Cần chú trọng gắn kết làng nghề truyền thống với du lịch

Thứ Hai, 19/01/2015, 09:29
Với gần 200 làng nghề truyền thống, Thủ đô Hà Nội được đánh giá là điểm đến tiềm năng của du lịch làng nghề, đặc biệt là các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Nhờ có hệ thống giao thông thuận lợi nên những làng nghề này đang có thế mạnh để phát triển du lịch.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự phát triển của hoạt động du lịch làng nghề nơi đây vẫn chưa tạo nên được dấu ấn rõ rệt. Một phần là do ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế, khiến không khí sản xuất tại làng nghề trầm lắng, một phần khác là do công tác đầu tư, phát triển du lịch tại đây chưa được thực hiện có hiệu quả.

Làng nghề truyền thống cần được gắn kết với du lịch theo hướng có điểm nhấn thu hút. Ảnh minh họa.

Bài toán ô nhiễm tại làng nghề, nạn “chặt chém”, sản phẩm đơn điệu, chưa có điểm nhấn thu hút, cùng với sự hạn chế trong việc đổi mới sản phẩm và chất lượng dịch vụ tại nhiều làng nghề đang góp phần tạo nên những hình ảnh không đẹp về những điểm du lịch. Đây cũng chính là những lí do khiến cho bản thân du khách trong nước cũng chưa hấp dẫn bởi các điểm đến du lịch này, chưa nói tới du khách ngoại quốc đòi hỏi chất lượng cao hơn. Khắc phục những tồn tại, bất cập từ các làng nghề, đó là yêu cầu bức thiết để phát triển loại hình du lịch làng nghề, tuy nhiên, trong bối cảnh mới, du lịch làng nghề rất cần có sự gắn kết để phát triển.

Thực tế, trong khi câu chuyện du lịch làng nghề vẫn loay hoay tìm hướng đi thì tại một số địa phương, nhiều cách làm mở, hiệu quả đã được thực hiện và thành công. Tiêu biểu phải kể đến tỉnh Quảng Nam, với chủ trương lấy du lịch làm động lực để kích thích, bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề, tạo việc làm mới và nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến nay, toàn tỉnh đã khôi phục và phát triển được gần 100 làng nghề thủ công truyền thống và từng bước gắn với khai thác du lịch. Tỉnh Lâm Đồng, Bắc Ninh cũng được đánh giá là có nhiều nỗ lực trong hoạt động phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Trong đó, điểm chung tại những địa phương này, đó là sự đổi mới trong sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và hướng dần tới việc liên kết giữa các làng nghề. Để đưa những điểm đến du lịch giàu tiềm năng này đến với du khách, sự thay đổi nhận thức, tiến tới quy hoạch đồng bộ các làng nghề truyền thống để biến những nơi này thành những điểm du lịch, trải nghiệm thú vị với du khách là điều rất đáng lưu tâm. Để làm được như vậy, đòi hỏi sự chủ động thay đổi của các địa phương, của người dân; những chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước đối với các dự án trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển làng nghề. Miễn giảm thuế, ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào làng nghề và du lịch làng nghề.

Lộc Nguyễn
.
.
.