Các giải thưởng văn học Pháp 2009

Chủ Nhật, 15/11/2009, 15:30
Pháp là nước có rất nhiều giải thưởng văn học, tới hơn 400. Điều này ai cũng biết. Các giải thưởng văn học của Pháp đa dạng, mỗi cái dành cho một loại sách và không phải giải thưởng nào cũng dính dáng đến văn học.

Có những giải thưởng chỉ do nhờ vận động hậu trường mà có và vì thế, lắm khi, chỉ có tác dụng gây nên những vụ tai tiếng không mấy văn chương. Nhưng những giải thưởng có uy tín cao nhiều thế kỷ như Goncourt hay Renaudot và Miedicis thì mặc dù giá trị thành tiền không nhiều, thậm chí rất ít, nhưng luôn được coi trọng về uy tín vì đây là giải thưởng có thâm niên cao nhất.

Cách bình chọn giải thưởng Goncourt này khá độc đáo. Vào ngày kỷ niệm kết thúc thế chiến thứ hai, ban giám khảo của giải Goncourt họp mặt nhau tại nhà hàng Drouant và bỏ phiếu bằng cách ghi tên nhà văn và tác phẩm mình chọn vào tờ thực đơn. Đôi khi, để tìm ra một người trúng giải xứng đáng, họ phải tiến hành thủ tục bỏ phiếu này đến vài ba lần. Và đúng 13h,  khi cả nước Pháp ngồi vào bàn ăn trưa, thì tên họ nhà văn trúng giải được công bố trong các chương trình tin tức... Nói chung, người Pháp thường dựa theo các giải thưởng để chọn sách mang về nhà. Và họ đã không lầm mặc dù lắm khi những tác phẩm được trao giải không hẳn đã đúng với kỳ vọng của họ.

Năm nay, giải Goncourt đã được trao cho một phụ nữ. Đó là nhà văn Pháp gốc Senegal, 42 tuổi, Marie Ndiaye với cuốn tiểu thuyết "Ba người đàn bà mạnh" (Trois Femmes Puissantes). Đây là lần đầu tiên trong 10 năm nay một nữ văn sĩ được nhận giải thưởng này và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một phụ nữ da đen được nhận giải Goncourt.

Marie Ndiaye.

Tiểu thuyết "Ba người đàn bà mạnh" đã được giới phê bình văn học đón nhận hào hứng và đã trở thành sách best-seller. Cuốn sách bao gồm ba phần và kể về các mối quan hệ tương hỗ giữa người châu Phi và người Tây Âu. Trong phần đầu kể về việc một phụ nữ Pháp sang Senegal để tìm lại cha mình. Phần hai - kể về cuộc sống của một cặp vợ chồng Pháp - Senegal. Phần ba - kể về số phận của một cô gái trẻ người Senegal bị bắt buộc phải di cư sang châu Âu…

Trò chuyện với báo chí, nữ văn sĩ Marie Ndiaye nhấn mạnh rằng chị không coi mình như một "biểu tượng" và không thấy có gì lạ trong việc chị là người da đen đầu tiên được nhận giải Goncourt. "Tôi lớn lên ở một xã hội toàn là những người Pháp. Gốc gác Phi châu của tôi không có nghĩa gì nhiều, người ta chỉ biết về nó qua màu da và tên họ của  tôi thôi" - nữ văn sĩ nói. Marie Ndiaye đã in tiểu thuyết đầu tay từ năm 17 tuổi và từ đó tới nay đã trở thành một nữ văn sĩ và một nữ tác giả kịch bản được biết tới khá rộng rãi ở Pháp. Chị là kịch tác gia duy nhất còn sống ở Pháp có tác phẩm được dàn dựng ở thánh đường nghệ thuật Comédie Francaise, nhà hát duy nhất được trợ cấp của chính phủ.

Giải thưởng văn học danh giá khác ở Pháp là giải Renaudot, được coi vừa là đối thủ cạnh tranh vừa là sự bổ sung biện chứng cho giải Goncourt và cũng được trao vào cùng thời điểm và cùng nơi với giải Goncourt (tại nhà hàng Drouant). Ban giám khảo giải Renaudot đã chọn trước cho mình cả nhân vật dự bị để phòng trường hợp nếu người đầu tiên được họ chọn trùng với sự chọn lựa của ban giám khảo giải Goncourt.

Năm nay, người được nhận giải Renaudot là nhà văn Frederic Beigbeder. Tác phẩm mang lại vinh dự lớn cho Frederic Beigbeder là cuốn sách mang tính tự truyện "Tiểu thuyết Pháp" do nhà xuất bản Grasset ấn hành. Nhà văn Beigbeder sinh ngày 21/9/1965 ở thành phố Neuilly sur Seine gần Paris

Mẹ anh, dịch giả Christine de Chasteigner, chuyên về chuyển ngữ các tiểu thuyết phụ nữ sang tiếng Pháp, trong đó có các cuốn sách của nữ văn sĩ Anh rất ăn khách Barbara Catland. Cha anh là một chuyên viên nhân sự, còn anh trai của nhà văn, Charles Beigbeder (sinh năm 1964) là người sáng lập công ty môi giới chứng khoán Selftrade và mạng lưới điện tư nhân đầu tiên ở Pháp Poweo.

