Các nhà khoa học Nga hỗ trợ bảo tồn, phục hồi Di sản Văn hoá thế giới Mỹ Sơn

Chủ Nhật, 16/08/2015, 08:49
Mỹ Sơn là trung tâm văn hoá, sinh hoạt tôn giáo của đất nước Champa từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII. Quần thể kiến trúc này được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới vào năm 1999.

Tuy nhiên, trải qua sự mài mòn của thời gian cũng như sự tàn phá của chiến tranh, công trình hiện đã bị xuống cấp khá nhiều. Nhằm bảo tồn, phục dựng quần thể Di sản Văn hoá thế giới này, hiện các nhà khoa học của Liên bang Nga đang tổ chức nghiên cứu, đưa ra những giải pháp nhằm góp phần trả lại chân giá trị cho Di sản Mỹ Sơn.

Để hiểu rõ được nguyên vật liệu, cấu trúc... làm nên quần thể Mỹ Sơn, các nhà khoa học của Liên bang Nga đã tiến hành phân tích cấu trúc và khoáng chất vật liệu xây dựng quần thể Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam); nghiên cứu một số mẫu gạch kết hợp với nhau, một số mảnh điêu khắc trang trí của ngôi đền…

Tiến sỹ Aleksei Pakhnevich, Viện cổ sinh học Moskva cho biết, theo các kết quả nghiên cứu chúng tôi đưa ra được các kết luận sau: Vật liệu xây dựng đền tại Mỹ Sơn có thể khác nhau về nguồn gốc, đặc tính của việc nung; sự nung gạch không đồng đều; trong việc sản xuất gạch có trộn lẫn cát và các mẫu thực vật; từ các dữ liệu của phương pháp hiển vi điện tử và hiển vi quang học, quang phổ hồng ngoại và nhiễu xạ tia X, gạch nhiệt độ nung thấp, trong khoảng 200-500 độ C; đất sét được dùng như là nguồn nguyên liệu ban đầu cho sản xuất gạch, nhưng không được sử dụng để sản xuất các yếu tố xây dựng trong nghiên cứu.

Xuất phát từ sự cần thiết phải bảo vệ các bề mặt gạch từ sự xâm nhập của các sinh vật sống bên trong và sự phá hủy từ bên ngoài, các nhà khoa học Nga đã đề ra một số giải pháp nhằm phục chế và bảo vệ Di sản Mỹ Sơn.

Thư Kỳ
.
.
.