Cần cái nhìn cởi mở với văn học mạng

Thứ Hai, 23/06/2014, 09:59
Sự xuất hiện của mạng Internet đã mở ra một cánh cửa giúp người viết trẻ có năng lực sớm đến với thành công hơn. Vì thế, ngày càng có nhiều người viết sáng tác trên mạng, lựa chọn mạng làm phương thức tiếp cận độc giả.

Theo phương thức truyền thống, trước đây, người viết thường phải gửi bản thảo tới các đơn vị xuất bản, hoặc phải có tác phẩm chất lượng, đoạt giải các cuộc thi… thì mới có thể in thành sách giấy. Tuy nhiên, ngày nay, Internet phát triển, các trang web, các mạng xã hội đã mở ra một cánh cửa tiếp cận, giao lưu giữa những cây viết trẻ, những người chưa có tên tuổi với công chúng. Đó là những mặt mạnh mà “Văn học mạng” đang có được. Bên cạnh đó, rất nhiều người cũng cảnh báo rằng, “Văn học mạng” đang mang đến nhiều tác phẩm dễ dãi, kém nổi bật, nhiều người cầm bút chạy theo các đề tài thời thượng khiến tác phẩm chú trọng vào chức năng giải trí và họ không có ý định theo đuổi sự nghiệp văn chương lâu dài. Vậy, ta nên hiểu về vấn đề này như thế nào?

Văn học mạng từ lâu đã không còn xa lạ với những ai yêu thích văn chương và sáng tác. Với mạng Internet, sẽ không cần một nhà xuất bản, nhà phát hành, truyền thông, mà chính tác giả sẽ đảm nhận tất cả các vai trò này khi có thể thoải mái tự đăng tác phẩm của mình lên và tự tìm kiếm độc giả. Phải khẳng định rằng, họ đã đóng góp một mức độ nhất định vào việc thúc đẩy văn hóa đọc và sáng tác trên mạng. Với môi trường tự do như thế, văn học mạng lâu nay đã tự sản sinh ra một lớp người viết trẻ, nổi lên như những hiện tượng, có cộng đồng độc giả riêng. Sự xuất hiện của họ đem đến không khí mới mẻ cho văn học mạng, đem lại nguồn tác phẩm dồi dào cho người đọc. Từ đó, người đọc có thể tìm thấy cho mình những tác phẩm giải trí nhẹ nhàng, phù hợp với tâm trạng. Với sự nổi danh trên mạng, từ đó, họ bước ra ngoài đời thực cùng những cuốn sách được in và được nhiều người đọc đón nhận.

Năm 2005, nhà văn Trần Thu Trang đã viết “Cocktail cho tình yêu”, “Phải lấy người như anh”. Năm 2007, nhà văn Trang Hạ dịch truyện Trung Quốc “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”. Từ đó, số lượng tác phẩm văn học mạng được chuyển thành sách giấy ngày càng nhiều. Năm 2013, nhà thơ Phong Việt có tập thơ “Đi qua thương nhớ” xuất bản được 10.000 bản. Năm 2014, nhà văn Anh Khang có cuốn “Buồn làm sao buông” bán chạy nhất Hội sách TP Hồ Chí Minh với 40.000 bản. Điều đó cho thấy, văn học mạng từ chỗ đóng vai phụ trong nền xuất bản giờ đã có chỗ đứng nhất định.

Gào là một trường hợp điển hình cho việc thành công khi sáng tác trên mạng. Truyện ngắn của cô xuất hiện trên Blog Yahoo, sau đó được tập hợp và in thành sách. Những cuốn như “Cho em gần anh thêm chút nữa” (2009), “Nhật ký son môi” (2010), “Tự sát” (2011), “Yêu anh bằng tất cả những gì em có”, “Mất anh bởi tất cả những thứ em cho” (2012) đã trở thành sách bán chạy nhất khi mới phát hành.

“Người đi bán nắng” của cây viết trẻ Lê Ngọc Mẫn là cuốn sách bán chạy, được nhiều người biết đến ngay từ khi đưa lên mạng xã hội.

