Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Nhớ về những thước phim lịch sử

Thứ Năm, 30/04/2015, 13:59
Ông là một người đã may mắn được theo đoàn làm phim tài liệu có mặt tại Sài Gòn ngày 30/4/1975. Đó là một ngày trọng đại của cả dân tộc và cũng là ngày trọng đại với chính cuộc đời ông, những thước phim đầu tiên quay ở Dinh Độc Lập sau này đã mang lại cho ông một giải thưởng đầu tiên trong điện ảnh, là một dấu mốc để có đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh sau này.

- Thưa đạo diễn Đặng Nhật Minh, ông là một người đã có mặt ngay trong những ngày chiến thắng vẻ vang của dân tộc 30/4/1975. Có điều gì đặc biệt ông có thể chia sẻ về  những ngày tháng trọng đại ấy?

- Đêm 30/4/1975 tôi nằm một mình trong Lễ đường ở tầng 1 của Dinh Độc Lập, lòng bàng hoàng như trong giấc mơ. Thậm chí tôi không hiểu nổi tại sao tôi lại đang có mặt ở đây, vào giờ khắc lịch sử này. Đêm ấy tôi không sao chợp mắt được. Sáng 1/5/1975, Ban Quân quản chính thức tiếp quản Dinh Độc Lập.

Từ Dinh Độc Lập chúng tôi chuyển đến ở tại khách sạn Caravelle. Đêm đó trên lầu 9 của khách sạn, chúng tôi đã gặp nhiều phóng viên nước ngoài đang có mặt tại Sài Gòn. Sau giây phút ngạc nhiên trước sự có mặt của chúng tôi, một vài người lân la đến chuyện trò. Người đầu tiên làm quen với chúng tôi là phóng viên của Hãng thông tấn Pháp AFP. Ông cho biết tất cả các phóng viên hiện diện tại đây đều có mặt tại Dinh Độc Lập sáng ngày 30 tháng 4. Một người nào đó rỉ tai tôi cho biết người phóng viên đã quay được cảnh chiếc xe tăng húc đổ Dinh Độc Lập cũng đang có mặt ở trong khách sạn này…

Hôm sau, chúng tôi trở lại Dinh Độc Lập để ghi lại sự kiện trả tự do các thành viên nội các Dương Văn Minh. Buổi lễ đơn giản, gọn nhẹ. Ông Dương Văn Minh nói vài lời ngắn gọn (lặp lại ý vua Bảo Đại đã từng nói trong lễ thoái vị ở Huế năm 1945: vinh dự được làm công dân một nước Việt Nam độc lập). Sau đó họ ra về trên những chiếc xe ôtô của gia đình đến đón. Tôi đứng nhìn đoàn xe con sang trọng nối đuôi nhau ra cổng Dinh, lòng bồi hồi bao câu hỏi…

Sau đó, chúng tôi vác máy quay ra đường, quay bất cứ những gì muốn quay trong nhiều ngày liền. Sau 3 tháng, đoàn chúng tôi trở ra Hà Nội. Bộ phim tài liệu “Tháng 5 - những gương mặt” của tôi đã ra đời sau chuyến đi ấy. Hai năm sau tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI tổ chức vào năm 1977 tại TP HCM, bộ phim này đoạt Giải Bông Sen Bạc. Đó là giải thưởng đầu tiên của tôi trong điện ảnh.

NSND Đặng Nhật Minh .

- Ông là một đạo diễn thành công với đề tài về phim chiến tranh cách mạng. Đặc biệt tôi ấn tượng với phim Đừng đốt. Ông có thể chia sẻ đôi nét về sự gặp gỡ đầy “duyên nợ” để làm nên tác phẩm điện ảnh này?

- Cuối năm 2005 cả nước như lên cơn sốt về cuốn nhật ký của nữ bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm vừa mới được phát hiện. Đọc cuốn nhật ký, tôi vô cùng thương xót và ngưỡng mộ tác giả. Một tâm hồn đa cảm, mong manh dễ vỡ như vậy mà bị ném vào cuộc chiến tàn khốc. Chị đã viết: “Ở đây cái chết dễ hơn ăn một bữa cơm”. Có lẽ không có lời nào có thể diễn tả hết sự khốc liệt của mảnh đất nơi chị sống bằng dòng chữ này… 

Một hôm tôi đến thăm dì tôi, bác sỹ quân y Nguyễn Ngọc Toản. Dì tôi vừa đọc xong cuốn nhật ký và ngỏ ý muốn nhờ tôi tìm địa chỉ của gia đình bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm ở Hà Nội để đến thăm. Qua mối quan hệ với một nhà báo, tôi tìm được địa chỉ và đưa dì tôi đến thăm gia đình nữ bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Đó là căn hộ nằm trong một con ngõ nhỏ ở phố Đội Cấn. Cùng là người Huế nên bà Doãn Ngọc Trâm đón tiếp chúng tôi rất ân cần. Tiếp chúng tôi hôm đó còn có cô em gái của liệt sĩ là Đặng Kim Trâm. Trong câu chuyện Kim Trâm chợt nói: “Anh Minh mà làm phim theo cuốn nhật ký của chị em thì tốt quá!”. Quả thật lúc đó tôi chưa hề có ý định làm phim theo cuốn nhật ký. Nó cảm động thật đấy, nhưng tôi thấy rất khó để đưa lên phim. 

