Cái tình còn lại

Thứ Hai, 26/03/2007, 10:14
Thế là đã ba năm trôi qua kể từ ngày 26/3 định mệnh ấy, khi PGS Tôn Thất Bách đột ngột qua đời trong chuyến đi công tác ở Lào Cai để giảng bài về việc chữa bệnh cho người nghèo...

Tôi vẫn nhớ cú điện thoại bất ngờ gọi cho tôi sáng 27/3/2005 của anh Trương Xuân Hương, Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế. Anh Hương đã nghẹn ngào báo: "Sáng nay, mọi người tới phòng đánh thức thì thấy anh Bách đã đi rồi... Bây giờ anh phải cùng anh Liêm (đồng chí Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế - HTQ) lên Lào Cai đưa anh Bách về đây...".

Tôi đã cảm thấy thật choáng váng khi nghe tin ấy. Thực tình mà nói, tôi không phải là một người được may mắn gần gụi anh Bách khi anh còn sống, đơn giản là tôi từng có một vài lần được trực tiếp trò chuyện với anh để lấy tư liệu viết báo. Nhưng tôi trọng anh Bách ở những câu chuyện mà mọi người kể về anh - ở thời đại chúng ta, khi những nhân vật quyền không quá cao, chức không quá trọng nhưng luôn luôn là trung tâm đoàn kết" như anh Bách đối với những người là đám viên chức trí thức lắm suy tư và hay tự ái chúng tôi quả là quá quý hiếm.

Anh Bách đã là nơi mà tới đó, mọi người dường như tin yêu nhau hơn, quý trọng nhau hơn trên cơ sở một niềm tin yêu và quý trọng anh, vô tư, chân thành, không lụy danh và cũng chẳng lụy tài. Chẳng lẽ thế còn là ít ư?

Ba năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ buổi tối thứ bảy sau ngày anh Bách mất, ngồi tại quán Nga “Giấc mơ nhỏ” (số 9 Phạm Sư Mạnh) uống thứ rượu vodka trong như nước mắt cùng với một số người yêu quý anh trong ngành Y tế.

Khi đó, bất ngờ trong đầu tôi lại vang lên những câu thơ của một thi nhân vùng Bantích mà tôi đã dịch ra tiếng Việt từ thời trai trẻ: "Thần thánh cũng như người,/ ai tốt bụng thông minh,/ thường mất sớm,/ còn những kẻ gian ngoan tráo trở,/ sống rất dai trên đời".

Nâng ly lên, anh Đỗ Hán, một cựu thương binh từ chiến trường Quảng Trị, cùng đơn vị với  những anh Báu, anh Huynh, anh Triệu, anh Dũng... (lúc đó là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, từng nhiều năm giúp việc anh Bách), nay đang là Chánh Văn phòng Bộ Y tế, đã ngậm ngùi: "Chúng ta cũng là người tốt, nhưng tại sao những người tốt hơn chúng ta lại phải chết sớm hơn chúng ta?".

Biết phải nói gì thêm nữa? Anh Bách đã từng cứu bao nhiêu con tim, bao nhiêu buồng gan, nối bao nhiêu mạch máu cho đời! Thế mà tới phút cuối cùng, anh lại phải ra đi vào cõi vĩnh hằng trong một cơn nhồi máu cơ tim. Dường như trái tim của con người yêu đời tha thiết đến độ luôn phải đau đời đã không đủ sức nữa để tiếp tục hành trình lạc thiện của mình, dù anh mới chỉ ở tuổi 59...

PGS Tôn Thất Bách lưu dấu ấn trong tôi bằng những lời tâm sự thật lòng khi ngồi trò chuyện cùng tôi. Anh đã nhớ về cha anh, GS Tôn Thất Tùng, khi vân vi lý giải về những gì bản thân anh đã đạt được: "Có lẽ tôi có được sự thành công ngày hôm nay là nhờ ở sự giáo dục của cha tôi. Tất nhiên, tôi cũng hiểu, vì tôi là con trai của GS Tôn Thất Tùng nên không ít người đời nhìn tôi, đánh giá tôi cũng xét nét, so đo hơn. Nhưng cũng vì thế mà họ có thể cảm thông hơn với tôi trong một số trường hợp nào đó.