Nguyễn Ngọc Thạch cũng là một người viết có nhiều sách được xuất bản. Tác phẩm của Thạch xoay quanh số phận của những người đồng tính, người làm nghề mại dâm thu hút hàng triệu lượt đọc trên mạng. Các truyện ngắn như “Đời Callboy”, “Một con đĩ yêu nghề”, “Lòng dạ đàn bà” đứng trong các cuốn sách khác nhau đã lần lượt được xuất bản. Đến nay, khi ở tuổi 27, Nguyễn Ngọc Thạch đã sở hữu cho mình được một lượng tương đối các tác phẩm và có nhiều độc giả theo dõi.

Sự xuất hiện của mạng Internet đã mở ra một cánh cửa giúp người viết trẻ có năng lực sớm đến với thành công hơn. Vì thế, ngày càng có nhiều người viết sáng tác trên mạng, lựa chọn mạng làm phương thức tiếp cận độc giả. Tuy nhiên, văn học mạng tại Việt Nam vẫn chưa phát triển tới mức các diễn đàn, trang web văn chương có thể trả tiền cho người sáng tác. Vì thế, xuất bản sách giấy vẫn là phương pháp không chỉ khẳng định tên tuổi người viết mà còn giúp người viết có thù lao, phục vụ nhu cầu của cuộc sống cá nhân. Văn học mạng gần như chỉ đóng vai trò đăng tải, quảng bá tác phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, văn học mạng tuy đem đến cho đời sống văn chương thêm màu sắc mới nhưng nó cũng đã mang đến nhiều tác phẩm dễ dãi, kém nổi bật. Nhiều người cầm bút chạy theo các đề tài thời thượng khiến tác phẩm chú trọng vào chức năng giải trí và họ không có ý định theo đuổi sự nghiệp văn chương lâu dài. Nhiều độc giả cũng bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng văn học mạng khi khâu biên tập chọn lọc lỏng lẻo, nhiều khi là hoàn toàn không có.

Với công việc ngoài đời là Biên tập viên sách, Lê Ngọc Mẫn là một trong số các tác giả trẻ được nhiều bạn đọc biết đến nhờ viết văn đăng tải lên mạng. Từ đó, các cuốn sách của cô khi in ra đều bán rất chạy như: “Người đi bán nắng”, “Trái đất tròn lòng người góc cạnh”… Chia sẻ với phóng viên, cây viết trẻ Lê Ngọc Mẫn (còn có bút danh khác là Minh Mẫn), bày tỏ: “Không một tác giả nghiêm túc với văn chương nào lại nghĩ mình sẽ tồn tại mãi mãi trên môi trường mạng, họ luôn hướng đến việc xuất bản tác phẩm theo con đường chính thống”.

Hiện nay, các nhà sách tư nhân có xu hướng chọn tác phẩm có nhiều người đọc, được yêu thích sẵn trên mạng để in sách. Nhưng theo Lê Ngọc Mẫn, thì “nhiều khi điều đó khiến văn học mạng có diện mạo méo mó”, vì sách nhiều người đọc chưa hẳn đã hay.

Nhìn ở nhiều góc độ, thì một hiện tượng, một trào lưu, một sự vật, hiện tượng nào xuất hiện cũng có những ưu điểm và khuyết điểm của nó. Như vừa phân tích ở trên, văn học mạng cũng không tránh được những qui luật phát triển đó. Nhưng thiết nghĩ, theo lẽ tự nhiên, cái gì không hợp lý thì nó sẽ tự bị đào thải. Còn những cái tồn tại và phát triển được, chứng tỏ nó cũng có những đối tượng quan tâm riêng và sự hợp lý riêng, theo một logic nhất định. Như vậy, trong thời đại công nghệ số ngày nay, chúng ta nên có những cái nhìn cởi mở, thông thoáng hơn đối với văn học mạng - một xu hướng phát triển tất yếu của văn học

Cảnh Vũ
.
.
.