Về nhà tôi tìm đọc những câu chuyện kể của người cựu binh Mỹ xung quanh số phận của cuốn nhật ký này. Tôi đặc biệt chú ý đến chi tiết viên trung sỹ quân đội Sài Gòn nói với Fred Whitehurst khi đưa cuốn nhật ký: “Fred! Đừng đốt! Trong này đã có lửa!”. Tôi mơ hồ nhận ra trong câu chuyện  này có cái gì đó, vượt cả ra ngoài phạm vi của bản thân cuốn nhật ký.

Ý nghĩ đó càng được củng cố thêm sau khi tôi gặp Fred tại North Corolina vào tháng 5 năm 2008. Lần đó tôi chỉ hỏi Fred một câu: Anh đã đọc cuốn nhật ký nhiều lần. Vậy điều gì ấn tượng nhất đối với anh? Không cần phải suy nghĩ lâu, Fred đọc bằng tiếng Việt hai câu thơ trong cuốn nhật ký mà anh đã thuộc làu: “Và ai có biết chăng ai/ Tình thương đã chắp cánh dài cho ta…”. Thì ra cái mà người con gái ở bên kia chiến tuyến đã chinh phục tâm hồn người cựu binh Mỹ bấy lâu nay chính là tình thương yêu con người, thương yêu đồng đội, những tình cảm nhớ nhung tha thiết dành cho những người thân. Trở về Hà Nội, tôi bắt tay vào viết kịch bản phim với cái tên đặt ngay từ đầu là Đừng đốt! Trong này đã có lửa (về sau chỉ còn lại Đừng đốt).

Một cảnh trong phim “Đừng đốt”.

- Với “Đừng đốt” ông muốn đưa lại thông điệp gì, thưa đạo diễn?

- Thành công của bộ phim ngoài cả tưởng tượng của chúng tôi. Ngay từ khi bắt tay vào chọn bối cảnh, chúng tôi đã gặp rất nhiều thuận lợi. Địa phương đầu tiên chúng tôi đến là Đức Phổ, Quảng Ngãi, nơi có bệnh xá của nữ bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Bệnh xá được phục chế đúng như ngày xưa, toàn tranh tre nứa lá và hầm ếch. Đi tiếp chừng nửa tiếng nữa chúng tôi đến nơi bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã hy sinh. Nơi đó bây giờ là một cái hố nông phủ đầy lá rừng với những viên đá hộc được xếp xung quanh. Tôi thắp hương xin chị phù hộ việc làm phim được thuận lợi. Có lẽ lời cầu xin đó đã thấu được tới chị chăng nên suốt những ngày làm phim sau này chúng tôi gặp từ may mắn này đến may mắn khác. Sau những ngày đi chọn cảnh từ Nam chí Bắc, chúng tôi thấy rằng trong phim này tất cả các bối cảnh đều phải dựng lại, không cái gì có sẵn và đây là một công việc nặng nề nhất của những người làm phim; ngoài ra một phần ba phim phải quay trên đất Mỹ.

Thành công lớn nhất có lẽ là việc tìm được diễn viên vào vai Đặng Thuỳ Trâm. Đó là Minh Hương, biên tập viên của Đài truyền hình kỹ thuật số. Tháng 4 năm 2008, phim bắt đầu bấm những thước đầu tiên ở Việt Nam. Cảnh quay đầu tiên lại là cảnh cuối phim: Đặng Thuỳ Trâm một mình đạp xe đi trên con đường vắng. Con đường ấy là con đường nhựa từ Nội Bài lên Vĩnh Phú. Ngồi bên monitor nhìn vào màn hình toàn cảnh người con gái mặc áo sơ mi trắng, tóc xoã sau lưng đạp xe đi hút về phía chiều sâu, tôi thấy gai gai trong nguời. Trong điện ảnh đôi khi một cảnh đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại làm người xem xúc động hơn cả những cảnh bầy biện phức tạp, đông người. Cảnh quay đó sau này là một cảnh kết phim hết sức ấn tượng.

Đúng ngày 30/4/2009 phim được chiếu ra mắt tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Nhiều người xem đã không cầm được nước mắt. Họ không chỉ là những người đứng tuổi, cùng một thế hệ với nữ bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm, mà cả những người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên trong hoà bình. Phim đã được chiếu ở nhiều nước trên thế giới và tháng 9/2010 phim Đừng đốt đoạt “Giải Khán Giả” tại Liên hoan phim quốc tế Fukuoka Nhật Bản (giải duy nhất). Tháng 12/2010, Đừng đốt nhận giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 16 cùng giải Biên kịch xuất sắc, Giải Báo chí bình chọn.

Tháng 3/2011, phim được tặng Giải Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam cùng các Giải Đạo diễn, Hoạ sỹ thiết kế, Âm thanh và Giải diễn viên nữ xuất sắc cho diễn viên Minh Hương… Tôi nghĩ rằng, thành công của bộ phim là do nó  đã nói lên được khát vọng hòa bình, về tình cảm của con  người  vượt lên những mất mát đau thương của chiến tranh…

- Xin cảm ơn đạo diễn Đặng Nhật Minh!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.