Cần có phương án bảo vệ tượng đài chiến thắng sông Lô

Thứ Hai, 04/05/2015, 08:24
Khu di tích Tượng đài Chiến thắng sông Lô tại đỉnh đồi Gò Đồn, khu Hưng Tiến, thị trấn Đoan Hùng (Phú Thọ) có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống, nhưng hiện đang bị xuống cấp, gây bức xúc trong dư luận.

Di tích Tượng đài Chiến thắng sông Lô tại đỉnh đồi Gò Đồn, khu Hưng Tiến, thị trấn Đoan Hùng (Phú Thọ) được cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997. Nơi đây, ghi dấu chiến thắng sông Lô oai hùng của quân và dân ta 68 năm về trước (24/10/1947-24/10/2015). Chiến thắng này là một trong những chiến thắng quan trọng, đi vào lịch sử sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Khu di tích có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống, nhưng hiện đang bị xuống cấp, gây bức xúc trong dư luận.

Hiện nay, toàn bộ hệ thống đường nội khu vực tượng đài bị nứt nẻ, bong tróc nhiều mảng, cỏ dại mọc chờm cả lên mép đường đi, rác rưởi bị du khách vứt tứ tung. Tại khu vực vệ sinh công cộng, hiện không có điện và nước, các bức tường đen đúa, cáu bẩn, mùi xú uế bốc lên nồng nặc; đặc biệt, bên trong chứa đủ các thứ rác thải như bơm kim tiêm, giấy vệ sinh, thậm chí là cả xác súc vật chết… Hệ thống đèn chiếu sáng trước tượng đài không bóng nào còn nguyên vẹn. 

Ông Cù Ngọc Hải, cán bộ Trung tâm văn hóa thể dục thể thao huyện Đoan Hùng, người được giao quản lý Di tích Tượng đài Chiến thắng sông Lô cho biết, năm 2013 huyện Đoan Hùng đã đầu tư 730 triệu đồng để tu sửa, tôn tạo cảnh quan tượng đài; trong đó, trồng mới 300 gốc bưởi và hơn 700m² cây chè trên diện tích đất trống của khu di tích, lắp đặt hệ thống đường ống nước phục vụ tưới cây, tu sửa nhà vệ sinh công cộng. Việc tu bổ, tôn tạo được UBND huyện ký kết với Công ty TNHH và Dịch vụ Hải Nam, có trụ sở tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ) do ông Đặng Trung Hải làm giám đốc.

Sau khi di tích được tu bổ, tôn tạo, đến nay nhà vệ sinh công cộng vẫn trong tình trạng không điện, không nước; đường ống dẫn nước lên tượng đài bị hỏng; hệ thống đèn chiếu sáng bị vỡ quá nửa không được thay. Toàn bộ số cây bưởi, cây chè, cây ăn quả được nhà thầu và UNND huyện Đoan Hùng trồng tại khu vực tượng đài cách đây hơn một năm đều đã chết do không có nước tưới. 

Bản thân ông Cù Ngọc Hải là người được giao quản lý khu di tích cũng không nắm được kế hoạch, các hạng mục công trình được tôn tạo, tu bổ và không được UBND huyện bàn giao quản lý các hạng mục trên. 

Ông Nguyễn Văn Mai ở tỉnh Điện Biên và nhiều cựu chiến binh vượt quãng đường hàng trăm cây số lên thăm tượng đài chiến thắng đều tỏ ra thất vọng và bức xúc bởi một Di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi tôn nghiêm và tri ân các anh hùng liệt sỹ đã xả thân vì nước lại có hệ thống cơ sở vật chất xuống cấp như vậy. 

Ông Nguyễn Trường Cam, 85 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, nguyên chiến sỹ Điện Biên năm xưa, trong lần về tham quan Di tích Tượng đài đã không giấu được bức xúc: “Đây là một điểm di tích rất quan trọng, là nơi giáo dục truyền thống vô cùng ý nghĩa cho các thế hệ mai sau, vậy mà địa phương lại để cơ sở vật chất quá tồi tàn. Như vậy là có tội với các bậc tiền nhân, có lỗi với đồng bào và chiến sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất này”. 

Khu di tích này có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cần được tỉnh Phú Thọ quan tâm bảo vệ và tôn tạo.

K.H.
.
.
.