Cảm nghĩ về tượng đài nữ pháo binh Ngư Thuỷ

Thứ Bảy, 17/06/2006, 08:25

Khuôn mặt của các "nữ pháo thủ" đều thể hiện ý chí chiến thắng, nhưng tất cả đều đầu trần, tóc dài kẹp sau lưng. Hình ảnh những nữ pháo thủ này có nhiều điều không phù hợp với thực tế chiến đấu nên rất phản cảm, làm cho bà con thất vọng.

Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng bắn cháy tàu chiến Mỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những biểu tượng đẹp của quân dân Quảng Bình nơi tuyến lửa. Ngày 20/11/1967, Đại đội pháo binh gái Ngư Thủy được thành lập, chiến đấu như bộ đội chính quy cho đến khi Mỹ chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc năm 1973. Ngày ấy, 37 cô gái trẻ măng là bạn học cấp hai trường làng của tôi đã trở thành những pháo thủ điều khiển 4 khẩu pháo tầm xa 85 ly nòng dài. "Xê gái" đã chiến đấu mấy chục trận quyết tử, 5 lần bắn cháy tàu chiến địch. Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã được Bác Hồ gửi thư khen và tặng huy hiệu của Người.

Ngày 25/8/1970, Đại đội được Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1973, Chủ tịch Fidel Castro (Cuba), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Xuân Thủy và nhiều phái đoàn quân sự cấp cao Trung Quốc, Liên Xô (cũ), Đức... đã về thăm "Xê gái".

Năm 1970, đạo diễn Lò Minh đã làm bộ phim "Những cô gái Ngư Thủy". Phim của anh Lò Minh được giải thưởng quốc gia và giải thưởng quốc tế tại Liên hoan phim Leipzig 1971. 30 năm sau, bộ phim nhựa màu "Trở lại Ngư Thủy" của cố đạo diễn Lê Mạnh Thích lại làm xôn xao dư luận, được giải thưởng Việt Nam và quốc tế.

Từ năm 2002, để phát huy truyền thống quê hương, tỉnh Quảng Bình đã có chủ trương xây dựng Khu truyền thống "Nữ pháo binh Ngư Thủy" tại thôn Thượng Bắc, trung tâm xã Ngư Thủy Trung, nơi sinh ra và trưởng thành của "Xê gái". Nghe nói Khu truyền thống gồm tượng đài và một trận địa pháo ở bờ biển được phục chế. Thông tin này làm bà con Ngư Thủy và chị em "cựu chiến binh Xê gái" rất phấn chấn.

Lúc đầu, tượng đài "Xê gái" được tỉnh giao cho Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Bình thực hiện. Một số nhà điêu khắc, nhà văn hóa của tỉnh đã về nghiên cứu tìm hiểu để sáng tác mẫu tượng đài. Nhưng rồi có lẽ do vốn của Bộ, nên dự án lại được giao cho Công ty Mỹ thuật thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin sáng tác và thi công với số vốn 2,7 tỷ đồng.

Không biết Công ty Mỹ thuật của Bộ có tổ chức thi sáng tác mẫu tượng đài hay không, chỉ biết đầu tháng 4/2006, khi tôi về giỗ chạp ở quê thì thấy phần đế của tượng đài đã được xây dựng trong một khuôn viên có tường thành bao quanh, xây xong nhưng chưa tô. Còn tượng đài được tạc bằng đá tại Hà Nội gồm nhiều khối lớn đã được chuyển về Ngư Thủy. Một chiếc cần cẩu lớn đang chuẩn bị cẩu khối tượng đặt lên vị trí. Quan sát các khối tượng rời tôi thấy có hình ảnh cô gái giơ tay lên trời ra lệnh "bắn", bên cạnh là các cô gái khác đang làm động tác đẩy viên đạn vào nòng pháo. Tượng các "nữ pháo thủ" khuôn mặt đều thể hiện ý chí chiến thắng, nhưng tất cả đều đầu trần, không mũ, tóc để dài kẹp sau lưng. Hình ảnh những nữ pháo thủ này có nhiều điều không phù hợp với thực tế chiến đấu nên rất phản cảm, làm cho bà con thất vọng.

