Các lão làng làm báo Tết

Thứ Ba, 31/01/2006, 07:06

Nếu như làng báo phía Nam có Trần Bạch Đằng, Sơn Nam... tuổi cao mà sức viết vẫn khỏe, thì ngoài Bắc không mấy ai không biết đến những cây bút U80 như Tạ Hữu Yên, Bùi Đình Nguyên, Băng Sơn, Lê Bầu rồi Vũ Bão, những người già mà sức viết không chịu già. Nhiều anh em trẻ nhìn lượng bài các cụ cho ra lò hàng tuần, hàng tháng mà lắc đầu lè lưỡi. Đúng là chịu các bố. Ngay cái chuyện làm báo tết của các cụ cũng mỗi người mỗi kiểu, nhưng đều giống nhau ở chỗ không ai xuất hiện chỉ ở một hai tờ báo x

Nhà thơ Tạ Hữu Yên, một Đại tá quân đội đã nghỉ hưu, thường xuyên cộng tác với chừng hai chục tờ báo, từ Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Văn nghệ, đến Công lý, Hà Nội mới... Ông viết về đề tài quân đội, kỷ niệm đồng đội, về các vùng đất, phong tục tập quán, những tấm gương trong lịch sử, cảm nghĩ, cảm nhận, tản văn và đương nhiên là rất nhiều thơ. Ông còn là người hay làm câu đối với các bút danh Tạ Hữu, Đông Xuân.

Về tiến độ làm bài tết, ông bắt đầu từ tháng10. Nhưng với thơ thì bất kể. Có bài ông làm ngay từ cảm hứng mùa xuân, rồi cuối năm mới gửi cho các báo. Cách làm của ông là chọn đề tài phù hợp với từng báo mà ông cộng tác thường xuyên để viết bài, làm câu đối, hay chọn thơ phù hợp để gửi đăng. Vì thế mà báo nào cần là có bài ngay. Ông nói nhỏ với tôi rằng tết năm ngoái ông cũng được chừng 8 triệu nhuận bút, năm nay thì ông chắc là… nhiều hơn.

Nhà báo, Đại tá Bùi Đình Nguyên thì mặc dù đã bước sang tuổi 73, nhưng chưa thực sự về hưu. Sau khi nghỉ làm việc ở tờ Cựu Chiến binh, ông về làm phóng viên đặc biệt cho một tờ báo rất trẻ trung là tờ Thể thao Việt Nam. Ông còn là cộng tác viên ruột của hàng chục tờ báo. Trong số các phóng viên nghị trường, theo dõi hoạt động của Quốc hội, Bùi Đình Nguyên là người cao tuổi nhất, nhưng có lẽ cũng là người chăm chỉ, hăng say nhất. Năm 2005, ông đã có những loạt bài kỷ niêm 30 năm ngày giải phóng miền Nam mang tựa đề “Đỉnh cao thắng lợi huy hoàng” dài tới 15 kỳ, loạt bài “Người thảo lệnh đầu hàng cho Dương Văn Minh - Đại tá Bùi Văn Tùng” 4 kỳ... được bạn đọc chú ý.

Nhà báo Bùi Đình Nguyên.

Tết là dịp ông tung hoành ngang dọc. Ông chuẩn bị trước tết hai tháng, lựa đề tài rồi trao đổi với các báo. Tết năm ngoái ông có bài phỏng vấn bốn vị lãnh đạo cao nhất nước, ông gọi là “tứ trụ triều đình”, đề tài không mấy ai làm được. Hỏi đề tài tết năm nay thì ông cười và bật mí: “Tết năm Tuất này tôi có bài rất “độc” gửi Báo Công an nhân dân là “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với mặt trận Nha Trang năm Bính Tuất - 1946”. Rất hay. Hoặc như bài viết về một người lính Mỹ, cùng đơn vị với Fed - người giữ Nhật ký Đặng Thùy Trâm, đã giữ lá cờ Đảng thu được từ một liệt sĩ của ta suốt 30 năm qua. Chuyện rất cảm động và ly kỳ...”. Ngoài ra ông có nhiều bài về kinh tế, chính trị, xã hội ở tầm vĩ mô, sở trường của ông. Năm nay, ông cũng sẽ có bài ở chừng gần hai chục tờ báo.

