về trùng tu cho chùa Một Cột. Thế nhưng, đến nay, hội thảo này vẫn chỉ là… ý tưởng! Không hiểu vì sao việc mở hội thảo về một ngôi chùa mà thế giới vinh danh lại bị thờ ơ đến thế?

Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, kinh phí dù rất lớn, lại không phải là mối lo, vì với phương thức xã hội hóa 50%, nhiều phật tử hảo tâm đã sẵn lòng để ngôi chùa được trùng tu, tôn tạo xứng tầm. Cây cột đá lớn làm cột trụ cũng được thợ đá đảm bảo đáp ứng.

Tuy nhiên, để tìm hiểu quan điểm của UBND quận Ba Đình trước lá đơn này, chúng tôi liên lạc với ông Đỗ Viết Bình nhưng không được bắt máy. Tìm đến chùa thì sư đi vắng. Cũng không liên lạc được bằng điện thoại với sư thày. Hẳn việc viết lá đơn với người tu hành chắc cũng là việc cực chẳng đã. Chiều 6/5, chúng tôi đã liên lạc được với ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH, TT&DL), thì được biết: Cục Di sản chưa nhận được văn bản của Đại đức Thích Tâm Kiên về việc tu bổ tôn tạo chùa Diên Hựu - Một Cột. Tuy nhiên, vị đại diện của Cục khẳng định, nếu nhà chùa tự ý hạ giải là vi phạm pháp luật!

Bài học đắt giá về việc xâm hại Di tích quốc gia chùa Trăm Gian, đình Ngu Nhuế đều xuất phát từ sự chậm trễ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiến hành các thủ tục trùng tu, tôn tạo di tích vẫn còn nóng hổi, lẽ nào, lại không phải là điều cần thiết để rút kinh nghiệm trước khi quá muộn với chùa Diên Hựu- Một Cột, một di tích quốc gia quan trọng của Việt Nam?

Thanh Hằng
.
.
.