Ca trù cần được khẩn cấp bảo vệ và giữ gìn

Chủ Nhật, 07/06/2009, 18:41
Đợt rà soát lớn nhất vừa qua ở nhiều tỉnh, thành cho thấy, hiện chỉ có 769 người biết đàn, hát và múa ca trù (gồm cả đào nương và người đánh trống chầu). Song, rất hiếm nghệ nhân có thể hát được 10 làn điệu, mà chỉ hát được 5 làn điệu trở lại.

Sau khi hồ sơ ca trù được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) trình lên UNESCO vào tháng 3/2009 để đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Viện Âm nhạc Việt Nam tiếp tục tiến hành kiểm kê và bảo tồn di sản văn hóa ca trù. Ngày 4/6, Viện đã công bố kết quả hoạt động này, nhằm đáp ứng yêu cầu của UNESCO về thông tin cập nhật khi ca trù được công nhận. 

TS. Lê Văn Toàn - Viện trưởng Viện Âm nhạc - cho biết: Từ năm 1945 đến 1975, ca trù đã bị lãng quên, phần do nhận thức chưa đúng về di sản văn hóa này, phần chiến tranh kéo dài. Từ 2000 đến nay, ca trù bước đầu được phục hồi, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn: Trong số 21 nghệ nhân được phát hiện vào năm 2004, hiện chỉ còn 12 cụ, đều đã ở tuổi 70-80, sức yếu và không phải cụ nào cũng còn hát được ca trù.

Môi trường ca trù cổ đã bị co hẹp, trong khi đây là môn nghệ thuật có tính chuyên nghiệp cao, đòi hỏi bỏ nhiều thời gian tập luyện công phu mới hát đúng và hay được. Những thay đổi về thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hiện đại của công chúng cũng ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của ca trù.

Đợt rà soát lớn nhất vừa qua ở nhiều tỉnh, thành cho thấy, hiện chỉ có 769 người biết đàn, hát và múa ca trù (gồm cả đào nương và người đánh trống chầu). Song, rất hiếm nghệ nhân có thể hát được 10 làn điệu, mà chỉ hát được 5 làn điệu trở lại.

Hà Nội (sau khi sáp nhập) và Quảng Bình là những địa phương có số lượng người biết đàn hát và tổ chức sinh hoạt ca trù nhiều nhất, trong khi Vĩnh Phúc và Nam Định lại là những tỉnh có số người và tổ chức sinh hoạt ca trù ít nhất.

Từ 2007 đến nay, các nhà chuyên môn đã không tìm thêm được di tích ca trù nào mới, mà có nơi còn bị xóa sổ, chỉ còn vài hiện vật nhỏ như đền thờ 2 vị tổ nghề ở Đông Môn, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Trong khi có những hiện vật được ghi là có trong tài liệu nhưng lại chưa tìm thấy, hoặc có những thứ kê khai xong lại không rõ nguồn gốc và không đủ chứng cứ để công nhận.

Trước thực trạng hiện có cũng như trước khả năng ca trù sẽ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, việc bảo tồn ca trù là vấn đề được nhiều giáo sư, các nhà khoa học như GS.TS Trần Văn Khê, GS.TS Tô Ngọc Thanh, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, Cục Di sản văn hóa, Ủy ban UNESCO tại Việt Nam v.v… đặc biệt quan tâm.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục kiểm kê di sản ca trù để tổ chức, phân loại, tiến tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về ca trù toàn quốc tại Viện Âm nhạc. Cần sớm đưa ca trù vào giảng dạy trong các trường nhạc bên cạnh việc phục hồi, truyền dạy ca trù.

Chính sách hỗ trợ đời sống nghệ nhân lão thành cần được đặt ra đồng thời với việc tổ chức các lớp truyền nghề cho lớp trẻ. Các liên hoan về ca trù và xây dựng các chương trình ngoại khóa cho học sinh làm quen với nghệ thuật này sẽ giúp ích cho công tác bảo tồn tốt hơn

Thanh Hằng
.
.
.