Văn học đề tài ‘Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống’ 70 năm qua:

Vẻ đẹp người chiến sĩ CAND trong tác phẩm văn học “Vì ANTQ và bình yên cuộc sống”

Thứ Năm, 20/08/2015, 09:47
Trong các trang viết, hình ảnh những người đang giữ bình yên cho cuộc sống hiện lên vừa đáng tin cậy vừa rất gần gũi. Vẻ đẹp người chiến sĩ Công an trong những trang sách đã tiếp cận với vẻ đẹp của những hình tượng nghệ thuật mang tính khái quát, tính biểu tượng cao.

Trong 70 năm qua, văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc (ANTQ) và bình yên cuộc sống” luôn là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều tác giả và cũng nhận được sự quan tâm của bạn đọc các thế hệ. Dòng văn học đề tài này đã hình thành và phát triển trong lòng nền văn học cách mạng Việt Nam, từng bước để lại những dấu ấn đậm nét, tạo lập được vị trí xứng đáng và đóng góp đáng kể cho sự nghiệp bảo vệ ANTQ.

Không ít nhà văn đã tạo được dấu ấn với những tác phẩm ở đề tài này như Hữu Mai, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng, Hồ Phương, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Xuân Thủy, Chu Thanh Hương, Di Li, Phạm Thanh Khương, Bạch Vân Lê Nguyên vv… Nhiều nhà văn cũng đã thành danh từ dòng văn học này: Lê Tri Kỷ, Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Nguyễn Như Phong, Trần Diễn, Tôn Ái Nhân  vv... 

Có những cuốn sách mà mỗi khi nhắc về đề tài này, không thể không nói đến, như “Ông cố vấn” (Hữu Mai), “Sao đen” (Triệu Huấn), “X.30 phá lưới” (Đặng Thanh), “Điệp viên giữa sa mạc lửa” (Nhị Hồ), “Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot DInville” (Văn Phan), “Ông tướng tình báo với 2 bà vợ” (Nguyễn Trần Thiết), “Bên kia cổng trời” (Ngôn Vĩnh), “Đội Công an số 6” (Văn Phan) vv… Giai đoạn sau này là các tác phẩm “Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo”, “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời” (Nguyễn Thị Ngọc Hải), “San Cha Chải” (Ma Văn Kháng), “Yêu tinh” (Hồ Phương), “Hoa bay” (Chu Thanh Hương), “Sát thủ gameonline” (Nguyễn Xuân Thủy) vv… Nhiều tác phẩm văn học đã được chuyển thể thành phim truyền hình, điện ảnh, sân khấu, tạo nên sức lan tỏa của văn học ở đề tài này.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Trần Đại Quang trao thưởng cho các nhà văn xuất sắc viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” trong 70 năm qua. Ảnh: Thiện Hoàng.

Được coi là mảnh đất màu mỡ, nhiều tiềm năng, mảng đề tài “Vì ANTQ và bình yên cuộc sống” luôn thu hút các cây bút trong và ngoài lực lượng Công an suốt 7 thập kỷ qua. Bằng trải nghiệm, bằng phông văn hoá và tri thức, các cây bút dần khẳng định tính hấp dẫn mãnh liệt ở đề tài này, với việc khám phá nguồn tư liệu đồ sộ của thực tế. Họ chính là những người mở rộng cánh cửa tư liệu để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn, hiểu biết chân thực hơn về những chiến công cùng sự hi sinh thầm lặng mà vĩ đại của các thế hệ chiến sĩ Công an trong lịch sử 70 năm qua. Thông qua những câu chuyện đầy sức thuyết phục, các tác giả đã đi sâu, lý giải các vấn đề nổi bật, được dư luận quan tâm, hoặc nghệ thuật hoá những sự thật lịch sử, nâng tầm giá trị những sự kiện, nhân vật lịch sử, vừa để tri ân với quá khứ, vừa để động viên đồng đội tiếp bước cha anh. Khi những câu chuyện có thật được văn chương soi rọi, người đọc có cái nhìn đầy đủ hơn trước những vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc. Đặc biệt, với sự tìm hiểu, nhập cuộc và lao động nghệ thuật nghiêm túc của các nhà văn, cuộc đời và sự nghiệp của nhiều huyền thoại tình báo được tái hiện qua những trang sách, khiến những người trong cuộc thấy rõ sự hy sinh thầm lặng cho dân tộc không bị bỏ quên.