Chuyện chị em "Xê gái" bắn tàu chiến Mỹ ra sao ở làng tôi ai cũng biết. Chị dâu tôi là Trung đội trưởng phụ trách một khẩu đội pháo 85 ly. Chị Ngô Thị The, Đại đội trưởng "Xê gái" ngày ấy là người chị họ của tôi kể rằng: Khi tàu chiến Mỹ xuất hiện ngoài khơi (xa 25 - 30km), chỉ thấy trên ống nhòm như con ruồi, mắt thường trong thời tiết xấu không bao giờ nhìn thấy, chị em bao giờ cũng bắn theo phương vị và tọa độ.

Để tránh tàu chiến địch phản pháo, máy bay địch bắn phá tấn công nên trận địa ngụy trang rất bí mật. Bộ phận chỉ huy đo đạc quan sát tàu địch ở dưới hầm có cửa sổ thông ra biển. Sau khi xác định xong vị trí tọa độ, góc tà, phương vị, lệnh bắn được truyền từ Đại đội trưởng ở hầm chỉ huy đến các Trung đội trưởng phụ trách từng khẩu đội qua hệ thống điện đàm, chứ không ai đứng thẳng người lên, giơ tay chém mạnh vào không khí ra lệnh "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" như bắn máy bay trực diện cả.

Thứ hai là khi chiến đấu, chị em đều đội mũ cối cài kín lá ngụy trang, tóc bối chặt sau gáy, không ai để đầu trần như thế cả. Chị em lúc đánh giặc, mặc quần áo bộ đội, quần ống xắn ống xả, đầy vết dầu loang lổ, chứ không phải như đi dạo phố như thế v.v...

Tất nhiên, tượng đài là một sáng tác nghệ thuật, phải có sự hư cấu. Nhưng hư cấu cũng phải trên cơ sở thực tế chiến đấu. Chi tiết cuộc sống mới là cái gốc của nghệ thuật. Tượng đài "Nữ pháo binh Ngư Thủy" phải được tượng hình từ cuộc chiến đấu máu lửa với những chi tiết đắt giá, riêng có khái quát được sức mạnh của phụ nữ Việt Nam. Ví dụ hai quả đạn pháo được chứa trong một cái hòm gỗ thông lớn, mỗi quả nặng 16kg, cộng thêm vỏ hòm phải tới 70kg, phải hai người đàn ông khênh vác mới nổi, thế mà chị em cứ vác như không.

Cô Xử, pháo thủ số 3 (nạp đạn) kể: "Có trận em phải nạp liền tới 22 viên đạn nặng như rứa!". Mỗi lần chị em đánh xong, già trẻ cả làng Thượng Luật quê tôi đổ ra trận địa giúp chị em kéo pháo vào hầm cất giấu đề phòng địch phản pháo. Hội mẹ chiến sĩ đi vận động bà con góp tiền góp gà, gạo nấu cháo cho "các cháu" bồi dưỡng v.v... Tôi nghĩ có lẽ tác giả tượng đài "Xê gái" đang được dựng ở Ngư Thủy Trung đã không đi thực tế, mà chỉ dựa vào những tượng đài chiến sĩ cách mạng xưa nay, rồi biến hóa chút ít mà thành, nên không có hồn, không có sức sống trong lòng người xem. Thật đáng tiếc.

Đã có nhiều cụm tượng đài được xây dựng vội vàng, bắt chước các mẫu tượng đài Liên Xô (cũ) đã bị báo chí phê phán. Chúng tôi nghĩ, Bộ Văn hóa - Thông tin nên có cuộc kiểm tra chấn chỉnh, sửa chữa tượng đài cho đúng với những gì mà nó mang tên mới có tác dụng giáo dục truyền thống. Và theo chúng tôi, cụm tượng đài phải được dựng tại một trận địa bắn tàu chiến Mỹ của "Xê gái" (được phục dựng như ngày xưa) ở ngay bờ biển mới tạo nên giá trị nghệ thuật cao

Ngô Minh
.
.
.