Cái chân thiên tài và cái chân lịch sử

Thứ Hai, 23/06/2014, 10:06
Đêm 21, rạng sáng 22/6, thế giới bóng đá chứng kiến hai cái chân đầy cảm xúc. Ấy là cái chân mang màu sắc thiên tài của Messi (Argentina) và cái chân mang đầy tính lịch sử của Klose (Đức). Hai cái chân thể hiện 2 vẻ đẹp khác nhau của bàn thắng: Vẻ đẹp của nghệ thuật tạo hình và vẻ đẹp của nghệ thuật... đánh hơi.

1. Cứ nhìn cái cách HLV trưởng Argentina nhảy lên vui sướng rồi hào hùng tuyên bố trong buổi họp báo sau trận đấu: "Với Messi, mọi điều đều có thể xảy ra" là đủ hiểu cái chân của Messi ở cái phút bù giờ mong manh ấy đã đem lại cho ông nguồn cảm xúc lớn lao nhường nào. Cái chân ấy cứa vào quả bóng, cứa lên không trung một quĩ đạo chuyển động nhanh như một cái chớp mắt, đẹp như một sắc cầu vồng trước khi đưa quả bóng chui tọt vào góc lưới một cách thảng thốt, bất ngờ hệt như món quà trác tuyệt của thượng đế trong giờ phút cứu sinh.

Cái chân ấy giúp Argentina giật 3 điểm trong bối cảnh mà cả hệ thống thi đấu của Argentina vừa vô thức lao lên trên vừa run run với những pha phản đòn sắc lẹm của đối phương. Cái chân ấy đánh sập ý chí, sự nỗ lực, và tính kỷ luật của cầu thủ Iran trong toàn bộ 90 phút thi đấu trước đó. Cái chân ấy là sự chiến thắng của một cá nhân trước một tập thể, của cái mềm mại trước cái mạnh mẽ, của một khoảnh khắc trước một đại cuộc. Không hiểu là những trận sắp tới, số phận của Argentina sẽ ra sao và cái chân ấy liệu còn tiếp tục phát sáng được không (vì ở những vòng tới chắc chắn đối thủ của Argentina cứng cựa hơn Iran rất nhiều) nhưng chỉ cần một khoảnh khắc đầy mĩ cảm ấy thôi, cái chân thiên tài của Messi đã ghi dấu trong lòng người xem thật nhiều ấn tượng.

2. Nếu như cái chân của Messi đem lại 3 điểm quý giá cho Argentina thì cái chân của Klose lại giật về 1 điểm tưởng chừng đã tuột khỏi tay người Đức. Ở cái phút thứ 70 ấy, khi Đức đang bị Ghana dẫn ngược 2-1  và đang rơi vào  trận địa  ngập tràn thể lực, ngập tràn sức sống của Ghana thì Klose vào sân, và ngay ở pha tiếp bóng đầu tiên cái chân của Klose và nhô ra, đưa bóng vào lưới trống. 

Messi hạnh phúc sau một khoảnh khắc thiên tài.

Thật ra thì ở tình huống của Klose, khi quả bóng đã đi qua khỏi cả một rừng đầu, và khi đối diện với quả bóng chỉ là một manh lưới trống không thì ai cũng có thể ghi bàn được. Nhưng vấn đề là: tại sao lúc ấy người tiếp bóng không phải một cầu thủ A, B, C nào khác, mà lại là chân sút đã gần 36 tuổi này? Và tại sao trong sự nghiệp thi đấu của mình, Klose thường xuyên có những tình huống tiếp bóng, ghi bàn thuận lợi như thế này? Vì anh là một tiền đạo quá may mắn? Có thể! Nhưng có thể còn một nguyên nhân khác, quan trọng hơn: Vì anh là mẫu tiền đạo rất giỏi trong việc "đánh hơi" tình huống - "đánh hơi" bàn thắng - "đánh hơi" những sản phẩm mà ông trời có thể "ấn" lên đôi chân tiền đạo!

Bàn gỡ 2-2 của Klose giúp cho người Đức lấy lại 1 điểm trong một bối cảnh tưởng chừng không có đường ra. Và bàn gỡ 2-2 ấy còn giúp bản thân Klose đã đi vào ngôi nhà của những huyền thoại World Cup với cả thảy 15 bàn sau các kỳ hội mình góp mặt (ngoại trừ Klose và "người ngoài hành tinh" Ronaldo, hiện không còn ai chạm tới kỷ lục này).

3. Chỉ trong một đêm World Cup, một khoảng thời gian rất ngắn, người xem bóng đá đã được chứng kiến hai cái chân, hai kiểu ghi bàn, hai kiểu tạo dấu ấn rất khác nhau. Bạn có thể yêu cái chân mềm mại thiên tài của Messi hơn cái chân rắn rỏi, đầy may mắn của Klose. Người khác có thể yêu cái chân đã làm nên bàn thắng thứ 15 - cột mốc lịch sử của một cầu thủ qua các kỳ World Cup hơn là cái chân đơn thuần chỉ có ý nghĩa trong việc đem lại cho đội nhà 3 điểm.

Người ta có quyền được yêu, và có quyền bảo vệ sự khác biệt cho tình yêu của mình. Nhưng dù thế nào thì bạn cũng phải thừa nhận: Cả hai cái chân đều đẹp, đều xuất sắc, dẫu bằng cách này hay cách khác!

Phan Đăng
.
.
.