Việc phát hiện mộ cổ ở núi Thành Dền (Thủy Nguyên, Hải Phòng):

Cần có biện pháp bảo vệ khu “sơn thắng, địa linh” Thủy Nguyên

Thứ Tư, 28/10/2009, 11:00

Vào các ngày 18 và 19/10 vừa qua, khi đang thi công san lấp mặt bằng mở rộng Nhà máy Xi măng Tân Phú Xuân tại khu núi Thành Dền, thuộc địa bàn xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thợ lái máy xúc bỗng gặp phải sự lún sụt đột ngột, gầu xúc đột nhiên "đơ" một cách khó hiểu và kỳ lạ. Và rồi, dưới lớp đất sâu tới 6m, dần dần xuất lộ một ngôi mộ cổ "trong quan ngoài quách" khổng lồ...  

Ông Nguyễn Phúc Thọ, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng cho biết đây là ngôi mộ "quách gỗ hình cũi" hết sức độc đáo, lần đầu tiên được phát hiện ở Hải Phòng. Việc phát hiện mộ cổ ở Thành Dền thực sự là một sự kiện quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu tìm hiểu quá trình làm chủ vùng đồng bằng ven biển của người Việt cổ.

Từ những bí mật bước đầu được khám phá

Ngay sau khi nhận được tin báo, Bảo tàng Hải Phòng đã cùng các cán bộ khảo cổ học có mặt tại hiện trường phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ hiện trường, lên phương án nghiên cứu khai quật ngôi mộ "lạ" này. Thành ở mặt phía Tây và phía Đông - hai đầu quách, có cấu trúc tương tự, cũng là những phiến gỗ lớn (1,4 x (0,2m- 0,3m - 0,4m) x 0,15m), hai đầu có mộng ngoàm khớp chặt với thành dọc của quách.

Cũi không có sàn, nhưng khá vững chắc nhờ thành cũi được tạo bởi những phiến gỗ kích thước lớn và dày và được liên kết bởi mộng ngoàm chắc chắn, xếp đặt xít sao. Thành cũi được làm từ những cây gỗ lớn, ngoài dấu vết của kỹ thuật dùng dao, rìu đẽo gọt tạo thành hộp gỗ vuông thành sắc cạnh còn có dấu vết của kỹ thuật cưa, mài (ba mặt), mặt ngoài còn nguyên bìa gỗ. Tất cả gỗ hộp quách đều là gỗ lim đen bóng. Trong lòng quách: quan tài đặt sát thành phía Nam (áp vào lòng núi), phía Bắc và hai đầu xếp đặt các đồ tuỳ táng khá lộn xộn.

Quan tài là một thân gỗ nguyên cây với đường kính xấp xỉ 0,6m, dài 2,95m và được xẻ dọc thành hai phần: tấm thiên và tấm địa. Lòng cả hai tấm thiên và tấm địa đều được khoét lõm hình lòng thuyền độc mộc, liên kết giữa hai tấm là hệ thống gờ, mộng khớp khít lại với nhau.

Ở trên mặt, phía đầu của tấm địa, được đục một lỗ tròn sâu - nơi đặt đầu tử thi - lỗ này để thay cho gạch hoặc bát chèn như hiện nay vẫn làm. Trong quan tài, tuy không còn dấu vết của xương cốt hay lớp hoa thổ và lại bị bùn loãng tràn đầy, nhưng vẫn có thể nhận ra vết tích của chiếu cói bó tử thi trong tư thế nằm ngửa, hai tay và chân duỗi thẳng.

Chung quanh thành và phía dưới quách được gia cố đất sét trắng (núi Thành Dền là đất sét màu đỏ vàng), lèn khá chặt và kỹ lưỡng. Sau khi hạ quan tài và cho đồ tuỳ táng vào trong quách, người ta đổ đầy hợp chất dạng bùn non tinh lọc để bảo quản. Trải gần 2 nghìn năm mà lớp bùn bảo quản này vẫn giữ nguyên tính chất dẻo quánh và trạng thái no nước.

Do bảo quản tồi nên khi mở nắp áo quan, ngoài dấu vết chiếu cói, các thứ khác đều mủn lẫn trong bùn nước. Tuy nhiên, đồ tuỳ táng ở mộ Thành Dền khá phong phú, gồm: 7 chiếc mâm bồng bằng gỗ, 4 tượng người cách điệu bằng gỗ (có dấu vết sơn son thiếp vàng), một số dụng cụ, đồ dùng như mai gỗ, đĩa gỗ, muôi, thìa, lược, dao bằng gỗ, kiếm gỗ và hàng chục bình, âu, lọ, thạp, đĩa... bằng gốm.

Đặc biệt, khi xử lý đồ tùy táng chôn theo, người ta còn tìm thấy một vài quả cau và dấu vết của những lá trầu không. Căn cứ phong cách chế tác mâm bồng gỗ và đồ gốm có 3 chân; chất liệu xương và men gốm, phong cách và nghệ thuật trang trí trên đồ gốm, ông Đỗ Xuân Trung, chuyên gia khảo cổ học Bảo tàng Hải Phòng khẳng định: mộ cổ Thành Dền nằm trong khung niên đại thế kỷ thứ 2 - 3 sau Công nguyên.