Với sự mới mẻ của dòng văn học đề tài “Vì ANTQ và bình yên cuộc sống”, viết là một cuộc tìm kiếm của người cầm bút. Đề tài này không phải biệt lập, nhưng là những người cùng nếm trải đắng cay mặn ngọt với đồng đội, các nhà văn Công an có ưu thế hơn, để phản ánh những thân phận con người trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh luôn khốc liệt. Trong hành trình sáng tạo đó, mỗi người đã tìm ra cách đi cho riêng mình. Nhà văn Lê Tri Kỷ tài hoa, phóng khoáng và nhiều khuynh hướng, đa dạng phong cách trong các tác phẩm và đậm đặc nhất, làm nên sức thuyết phục nhất ở ông, chính là tính nhân văn. Là người đi tiên phong trong mảng văn học đề tài “Vì ANTQ và bình yên cuộc sống”, nhà văn Lê Tri Kỷ đã tạo dựng được dấu ấn sừng sững chính bởi tấm lòng yêu thương luôn trải rộng trong từng trang văn và thấm sâu trong từng con chữ. Ở nhà văn Văn Phan, các tác phẩm lại luôn hàm súc, chặt chẽ. Với nhà văn Ngôn Vĩnh, đề tài chỉ là cái cớ, cái mà ông khai thác chính là số phận con người, tính cách con người. Các tác phẩm của nhà văn Tôn Ái Nhân quyết liệt mà mềm mại, luôn tạo được dư ba. Với Phùng Thiên Tân là sự lịch lãm, sành điệu của một người từng trải trong cuộc sống và cả văn chương. Nhà văn Nguyễn Như Phong luôn để lại ấn tượng sâu sắc, sôi động trong từng trang viết, cùng với sự vạm vỡ, phong phú của tư liệu vốn là thế mạnh của một cây phóng sự nổi tiếng. Nhà văn Chu Thanh Hương cho thấy sức vóc của một cây bút có nội lực lại đầy chất trẻ, chất lãng mạn… 

Trên hành trình viết để giải tỏa tình cảm, suy nghĩ của bản thân, mỗi nhà văn tìm cho mình một phong cách riêng, nhưng cái đích vươn tới đều là khắc họa số phận con người với đầy đủ sự sẻ chia và lòng trắc ẩn. Bởi thế, càng ngày, tính tư liệu càng được “cởi” bớt trong các tác phẩm, thay vào đó là tính văn học với những số phận con người được nhìn bằng góc độ nhân văn, đã làm nên những rung cảm thẩm mỹ nơi người đọc. Các tác phẩm cũng ngày càng phản ánh đa dạng hơn, có chiều sâu hơn, khi không chỉ là các vụ án, các câu chuyện pháp đình như vốn thấy, mà những vấn đề được đề cập đa dạng, phong phú hơn nhiều. Đặc biệt, các tác phẩm đã đi sâu vào số phận con người trên mặt trận an ninh, thay vì chỉ là những chiến công, những trận đánh như trước. Nhưng sáng tạo vẫn là xu thế tất yếu của văn học, vì vậy, bứt khỏi thói quen đã ổn định trong sáng tác để tìm kiếm những nội dung, tư tưởng và nghệ thuật xác lập được tầm vóc vẫn là khao khát thường trực của mỗi người cầm bút. Các nhà văn không ngừng trao đổi và tự tìm tòi, khám phá và sáng tạo, để các tác phẩm mang tính văn học sâu đậm hơn, giúp mọi người có cách nhìn nhận lại giá trị đích thực của các tác phẩm về đề tài này.

Những cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì ANTQ và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày càng xuất hiện nhiều tác phẩm có chất lượng. Mới nhất là "Đơn tuyến" của nhà văn Phạm Quang Đẩu, "Bão ngầm" của tác giả Đào Trung Hiếu, "Cô Mặc Sầu" của nhà văn Nguyễn Đình Tú, "Vực gió" của nhà văn Phong Điệp vv… cho thấy, dòng văn học này không ngừng phát triển vững chắc trên con đường vượt ra khỏi sự hạn chế chật hẹp của một đề tài, hòa chung vào dòng chảy sáng tạo của nền văn học nước nhà. Không chỉ thế, số lượng các tác phẩm đề tài này xuất bản mỗi năm cũng nhiều thêm.

Nhà phê bình Lê Thành Nghị đã nhận xét: Trong mỗi tác phẩm, cuộc sống xanh tươi đã là cái nền, mà trên đó những người chiến sĩ Công an thể hiện những phẩm chất cao đẹp của mình. Họ cũng không chỉ đơn giản là những người chiến sĩ đi đầu trong việc ngăn ngừa và trấn áp tội phạm, mà ở đó, họ đã sống, đã cảm nhận, đã vượt qua những hạn chế của chính mình, có nơi, có lúc đã phải đấu tranh vật lộn với chính mình, trước khi đối mặt với cái ác, với tội phạm. 

Trong các trang viết, người chiến sĩ Công an hiện ra đã bớt khô  khan, cứng nhắc hơn, không còn đơn giản như những khuôn mẫu, mà đã được tái hiện một cách sinh động hơn, gần gũi hơn, chân thực hơn. Hình ảnh những người đang giữ bình yên cho cuộc sống hiện lên vừa đáng tin cậy vừa rất gần gũi. Vẻ đẹp người chiến sĩ Công an trong những trang sách đã tiếp cận với vẻ đẹp của những hình tượng nghệ thuật mang tính khái quát, tính biểu tượng cao. Mà, những xung đột giữa cái thiện và cái ác trong cuộc sống của chúng ta hôm nay chính là những vấn đề nóng bỏng của văn học, là mảnh đất màu mỡ để có thể xuất hiện những tác phẩm văn học tầm cỡ.

Dạ Miên
.
.
.