Cần có những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Then

Thứ Hai, 05/11/2012, 21:58
PGS-TS Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết: Trước hết cần phát huy được ý thức tự giác và sự trân trọng với di sản văn hoá của người dân.
>> Liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc tại Lạng Sơn

Ngày 4/11, Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then trong giai đoạn hiện nay”. Tham dự có Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ; lãnh đạo Vụ Văn hóa các dân tộc, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch; Viện Âm nhạc Việt Nam và đông đảo các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, lãnh đạo các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang…

Nhiều ý kiến thảo luận của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, lãnh đạo các Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch các tỉnh về những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát Then - Đàn Tính trong giai đoạn hiện nay. PGS-TS Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết: Trước hết cần phát huy được ý thức tự giác và sự trân trọng với di sản văn hoá của người dân. Nên mở các lớp tập huấn cho những người có khả năng âm nhạc, đàn hát hoặc phải là nghệ nhân để biết đàn, hát trở về làm hạt nhân cho phong trào ở địa phương và cơ sở. Hàng năm tổ chức các hoạt động liên hoan giao lưu đàn hát then ở mọi cấp và có sự biểu dương, khen thưởng kịp thời những đơn vị làm tốt.

Để sớm hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận hát Then - đàn Tính là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, PGS-TS Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam cho biết: Cần phải tiến hành kiểm kê, thống kê tư liệu, tài liệu (hình, tiếng, văn bản…) di sản văn hóa then từ quá khứ đến hiện tại của các địa phương; có chế độ, chính sách đối với nghệ nhân hát Then (người được coi là “báu vật sống”) đang lưu giữ một kho tàng nghệ thuật cổ truyền như thế nào; đề xuất những cách thức tổ chức kiểm kê, thống kê di sản văn hóa then có hiệu quả nhất, phù hợp nhất ở địa phương mình trong thực tế hiện nay; cần có những đề xuất, kiến nghị thiết thực, hiệu quả đóng góp cho Kế hoạch hành động quốc gia đối với bảo tồn hát Then, khi chúng ta xây dựng hồ sơ trình UNESCO

K.H.
.
.
.