Cái thiếu trong công thức nhà vô địch

Thứ Sáu, 14/01/2011, 10:00
Nếu một đội bóng hội tụ đủ 3 yếu tố nền tảng vật chất mạnh, điều kiện tài chính mạnh và nguồn cầu thủ mạnh thì đội bóng đó sẽ có rất nhiều khả năng lên ngôi. Tuy nhiên, dường như trong "công thức vô địch" ấy đã thiếu đi một trong những yếu tố quan trọng nhất: yếu tố thiên thời.
>>V.League: Những lời tuyên bố trước mùa giải mới

Trong số báo ra ngày hôm qua, CAND đã đề cập tới lời tuyên bố vô địch V.League của ông bầu Đoàn Nguyên Đức - HA.GL, cùng với nó là 3 điều kiện để một đội bóng vô địch V.League: nền tảng vật chất mạnh, điều kiện tài chính mạnh và nguồn cầu thủ mạnh.

Quả nhiên nếu hội tụ đủ 3 yếu tố thuần vật chất này thì một đội bóng sẽ có rất nhiều khả năng lên ngôi. Tuy nhiên, dường như trong "công thức vô địch" ấy đã thiếu đi một trong những yếu tố quan trọng nhất: yếu tố thiên thời.

Để chứng minh cho sức mạnh của yếu tố thiên thời trong sự thành công của một đội bóng, có thể lấy chính ví dụ về chức vô địch năm 2003, 2004 của chính HA.GL. Không ai phủ nhận lúc ấy HA.GL có lực mạnh và tiền cũng mạnh, nhưng điều quan trọng là đấy cũng là thời điểm mà cả làng cả nước đều mong ngóng đội bóng phố Núi sẽ lên ngôi, để chứng minh tính hiệu quả của một cách làm mới trong bóng đá nước nhà.

Sau này, mất đi yếu tố "thiên thời" ấy thì bầu Đức dù có vung tiền mua một ngôi sao hạng sang như Lee Nguyễn, và dù có tin tưởng đến cháy bỏng rằng có Lee Nguyễn, HA.GL sẽ có lại Cúp vàng thì thực tế là Cúp vàng vẫn cứ ở một nơi rất xa so với phố Núi Gia Lai.

Rồi lần lên ngôi gần đây nhất của HN.T&T, yếu tố "thiên thời" cũng có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cái thiên thời ấy bắt nguồn từ những cuộc tự khủng hoảng của đồng loạt các đại gia máu mặt như SHB.ĐN, B.BD, một phần bắt nguồn từ khát vọng vô địch của rất nhiều người ở trong và ở ngoài đội bóng, trong một năm mà Thủ đô Hà Nội kỷ niệm Đại lễ ngàn năm.

Hoàng Anh Gia Lai năm nay liệu có gặp thiên thời? Ảnh: Quang Minh.

Nếu cần thêm một ví dụ nữa cho sức mạnh của yếu tố "thiên thời", người ta có thể nhớ lại chức vô địch của Cảng Sài Gòn năm 2002. Nhưng khác với cái "thiên thời" của HA.GL hay HN.T&T, cái "thiên thời" của Cảng Sài Gòn năm ấy lại bắt nguồn từ một bối cảnh mà chỉ riêng Cảng "máu", trong khi vì nhiều lý do khác nhau mà cả làng lúc ấy, không nhiều người "máu". Chính vì tận dụng một cái "thiên thời" trớ trêu như vậy nên ngay sau chức VĐQG, Cảng Sài Gòn lại đã gục đầu xuống hạng - điều mà trước đó chưa từng xảy ra trong lịch sử bóng đá Việt Nam. 

Khẳng định yếu tố thiên thời, và coi nó như một yếu tố quan trọng trong "công thức vô địch" của một đội bóng ở V.League xét cho cùng cũng để đặt ra một câu hỏi mang tính thời sự: Năm nay, thiên thời sẽ thuộc về ai?

Dễ thấy là năm nay, V.League không trình làng một ông bầu mới nổi nào đó. Trong số những địa phương, những doanh nghiệp có đội bóng dự V.League, cũng không có những lễ kỷ niệm đặc biệt quan trọng nào đó. Thế nên xem chừng, sự tác động của yếu tố "thiên thời" vào những đội bóng "máu mặt" là ngang nhau. Vấn đề là trong số các đội bóng, ai sẽ nhìn ra sức mạnh của yếu tố ấy, và từ đó biết cách biến nó thành một yếu tố có lợi cho mình?

Chỗ này thì xem ra "bầu" Đức của HA.GL chưa xuất quân nhưng có thể đã thua trước một nước, vì trong cái công thức chiến thắng mà ông nói đến (cơ sở hạ tầng mạnh, tài chính mạnh, lực lượng cầu thủ mạnh), không biết vô tình hay hữu ý đã thiếu hẳn hai chữ "Thiên thời".

Có một chi tiết hết sức đáng chú ý đó là mới đây, HA.GL của bầu Đức đã ký kết hợp đồng tài trợ với một đơn vị đến từ lĩnh vực ngân hàng, trong khi ai cũng biết nhà tài trợ chính của V.League 2011 cũng đến từ một đơn vị ngân hàng, lại là ngân hàng của ông Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

Đã có câu hỏi đặt ra rằng việc bị "đụng hàng" như thế có làm HA.GL gặp khó khăn không? Câu trả lời của ông Đức là "không", vì ông tin vào cách làm và cách tính riêng c ủa mình. Song rõ ràng là với cái kiểu chọn nhà tài trợ cùng mặt hàng với nhà tài trợ của giải đấu, xem ra HA.GL năm nay rất khó có được "thiên thời".

Diệp Xưa
.
.
.