Nhà văn Lê Bầu thì lại cộng tác với các báo ở mảng  truyện ngắn, bài báo hấp dẫn dịch từ báo chí Trung Quốc. Ông có vốn Trung văn đáng nể. Ông cộng tác thường xuyên  và thường có bài tết trên các báo Văn nghệ,  Sức khỏe và Đời sống, Tuổi trẻ cười, Đường sắt Việt Nam, Kiến thức ngày nay, rồi cả các báo địa phương như Sông Thương, Bắc Giang... Công việc bận rộn nhưng lúc nào ông cũng cười sảng khoái, như không có gì có thể khiến ông buồn phiền được. Ông làm bài tết quanh năm, cứ cần mẫn đọc và dịch. Thấy cái nào đặc sắc, phù hợp với tết thì ông để dành, và “Tết đến là tung ra, vì tết vội lắm, không làm kịp được”. Ông nói và lại cười ha hả. Nhuận bút  thì ông không cộng xem tết năm ngoái được bao nhiêu, nhưng ông nhớ nhất là “anh” Tuổi trẻ cười, hai cái truyện mini của ông được trả đến 1,5 triệu đồng. Nhưng các báo địa phương, nhuận bút có thấp thì ông vẫn viết, “viết vì tình vì nghĩa ”. Năm nay Lê Bầu tâm đắc nhất là một truyện ngắn kể về một chàng trai công tác ở thành phố cần thuê một cô gái, giả làm vợ, đưa về quê ăn tết cho bố mẹ yên lòng. Ba ngày tết, cô gái anh thuê đã được “bà mẹ chồng và gia đình nhà chồng” hết mực yêu quý và khen ngợi... Thực ra cô vốn là một cave. Sau cái tết đáng nhớ ấy, chàng trai đi tìm cô gái thì thấy cô đã chuyển nghề. Nghe đâu cô đã mở một quầy bán sách báo... “Truyện rất vui và ấm áp tình người. Tết lắm”- Lê Bầu nói và lại cười ha hả.--PageBreak--

Nhà văn Vũ Bão, bạn thân của nhà văn Lê Bầu, nhưng lại thâm trầm, kín đáo, khác hẳn ông bạn đồng niên. Ông chả cười to bao giờ. Ông bảo tôi: “Thực ra tớ viết không nhiều bài tết lắm đâu. Nhưng vì truyện của tớ được bạn đọc nhớ, nên ai cũng bảo mình viết nhiều bài tết”.

Truyện của Vũ Bão mang rõ nét hơi thở cuộc sống, những vấn đề người đọc đang quan tâm, nhất là chống tham nhũng hiện nay. Đọc truyện của Vũ Bão, ta thấy một ông quan chức nọ giả vờ thanh liêm trả lại quà tết, nhưng rồi ông ta lại nhận ở cửa sau; có truyện kể về mẹo của một tay muốn tranh cử chiếc ghế cao hơn nên giả vờ niêm phong toàn bộ quà tết để nộp cấp trên. Bóc ra thì phong bì nào cũng chỉ có thiếp chúc tết, chả có tiền bạc gì. Thực ra hắn nhận bằng cách khác rồi. Thật là kín đáo, mà vẫn giữ được cái vỏ liêm khiết...

Vũ Bão có “mẹo” làm báo tết riêng. Ông nhẩn nha viết quanh năm, nhưng đọc kỹ thì hầu như các truyện ấy đều có... hơi hướng tết. Vì số tết nhuận bút cao hơn số thường, trung bình cũng cao gấp đôi, nên ông thích đăng vào dịp tết. Một hai năm sau, ông sửa sang lại và in thành tập. Thế là ông có hai lần nhuận bút. Tuy thế, cái thích nhất của báo tết, theo Vũ Bão là được nói ra những suy nghĩ, trăn trở của mình, mà ngày thường khó nói. Mới đây, nhà văn 75 tuổi này cũng xuất bản một tuyển tập truyện ngắn dày 250 trang và ông đang tập trung công sức để hoàn thành cuốn tiểu thuyết “UTOPI- Đường đến thiên đàng”, chừng 300 trang đánh máy.