Đến nguy cơ xóa sổ một vùng "sơn thắng - địa linh"

Núi Thành Dền nằm trong vùng núi đá vôi - đá silíc Thiểm Khê thuộc địa bàn xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: Núi Thiểm Khê nằm cách huyện Thủy Đường 12 dặm về phía Bắc, đất đá lẫn lộn, tục gọi là thành "Thạch Bích", trước kia nhà Mạc họp quân ở đây, có thành cũ.

Còn sách "Hải Dương toàn hạt dư địa chí" cho biết: núi Thiểm Khê ở tổng Trúc Động, huyện Thuỷ Đường, tỉnh Hải Dương, liên tiếp 20 ngọn, chân núi có thành cũ, gọi là thành Nhà Mạc. Tương truyền họ Mạc từng đong quân ở đây ("đong" là một cách điểm binh). Tục truyền, khi ba Vương tuẫn tiết, an táng tại cánh đồng Thiểm Khê.

Phần mộ ba Vương dân gọi là mả Ba Vua - Nghè Đồng dưới, vì lúc đầu an táng ba Vương tại đây là thuộc khu Đồng dưới của làng, dân lập nghè thờ ba vị. Sau này, phu nhân của Ninh Vương là Đoàn Thị Từ Linh chuyển hài cốt của Mạc Phúc Tư và con trai là Mạc Thuần Trực ở thành Dền về táng tại Đống Án, phường Câu Tử, huyện Thủy Đường (nay thuộc xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên).

Tuy sử sách ghi chép rõ ràng như vậy, nhưng từ bao đời nay, dân gian vẫn lưu truyền biết bao nhiêu câu chuyện hoang đường về các thân vương, tướng sĩ nhà Mạc chôn giấu của cải, vàng bạc tại vùng đất này. Những câu chuyện hoang đường này ám ảnh đến mức: Cách đây không lâu, một cơ sở khai thác đất đá ở khu vực núi Thành Dền đào phải ngôi mộ cổ có cấu tạo tương tự mộ Thành Dền mà Bảo tàng Hải Phòng đang tiến hành khai quật chữa cháy, cách mộ Thành Dền khoảng 60-70m về phía Đông, mà nghe nói có người là con cháu một dòng họ gốc Mạc nhờ người xem giúp cho rằng đó là mộ một vị thân vương nhà Mạc (?) và khuyên con cháu họ này nhận mộ tổ tiên, làm lễ chôn cất chu đáo, xây lại sinh phần đàng hoàng.

Một ngôi mộ cổ "quách gỗ hình cũi" có niên đại cách đây trên dưới 2 nghìn năm bỗng nhiên hoá thành mộ một thân vương nhà Mạc. Quả là câu chuyện nhảm nhí và hoang đường. Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không biết sau này còn có bao nhiêu dòng họ lớn nhỏ đến Thủy Nguyên tìm mộ tổ?

Đây chính là nguyên nhân gây ra các cuộc săn lùng, đào bới tìm kiếm mộ cổ, cổ vật dai dẳng ở khu vực này, khi thì âm thầm, lúc thì sôi động thu hút hàng trăm người tham gia, như sự kiện đã từng xảy ra ở đồi Chà Vàng (xã Lại Xuân) gần chục năm về trước.

Hậu quả tất yếu đã xảy ra là hàng trăm ngôi mộ gạch, mộ huyết đất, mộ quan tài hình thuyền... ở núi Chà Vàng, núi Thạch Bích và khu đồi núi Thành Dền - Đấu Đong, cũng như các gò đồi ở Điệu Tú, Quỳ Khê... bị những kẻ săn tìm đồ cổ đào phá tan hoang.

Dẫu sao sự phá phách của bọn người đào bới săn tìm cổ vật ở Thủy Nguyên cũng không khủng khiếp bằng sự xuất hiện của hơn chục doanh nghiệp, HTX, các hộ tư nhân đang ngày đêm mở hết công suất máy móc hoạt động khai thác đất, đá và sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp.

Không một ai có thể kiểm đếm, tiên lượng được các vụ nổ mìn phá đá, máy xúc, máy ủi thỏa sức nghiền nát từng ngọn đồi, trái núi của các doanh nghiệp ở đây đã phá hoại bao nhiêu ngôi mộ cổ các loại, mà chỉ biết rằng khu di tích lịch sử Thành Dền - Đấu Đong đã hoàn toàn mất dạng.

Việc phát hiện ngôi mộ cổ Thành Dền được xem là một sự kiện lớn trong giới khảo cổ không chỉ ở Hải Phòng. Rất mong các nhà khoa học chuyên ngành vào cuộc

Trực quan cho thấy, mộ cổ Thành Dền có cấu trúc gồm 2 phần: hộp quách và quan tài. Quách mộ khối hình chữ nhật, kích thước 3,65m x 1,4m x 0,80m. Quách mộ có dấu vết của nắp.

Đó là những tấm gỗ nhỏ và mỏng phủ trên toàn bộ bề mặt quách theo hướng Nam - Bắc, hai đầu gối trên hai thành dọc quách, dốc từ Nam sang Bắc như kiểu mái nhà. Đáng tiếc, quá trình đào bới khai quật, công nhân đã dỡ bỏ, làm xê dịch, biến dạng toàn bộ nắp quách mộ, quan tài khiến lớp bùn "hợp chất" tràn đầy áo quan.

Hai thành dọc của quách - ở phía Bắc và phía Nam mỗi bên là hai phiến gỗ lớn (3,65m x 0,4m x 0,15m) ghép khít lại với nhau và hai đầu có mộng ngoàm khớp với vách thành phía Tây và phía Đông.

D.H
.
.
.