Cần một hội đồng bình chọn đủ uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí

Chủ Nhật, 04/01/2009, 11:01
Bất bình vì "bị" nhận giải nghệ sĩ ăn mặc phản cảm nhất trong năm 2008 của Tạp chí Mốt, ba nghệ sĩ Thanh Bạch, Mỹ Lệ, Thu Minh đã có một buổi họp báo để cùng đồng loạt lên tiếng phản đối việc bình bầu của ban tổ chức. Tuy nhiên, vụ việc này chỉ giống như giọt nước tràn ly trong tình trạng "nhà nhà" cùng tổ chức trao giải nhưng quy mô, uy tín của giải lại chưa nhiều, chưa khiến người trong và ngoài cuộc tâm phục khẩu phục như hiện nay.
>> Các nghệ sĩ "ăn mặc phản cảm" chưa định khởi kiện

Quá nhiều giải

Thực tế, việc có rất nhiều giải thưởng được tổ chức nhưng sức ảnh hưởng không lớn, gây nhàm chán đối với cả công chúng lẫn nghệ sĩ được trao giải cũng đã được phản ánh khá nhiều lần dưới hình thức ý kiến, hiện tượng gắn với tên tuổi nghệ sĩ này hay nghệ sĩ khác.

Nếu cách đây vài năm, việc một nghệ sĩ tuyên bố rút lui khỏi giải thưởng nào đó sẽ lập tức trở thành sự kiện được bàn tán ồn ào, thì trong hai năm trở lại đây, việc này đã trở thành "chuyện thường ngày ở... làng ca nhạc".

"Nối gót" sự kiện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nhận giải rồi xin rút tên khỏi bảng đề cử của giải Ngôi sao Bạch Kim năm 2007, trong năm 2008, tại một số giải thưởng khác được tổ chức định kỳ hằng năm cũng bị hàng loạt nghệ sĩ, ca sĩ: Đan Trường, Quang Dũng, Tăng Thanh Hà... xin rút tên khỏi bảng đề cử.

Bên cạnh những khúc mắc về tính trung thực trong công tác tổ chức bình chọn thì việc một nghệ sĩ liên tục nhận quá nhiều giải thưởng với mức độ uy tín na ná như nhau không giúp họ có thêm vị trí trong lòng công chúng bao nhiêu đã khiến ngay nghệ sĩ cũng ít còn hào hứng với giải thưởng.

Với nhiều sao như Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, tốc độ "ẵm" giải nhiều đến... chóng mặt. Thử tính sơ sơ trong 2, 3 năm trở lại đây, riêng Đàm Vĩnh Hưng đã có số lượng giải thưởng được nhận lên đến con số vài chục...

Thiếu người cầm cương đủ bản lĩnh?

Được liên tục nhận nhiều giải thưởng nhưng đã có không ít người phàn nàn: nhận là nhận cho vui chút thôi bởi có giải hay không thì cũng có ai nhận được sự hỗ trợ nào của Ban tổ chức hậu mùa giải thưởng. Đó là chưa kể việc "sân chơi" chỉ nhắm đến các nghệ sĩ được đông đảo công chúng chú ý thường xuyên, dù rằng không phải bao giờ đối tượng công chúng đó cũng đủ độ "chín" hoặc sự bình chọn không mang tính cảm tính.

Quay trở lại với vụ việc ba nghệ sĩ bị Tạp chí Mốt đưa vào bảng "phong thần" trong năm 2008 ngồi lại, đồng lòng tổ chức họp báo công khai, phản đối giải thưởng này vào chiều 2/1 vừa qua tại Hội trường Hội Nhà báo TP HCM.

Rất nhiều người đã rất đồng cảm với việc nghệ sĩ cảm thấy bị tổn thương, nhưng có lẽ cả Ban tổ chức giải thưởng và ngay bản thân các nghệ sĩ cũng cần bình tĩnh nhìn nhận lại một cách khách quan hơn.

Anh Thanh Tùng, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc cho rằng, bình chọn tốt thì chưa ảnh hưởng nhiều lắm nhưng bình chọn xấu là vấn đề rất nhạy cảm, cần có luận chứng, luận cứ cụ thể. Tuy nhiên, là người "theo" Thu Minh khá sát sao, anh Tùng cũng không thể không công nhận rằng trong thời gian gần đây, ca sĩ Thu Minh đã ăn mặc đẹp hơn trên sân khấu rất nhiều so với mấy năm trước...

Các vấn đề được các nghệ sĩ cũng như người tham dự chương trình hôm ấy đặt ra cũng không phải chỉ là câu chuyện riêng về giải thưởng của Tạp chí Mốt. Đó chỉ là một trong rất nhiều vấn đề khác cần thay đổi từ phía Ban tổ chức của hầu hết các giải thưởng trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí hiện nay.

Hơn bao giờ hết, để các giải thưởng khiến người trong và ngoài cuộc đều tâm phục khẩu phục, trước hết, Ban tổ chức các giải phải có được một hội đồng bình chọn đủ uy tín, đủ về trình độ tri thức lẫn bản lĩnh nghề  nghiệp, chuyên môn.

Bên cạnh việc tạo một giá đỡ để phát triển trong nghề nghiệp cho các nghệ sĩ sau khi nhận giải, thì một quy trình làm việc công khai, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng là yếu tố mang tính quyết định uy tín cũng như sức ảnh hưởng của giải thưởng trong lòng công chúng và trong chính những người hoạt động trong nghề

Ngọc Nguyễn
.
.
.