Cha tôi đã để lại cho tôi không chỉ một bài học: Thứ nhất, đó là sự trung thực, trung thực từ những chuyện nhỏ nhất trở đi trong đời thường cho tới việc nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, đó là tính nghiêm khắc, với những người cộng sự xung quanh, đã đành một nhẽ, nhưng trên hết và hơn hết là với bản thân mình. Mình không có quyền thỏa mãn với những gì đạt được; lắm khi cần phải nghĩ rằng, những cái ta đang có thực ra chỉ do may mắn là phần nhiều, còn cần phải nỗ lực hơn nữa, chứ còn đừng có tự hào vỗ ngực, dù ngực đã quá lắm huân, huy chương...

Thứ ba, đó là lòng thương yêu con người. Điều này nói ra thì dễ nhưng tôi nghĩ rằng, đó là việc khó làm nhất. Nếu ta không có sự đồng cảm sâu sắc với những người nghèo khổ, những người ít may mắn hơn ta thì ta khó có thể có được trong lòng một tình yêu thương sâu sắc và đích thực đối với đồng loại. Nếu ta yêu ai đó chỉ để vụ lợi, về tinh thần hay về vật chất, thì ta không thể là ta theo cái nghĩa một con người chân chính...

Điều thứ tư mà cha tôi dạy tôi, đó là tính tự lập, tức là tự mình ngay từ nhỏ phải tự giải quyết các công chuyện, các vấn đề của mình, không thể dựa dẫm...".

Nếu tôi nhớ không nhầm, hình như khi tâm sự với tôi về những bài học để đời mà cha mình đã dạy, đôi mắt hiền lành, trong sáng và thường là điềm tĩnh của PGS Tôn Thất Bách đã rưng rưng... Tôi không biết nhiều chuyện về cuộc đời cụ thể của anh nhưng tôi tin rằng, anh có lý do chính đáng để trên đỉnh cao danh vọng, từng khiến rất nhiều người ghen tị mà rưng rưng nhìn lại đời mình...

Xưa nay, trí thức đích thực không thể bao giờ mãn nguyện, không thể bao giờ chỉ nghĩ về phận mình mà cảm thấy hài lòng với cõi thế. Đấy là tôi cứ suy bụng ta ra bụng người như vậy. Và trong phút ngồi một mình thắp nén tâm nhang tưởng nhớ PGS Tôn Thất Bách, tôi bỗng thấy bên tai mình vang lên những câu thơ đã cũ rồi nhưng luôn khiến lòng tôi đau niềm thương mới mà tôi từng tặng cho một người anh của mình, một bác sĩ mà sinh thời, anh Bách cũng đã rất quý mến và có lần định rủ về làm cấp phó cho anh ở Trường Đại học Y Hà Nội, anh Trương Xuân Hương.

Anh Hương bây giờ cũng có tuổi rồi, vì đã lỡ một nhịp cầu trong công việc mà cảm thấy lòng như mất đi một căn bản thế thái nhân tình nên đôi khi hay tự ru lòng mình trong những cơn mơ như của Lưu Linh.

Tôi rất mong rằng, những câu thơ thật lòng và thấm thía của tôi trong ngày giỗ thứ ba của PGS Tôn Thất Bách sẽ giúp được anh Hương cũng như những người đồng nghiệp mà anh Bách yêu quý, tin tưởng có thêm nhiệt huyết để thực hiện tiếp sứ mệnh lương y can đảm, tỉnh táo mà sinh thời, anh Bách đã luôn đau đáu:

"Hãy sống,

Không lụy người trên,

Không chèn kẻ dưới,

Hãy sống,

Như lời ru của mẹ,

Như con chuồn chuồn,

Đạp nước rồi bay...".

Tất cả chúng ta rồi đều sẽ bay đi như những con chuồn chuồn, sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình: Gieo hạt giống nhân nghĩa vào cõi đời "lưu thủy hành vân"...

Anh Bách đã ra đi như thế.

Chúng ta rồi cũng sẽ ra đi như thế.

Còn lại chỉ là cái tình thôi.

Dẫu rằng, "tình  bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ nó mới vông nên vông, nó mới vông nên vông..."

17h ngày 25/3/2007
.
.
.