Một thành phần gia đình không thông thường như thế đã không thể không tác động lên nếp sống của nhà văn, khiến Frederic Beigbeder ngay từ thuở nhỏ đã hay có tính thích khiêu khích xung quanh và cũng rất biết tự phê phán mình.

Trước khi trở thành người viết văn chuyên nghiệp, Frederic Beigbeder từng tốt nghiệp Viện Nghiên cứu chính trị Paris rồi được nhận bằng cao học DESS trong lĩnh vực quảng cáo và marketing tại Trường cao cấp truyền thông CELSA… Sau đó, Frederic Beigbeder vào làm việc tại hãng quảng cáo lớn Young and Rubicam, đồng thời cộng tác trong lĩnh vực phê bình văn học với các tạp chí Elle, Paris Match, Voici ou encore VSD.

Anh cũng sớm tham gia nhóm phê bình văn học trong chương trình radio "Mặt nạ và ngòi bút" của Jérôme Garcin trên đài France Inter. Sau khi tiểu thuyết "99 quan" (sau này tái bản được chuyển tên thành "14,99 euro") của Frederic Beigbeder được xuất bản và trở thành tiểu thuyết ăn khách hàng đầu ở Pháp, anh đã rời bỏ Young and Rubicam vì trong sách của mình, anh đã bóc trần bộ mặt thật và giễu cợt quá sâu cay thế giới quảng cáo.

Rồi anh trở thành người dẫn chương trình riêng về văn học "Sách và tôi" trên kênh Paris Première". Anh cũng đã có ý định làm chương trình L'Hypershow trên kênh Canal+, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì chương trình này đã bị đóng lại.

Frederic Beigbeder từng là cố vấn miễn phí cho ứng cử viên của đảng Cộng sản Pháp Robert Hue trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống năm 2002, dù bản thân anh không phải là đảng viên Cộng sản. Tháng 1/2003, tập đoàn xuất bản Flammarion đã mời Frederic Beigbeder làm biên tập viên. Cuốn sách đầu tiên mà anh chọn để in là tác phẩm của Lola Lafon "Sự bừng tỉnh không gì cưỡng lại nổi". Giai đoạn này cũng là khi anh tham gia phong trào chống toàn cầu hóa…

Trong sáng tác, Frederic Beigbeder thích những cốt truyện li kỳ với những nhân vật giống như chính anh. Khi biết mình được trao giải Renaudot năm nay, Frederic Beigbeder  tuyên bố rằng, anh hạnh phúc vì được nhận giải thưởng mà trước đây đã từng trao cho những nhà văn như Louis - Ferdinand Céline và Georges Perec…

Trong số những giải thưởng văn học hàng đầu của Pháp còn có giải Medicis. Giải Medicis được lập ra năm 1958 và được trao cho những nhà văn mà "tài năng cao hơn sự nổi tiếng". Giải thưởng này được trao kèm số tiền là 30 nghìn euro. Năm nay giải Medicis trong chuyên mục chính "Tiểu thuyết Pháp" được trao cho  nhà văn Canada, Dany Laferrièri với tiểu thuyết "Bí ẩn của sự trở về" (L'Enigme du retour).

Dany Laferrièri.

Tiểu thuyết này là tác phẩm thứ 11 của nhà văn, kể lại câu chuyện trở về cố quốc sau khi cha chết của một người Canada gốc Haiti (như chính bản thân Dany Laferrièri vậy). Như nhà văn, người đã sang Canada từ năm 1978, tâm sự, cuốn tiểu thuyết này mang tính tự thuật cao và một trong những chủ đề chính của nó là chuyện tha hương.

Trong chuyên mục "Tiểu thuyết nước ngoài hay nhất" của giải Medicis, chiến thắng đã thuộc về nhà văn Mỹ Dave Eggers với tác phẩm "Cái gì là cái gì: tự thuật của Valentino Achak Deng" (What Is the What: The Autobiography of Valentino Achak Deng). Người giành được chiến thắng trong chuyên mục tiểu luận là  Alain Ferry với cuốn sách  "Hồi ức  về nàng Emma hóa dại" (Memoire d'un fou d'Emma).

Ngày 9/11 tại Paris đã diễn ra lễ trao giải thưởng văn học Femina. Người được nhận giải thưởng này năm nay là nữ văn sĩ Pháp 38 tuổi Gwenaelle Aubry với tiểu thuyết "Không ai cả". Cuốn sách này viết về một người bị bệnh tâm thần mà nguyên mẫu chính là cha của nữ văn sĩ. Sau khi cha qua đời, Gwenaelle Aubry đã phát hiện ra tập bản thảo mà cha chị đã viết để mô tả lại căn bệnh gây ra rất nhiều đau đớn. Trên cơ sở tập bản thảo đó và những ký ức về người cha mà nữ văn sĩ đã viết nên tác phẩm "Không ai cả". 7 trong số 12 thành viên bản giám khảo đã bỏ phiếu bầu cho Gwenaelle Aubry.

Giải Femina được lập ra năm 1904, và được coi là "ngang tầm" với giải Goncourt nhìn từ góc độ phụ nữ. Thành phần ban giám khảo giải chỉ toàn phụ nữ nhưng người được trao giải có thể là nam giới - thí dụ như năm 2008, nhà văn Jean-Louis Foumier đã được trao giải thưởng Femina

Trần Thu Thủy
.
.
.