Nhà văn Băng Sơn.

Năm nay, người hay viết về thú “ăn chơi”- nhà văn Băng Sơn, phải nằm viện tới 5 tháng. Ông bị pakinson và cao huyết áp. Nằm bệnh viện dài quá, sốt ruột, ông nhớ giấy, nhớ bút và nhớ tết nữa, vì thế, mặc dù mỗi ngày chỉ làm một ít, ông cũng hoàn thành một tùy bút “Hồn chó”dài tới 8 trang. Năm mới là năm Bính Tuất, ông viết về con chó với mọi khía cạnh, từ chuyện con chó trong đời sống, đến trong dân ca, ca dao, trong văn học, rồi chó rừng, chó nhà, tình nghĩa của con chó ra sao... Đây là đề tài mà nhà văn Băng Sơn tha hồ tung tẩy, đưa ra những nhận xét sắc sảo, hiểu biết kỹ lưỡng của ông về con vật thuộc loại gần gũi nhất với con người  này.

Nhưng nhà văn Băng Sơn tâm sự, bài ông thích nhất tết này là bài “Thạch Lam với Hà Nội và Cẩm Giàng”. Thạch Lam là một nhà văn Hà Nội lịch lãm, để lại cho đời những tác phẩm ghi lại một dấu ấn đặc biệt. Ông sống ở Hà Nội, học hành, viết văn... ở Hà Nội nhưng ông sinh ra và lớn lên ở Cẩm Giàng. Cả hai nơi, ông đều có những kỷ niệm. Tết này, được viết về Thạch Lam, nhà văn đồng châu, đồng quận với mình nên Băng Sơn thấy sướng.

Vì ốm, sức khỏe không cho phép, nên ông viết ít. Năm nay ông chỉ viết  cho hơn 20 tờ, còn năm ngoái ông viết đến gần 100 bài cho 50 tờ báo. Viết ít hơn, nhưng với con số như thế, Băng Sơn vẫn thuộc tốp đầu. Hơn nữa, năm nay ông có niềm vui là có ba cuốn được tái bản, trong đó cuốn “Thú ăn chơi của người Hà Nội”, dày gần nghìn trang, được in lần thứ sáu.

Ông bồi hồi nhớ đến những tết xưa, mà theo ông những nét đẹp truyền thống ấy đang bị mai một dần. Rõ nhất là ẩm thực. Hay như quần áo, bây giờ ngày thường mặc như ngày tết. Ngày xưa, tết ăn mặc khác hẳn...

Ngồi nghe ông lão đang bước sang tuổi 75 bâng khuâng nhớ lại tết xưa mà thấy ông như trẻ lại. Ánh mắt ông bừng lên. Ngoài kia, mùa xuân đang đến, tiếng chuông nhà thờ Hàm Long ngân nga. Mọi vật đổi thay từng ngày. Thời gian xóa nhòa tất cả, nhưng thời gian cũng khiến cho các trang viết của ông trở nên  quý giá. Bởi những trang viết trẻ trung, mượt mà của ông cho thế hệ sau biết về tết, về ăn, về mặc, về cuộc sống của các thế hệ cha anh họ...

*

*       *

Cả năm nhà văn, nhà báo đều cao tuổi, nhưng sức viết, sức nghĩ của họ thật trẻ trung, mạnh mẽ. Cái gì tạo cho họ sức làm việc như thế nhỉ? Có nhiều cách giải thích, nhưng tôi chợt nghĩ đến một vế câu đối Tết thường dán trước hiên nhà: Tích thụ phát kim hoa - Cây cổ thụ trổ hoa, và nghĩ thầm các cụ như cây cổ thụ, đã tích lũy chắt chiu vốn sống, vốn chữ cả một cuộc đời, chỉ cần thấy gió xuân là bật ra những chồi, những nụ thôi.

Tất cả có lẽ là do sức quyến rũ của Mùa Xuân...

Nguyễn Phan Khiêm
.
.
.