Cân sức cân tài

Thứ Tư, 07/07/2010, 17:15
Thật ngẫu nhiên khi trận bán kết thứ hai của World Cup đã tái hiện lại trận chung kết EURO 2008 giữa hai anh tài châu Âu: Tây Ban Nha và Đức. Trong đêm châu Âu chung kết ấy, Tây Ban Nha đã hạ Đức trong một thế trận áp đảo toàn diện. Nhưng bây giờ thì mọi thứ đã khác cái trận chung kết ấy rất nhiều rồi.

Cái khác dễ thấy nhất nằm ở biểu đồ phong độ của hai ĐT. Trong khi Tây Ban Nha lầm lũi tiến vào bán kết sau khi hạ gục những đối tượng không thật mạnh mẽ lắm như Bồ Đào Nha hay Paraguay thì ngược lại, ĐT Đức lại vào bán kết sau khi để lại dưới chân mình hàng loạt bại tướng cỡ bự như ĐT Anh của quái lão Capello hay ĐT Argentina của "cậu bé vàng" Maradona. Mà trong những trận đấu ấy, Đức đều ghi được tới 4 bàn, khiến cho đối thủ ra về mà phải tâm phục khẩu phục. Nhìn nhận như vậy sẽ thấy biểu đồ phong độ hiện tại của Đức cao hơn hẳn so với đối thủ Tây Ban Nha.

Nhìn về mặt lối chơi, World Cup này cả Đức lẫn Tây Ban Nha đều theo đuổi phong cách tấn công, tuy nhiên phương pháp tấn công của mỗi đội mỗi khác. Trong khi ĐT Đức tấn công theo từng thời điểm của trận đấu thì ngược lại, Tây Ban Nha chủ trương áp đảo đối thủ gần như trong trọn vẹn 90 phút, ngay cả khi đã dẫn bàn. Trong khi ĐT Đức với những cầu thủ có tốc độ như những hỏa tiễn loại cao (những Podolski, P.Lahm, T.Mueller…) luôn duy trì một tốc độ tấn công chóng mặt thì ngược lại, dàn tinh binh của Tây Ban Nha (những Villa, Torres, Iniesta…) lại tấn công một cách đều đều. Ở đây, người ta có thể đặt ra một nghi hoặc: Tây Ban Nha chủ động tấn công đều đều hay họ không đủ thể lực để tấn công nhanh? Câu hỏi này, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa cho ra một đáp án thuyết phục, và nhiều khả năng sẽ có một "đáp án thuyết phục" sau trận bán kết cân sức cân tài với người Đức.  

Ngoại trừ sự khác biệt trong phong cách tấn công, lại có thêm một sự khác biệt căn bản nữa trong kết cấu của hai đội bóng này. Đó là trong khi ĐT Đức là một dàn cầu thủ trẻ với độ tuổi bình quân là 24 tuổi 49 ngày thì Tây Ban Nha lại là một đội bóng khá "chín" với gần như tất cả những cá nhân đã thành danh. Sức trẻ của người Đức giống như một con dao hai lưỡi, khi mà có lúc nó giúp đội bóng này thăng hoa ghê gớm (điển hình là hai trận đả bại Anh và Argentina gần đây) nhưng lại có lúc khiến cả một tập hợp rơi vào hố sâu của sự khủng hoảng (trận thua bất ngờ Serbia ở vòng đấu bảng). Ở phía đối diện, dàn cầu thủ chín chắn của Tây Ban Nha rõ ràng là kinh nghiệm hơn trong việc kiểm soát trận đấu và kiểm soát tâm lý, nhưng dàn cầu thủ ấy lại rất dễ bị đánh quỵ khi những đối thủ trẻ hơn chơi bài phá sức.

Bên cạnh những sự khác biệt về chuyên môn, giữa hai ĐT này cũng tồn tại một sự khác biệt cơ bản trên băng ghế kĩ thuật. Với ĐT Đức, cho tới lúc này thuyền trưởng Jochim Loew đang là trung tâm điểm của rất nhiều lời tán dương. Quả thật bên cạnh những dấu ấn chuyên môn, Loew đã để lại những dấu ấn quan trọng ở phương diện tâm lý. Chẳng hạn như trước trận ra quân tại World Cup với Australia ông cho các cầu thủ xem phim "kẻ hủy diệt 4" và sau đó y như rằng Đức hủy diệt Australia 4 bàn. Trước trận đấu Knock out với người Anh, Loew lại cho các cầu thủ đi tham quan công viên sư tử, và thế là các học trò của ông sau đó cũng đánh thắng "sư tử Anh" 4 bàn. Rồi trước trận tứ kết với Argentina cũng vậy: trên xe bus đến SVĐ, Loew bất ngờ cho các cầu thủ xem lại hình ảnh những CĐV Đức vui ngất trời sau chiến thắng trước người Anh. Kết quả, Đức cũng đã thắng Argentina 4 bàn. Và bây giờ thì người ta đang hỏi, trước trận đấu quan trọng với Tây Ban Nha, Loew rồi sẽ thực hiện chiêu thức gì?

David Villa đang là chân sút tốt nhất của đội tuyển Tây Ban Nha.

Rõ ràng là khả năng kích thích tâm lý - một yếu tố vô cùng quan trọng đối với một đội bóng trẻ của Loew là một điều vô cùng quan trọng. Nó khác và khác căn bản so với cái vẻ lầm lì, già cỗi của HLV Vicente Del Bosque bên phía Tây Ban Nha. Mặc dù đã dẫn Tây Ban Nha vào bán kết, nhưng lúc này Del Bosque vẫn bị hàng loạt tờ báo nước nhà chỉ trích với lý do: Tây Ban Nha vào bán kết nhờ những cầu thủ chất lượng, chứ không nhờ một HLV chất lượng.

Rõ ràng là có khá nhiều những sự tương phản nhìn thấy được giữa Đức và Tây Ban Nha trước trận quyết đấu rạng sáng mai. Những sự tương phản mà sau khi "cân, đong, đo, đếm", phần lớn đều khẳng định tương quan giữa hai bên là 50-50.

Trong một tương quan rất cân bằng như vậy, không ít người đã "đặt cửa" cho Tây Ban Nha với lý do vòng bán kết là thời điểm lên ngôi của kinh nghiệm và sự tinh quái, chứ không phải là chỗ để biểu dương sức trẻ

Diệp Xưa
.
.
.