"Cái tôi"

Thứ Năm, 05/04/2007, 10:29
Trong vụ "va chạm" giữa trọng tài Hùng và Hội đồng trọng trài chỉ vì cái "tôi" quá to, giá mà cả hai bên hiểu được điều này, thì đâu có cái sự bẽ bàng của những người cùng chung một giới cầm còi và cầm cờ, nhưng lại đi tuýt còi và phất cờ việt vị lẫn nhau.

1. "Nếu có phiếu bầu, tôi cũng sẽ tự bầu cho mình Quả bóng vàng năm nay". Có lẽ không ít người sẽ cảm thấy kỳ kỳ khi "bóng vàng 2006" Công Vinh đã trả lời như vậy trong bài phỏng vấn của Báo Sài Gòn Giải phóng - đơn vị tổ chức cuộc bầu chọn Quả bóng vàng Việt Nam.

Kỳ bởi câu trả lời đó có vẻ không hợp lắm ở thời điểm bóng đá Việt đang dị ứng với cái từ "sao" như hiện tại. Kỳ bởi nó không được khiêm tốn lắm đối với cầu thủ được coi là "người của công chúng" như Vinh. Và kỳ bởi nó dường như mang hơi hướm tự đại và tự mãn với cái tuổi 22 của chân sút xứ Nghệ này.

Thế nhưng nếu nghĩ ngược lại với tâm lý số đông, Công Vinh nói như vậy cũng có cái lý của nó. Chúng ta đang sống trong một thời đại đề cao sự phát triển và bộc lộ khả năng của cá nhân trong sự hòa hợp với cộng đồng, chứ đâu phải ở thời phong kiến của những cụm từ đầy khiêm nhường như "thiển ý", "ngu ý", "kẻ hèn" v.v...

Bởi vậy, một khi Vinh ý thức được đầy đủ về khả năng và sự cống hiến của mình xứng đáng với danh hiệu, cầu thủ này có quyền khẳng định cái tôi một cách mạnh mẽ và thẳng thắn như vậy.

Tôi xứng đáng, vậy thì tôi khẳng định sự xứng đáng đó. Tại sao không được quyền bộc lộ cá nhân? Tại sao phải để "cái tôi" của mình che khuất, chìm lấn để được cái tiếng là khiêm tốn, là tôn trọng tập thể? Chẳng phải người xưa bảo "không quý mình thì khinh rẻ cả Thánh nhân" hay sao?

Hiểu được giá trị của bản thân và bộc lộ nó, nói thẳng và sống thật đúng với mình và cả mọi người, là một cách sống dũng cảm mà không phải ai cũng làm được. Vinh đã lên tiếng khẳng định sự xứng đáng của mình, chứ đó không phải là bi kịch của sự hoang tưởng. Hãy tin là như vậy!

2. Tất nhiên, "cái tôi" lý tưởng là khi nó hòa hợp được với "cái ta". Sự kiện căng thẳng và khá ầm ĩ  giữa "còi vàng" Dương Mạnh Hùng với Hội đồng trọng tài (HĐTT) có lẽ cũng bắt nguồn từ việc đụng chạm giữa những "cái tôi" mà không nghĩ đến "cái chúng ta".

Sở dĩ nói như vậy bởi cả hai bên đều lên... báo đấu khẩu lẫn nhau theo cái kiểu "tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại", chứ chẳng chịu ngồi lại đối thoại trực tiếp với nhau. Và thế là dưới con mắt của một số đại diện HĐTT thì "còi vàng" Dương Mạnh Hùng cũng như "còi thường" nên luật lệ quy định như thế nào thì cứ thế mà làm, không có ngoại lệ: Ông Hùng trượt phần thi thể lực thì xin mời "ngồi chơi xơi nước" chờ giai đoạn.

Còn dưới mắt ông Hùng thì đại diện HĐTT mượn luật để triệt buộc, trù dập và "cướp còi" của ông theo những toan tính phi luật nơi hậu trường.

Ngay kể cả khi lãnh đạo VFF bật đèn xanh cho ông Hùng thi lại, thì hai bên cũng vẫn tiếp tục căng nhau từng lời ăn, tiếng nói... trên báo.

HĐTT đòi ông Hùng phải gửi đơn xin thi lại và giấy chứng nhận hết chấn thương của bác sĩ qua báo chí. Còn ông Hùng cũng lên báo đòi HĐTT phải có lời với mình một cách chính thức thì mới gửi đơn xin thi lại, chứ "tôi không đi xin việc" như lời ông nói.

Ông nói ông phải, bà nói bà hay, và chẳng ai thấy được sự tôn trọng trong mắt bên kia, cho dù người nào cũng bảo mình làm thế là vì cái chung. Cái chung của những người làm luật và nắm luật muốn bảo vệ triệt để luật chơi. Cái chung của người muốn đấu tranh để không còn ai bị chèn ép, trù dập. Nhưng đó cũng là những cái chung thật mơ hồ khi bị lồng vào mối quan hệ vốn chẳng "cơm lành, canh ngọt" giữa cá nhân ông Hùng và một số vị đại diện cho HĐTT.

"Cái tôi hòa với cái chúng ta làm cái chúng ta mang bộ mặt người và cái tôi trở nên tầm vóc". Vâng, giá mà cả hai bên hiểu được điều này, thì đâu có cái sự bẽ bàng của những người cùng chung một giới cầm còi và cầm cờ, nhưng lại đi tuýt còi và phất cờ việt vị lẫn nhau.

Giá mà ông Hùng bơn bớt cái tôi của mình thì cái ngọn cờ đấu tranh cho cái chung của ông sẽ không có lúc thật trĩu nặng cái riêng. Giá mà các thành viên của HĐTT đừng quá cứng nhắc và máy móc với góc nhìn chuyên môn của mình, thì họ cũng đâu bị người ta nhìn lệch lấy phép công làm phương tiện để thỏa mãn tư và thỏa mãn cả cái sự yêu - ghét.

Giá mà...

Bảo Hân
.
.
.