Các nhà làm phim quốc tế: Mỗi bộ phim là một sáng tạo

Thứ Năm, 27/11/2014, 10:32
Trong những ngày diễn ra Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (LHPQTHN) 2014, sáng 26/11, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số đạo diễn, diễn viên điện ảnh nổi bật của các nước, để tìm hiểu về những kinh nghiệm của họ trong những bộ phim có mặt tại LHP này. Hy vọng, những vấn đề được trao đổi thẳng thắn tại cuộc gặp mặt này, sẽ ít nhiều giúp ích cho các nhà làm phim, nhà quản lý và cả khán giả Việt Nam trong mong muốn chung về một nền điện ảnh phát triển.

Đoàn làm phim “Người làm quan tài” (PhiliPines):  

+ Bộ phim “Người làm quan tài” rất xúc động, nói về người cha nghèo làm ở xưởng đóng quan tài vô tình giết chết con gái vì dùng nhầm thuốc. Đạo diễn có sử dụng chất liệu từ thực tế cho phim?

Đạo diễn Paul Laxamana: Phim dựa trên 3 câu chuyện có thật mà tôi từng biết: Một người bố không có tiền trả viện phí cho con, thậm chí không có cả tiền để mang xác con về, đến mức, phải đến bệnh viện để cướp xác của con. Một câu chuyện khác mà tôi được chứng kiến là một người bà dùng sai thuốc đã khiến đứa cháu bị chết. Câu chuyện thứ ba tôi đọc trên báo: một số người cuộc sống quá khó khăn, nên phải bán xác người thân cho trường y để làm thí nghiệm.

+ Những xúc cảm của người cha khi đứa con yêu bị chết đã truyền sang khán giả. Cảm giác của anh thế nào khi vào vai người cha trong hoàn cảnh bi thương này?

Diễn viên Allen Dizon: Cô bé đóng con gái tôi trong phim cũng chính là con gái tôi ở ngoài đời. Vì thế, suốt quá trình đóng phim, tôi luôn sống thật với những tình cảm dành cho con và cảm động, nhói đau tim người cha phải chứng kiến con gái chết vì mình. Vì thế, tôi cũng muốn nhắc mọi người phải cẩn trọng khi hành động mọi việc.

+ Ở Philippines đang có dòng phim độc lập phát triển mạnh mẽ. Kinh phí cho các nhà làm phim độc lập được lấy từ những nguồn nào?

Đạo diễn Paul Laxamana: Tìm kinh phí cho phim đã khó, cho phim độc lập còn khó hơn nữa. Philippines cũng có một số LHP độc lập, thường chọn khoảng 10 kịch bản phim để sản xuất và độc lập hoàn toàn, không có sự giúp đỡ của chính phủ.

Đoàn làm phim “Sonata” (Philippines)

+ Thưa ông, các đạo diễn, diễn viên điện ảnh của Philippines chủ yếu đào tạo trong nước hay ở nước ngoài?

Đạo diễn Lore Reyes: Phim của chúng tôi có ảnh hưởng nhiều từ Hollywood, Mỹ. Giai đoạn 1980 là thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Philippines, đa phần những người làm phim được đào tạo tại Ấn Độ. Hiện nhiều nhà làm phim Philippines được  đào tạo ở Ấn Độ, Mỹ, Singapore, nhưng là các lớp ngắn hạn. Với tôi, kinh nghiệm là chính, chứ không chỉ học hành.

+ Khán giả Philippines có quan tâm tới dòng phim độc lập đang nổi lên không?

Diễn viên Cherie Gil: Thị trường dòng phim độc lập còn nhỏ, vì các rạp lớn là của các phim thương mại. Thực tế, Philippines có nhiều LHP độc lập, là dịp để chiếu rộng rãi các phim này và được giới trẻ dần quan tâm. Nhưng giá vé khá đắt so với mặt bằng chung. Ở Philippines, phim chiếu không có doanh thu sẽ bị dừng ngay, nên phim thường chỉ chiếu 2-3 ngày. Đó là khó khăn của dòng phim độc lập.

Các đạo diễn, diễn viên quốc tế giao lưu tại Hà Nội.

Đoàn làm phim “Sắc màu cuộc sống” (Hồng Kông):

+ Bộ phim âm nhạc nhẹ nhàng, nhưng không hề lãng mạn. Có vẻ như phim được gửi gắm nhiều ý tưởng của những người trẻ như các anh chị?

Jonathan Wong (diễn viên, ca sĩ, nhà sản xuất phim): Thông qua sự kết hợp giữa thể loại khoa học viễn tưởng, âm nhạc, vũ điệu, phim miêu tả chặng đường chính của 2 nhân vật chính khi họ thức tỉnh khỏi cỗ máy kiểm soát cằn cỗi “Drone Worl” và nhận ra sắc màu cũng như sức mạnh ẩn chứa trong lòng họ. Trong thế giới mà cảm xúc và suy nghĩ tự do, nghệ thuật bị cấm đoán, liệu chúng ta có dám đứng lên và đấu tranh cho quyền tự do của bản thân hay không? Vì thế, nhân vật đã can đảm đấu tranh cho tự do và sáng tạo.

Celina Jade (diễn viên, ca sĩ): Bộ phim là niềm tin trong cuộc sống, theo đuổi đam mê cho mọi người. Cuộc sống có nhiều sắc màu nhưng không thể bị chi phối mà phải vượt lên.  Phim cũng nói về vấn đề công nghệ đang kiểm soát cuộc sống và làm cho người ta bị chi phối: ăn, đi, chơi cũng bị các thiết bị điện tử chi phối, do đó, con người mất dần sự kết nối với nhau. Trên mạng xã hội, mọi người đưa các bức ảnh về các chuyến du lịch, ăn, chơi, nhưng thực sự thì không có chỗ chia sẻ cảm xúc thực của bản thân, như cuộc sống trước đây. Hy vọng phim chạm sẽ đến trái tim khán giả.

Đoàn làm phim “Hai người phụ nữ” (Nga):

+ Cơ hội đến với các nữ diễn viên ở Nga có nhiều không, thưa chị?

Nữ diễn viên Anna Levanova: Tôi từng làm việc ở Nhà hát với đạo diễn, thiết kế là phụ nữ và cảm thấy thoải mái. Bộ phim này cũng nói về phụ nữ, đạo diễn cũng là phụ nữ. Cơ hội của diễn viên nữ ở Nga phụ thuộc vào khả năng của từng người, để họ được chú ý đến hay không. Đây là vai diễn đầu tiên của tôi và đã đoạt giải thưởng của một số LPH.

Đoàn làm phim “Buổi thử vai cuối cùng” (Ấn Độ):

+ Ông có thể chia sẻ thông điệp chính trong phim?

Đạo diễn Krishan Hooda: Đó là câu chuyện về một diễn viên nỗ lực để kiếm sống và có một vai diễn nên bị ám ảnh trong mọi lúc. Đây là một câu chuyện đen tối về cuộc sống của con người khi bạn không thể phân biệt được đâu là đời và đâu là camera. Ranh giới giữa cuộc sống thật với những gì bạn tưởng tượng cần phải xác định. Nếu bạn vượt quá ranh giới thì sẽ phải gánh hậu quả.

Thanh Hằng (ghi)
.
.
.