Ca sỹ Đức Tuấn: Chơi ngông rồi sẽ tới đâu?!

Thứ Sáu, 14/08/2009, 17:31
Đức Tuấn và ông bầu của mình đang từng bước thực hiện tham vọng của mình, đó là trở thành... nghệ sỹ thế giới(?!). Bằng chứng là sự kiện âm nhạc ầm ĩ nhất tháng 8/2009 tại TPHCM, với album nhạc kịch (musical) bằng tiếng Anh và live concert với sự chỉ đạo của một nhạc trưởng nổi tiếng người Canada, diễn ra vào 29/8.

Lần đầu tiên, một ca sỹ Việt Nam hát nhạc kịch và hát bằng tiếng Anh, với những bài hát xuất xứ từ các vở nhạc kịch, chẳng hạn các bài Memory (vở Cats), Empty chairs at empty tables (vở Les Misérables), Music of the night (vở The Phantom of the opera)… Album được thực hiện hoàn toàn tại Montréal, Québec (Canada), dưới bàn tay sản xuất của nhạc sĩ gốc Việt Ignace Lai (Lại Vũ Hán Dương).

Khi thực hiện album cho Đức Tuấn, Ignace Lai đã đặt những trích đoạn nhạc kịch khá quen thuộc trên những bản hòa  âm mới lạ, pha trộn giữa nhạc pop, điện tử, jazz với màu sắc âm nhạc cổ điển - hiệu quả rất thú vị với bài song ca The phantom of the opera. Bằng uy tín của mình, anh đã mời được Geneviève Charest, một nữ ca sĩ nổi tiếng của Canada, rất được yêu thích trên sân khấu nhạc kịch ở Canada và châu Âu, hát song ca với Đức Tuấn bài hát kể trên. Live concert "Music of the night" sẽ do Paul Bateman, một chỉ huy nổi tiếng tại các sân khấu nhạc kịch Âu - Mỹ chỉ đạo.

Đức Tuấn và ông bầu Phú Hải từ lâu đã mang tham vọng chinh phục khán giả ngoài Việt Nam. Tuy nhiên, họ đã có những bước đi chắc chắn hơn ngoài những lời tuyên bố gây sốc (điều thường thấy ở những ngôi sao nhạc thời trang). Nếu dự án "Music of the night" thành công, thì Đức Tuấn là nghệ sỹ Việt Nam đầu tiên dám thử nghiệm và tạo được dấu ấn với khán giả quốc tế. Có thể những người mở đường sẽ thất bại nhưng, nếu không đi thì sẽ không bao giờ tới. Chính vì thế, họ cần được tiếp sức từ những cái nhìn cảm thông...

Mối quan hệ đặc biệt của ông bầu Phú Hải (một doanh nhân Việt kiều Canada trong lĩnh vực thời trang) với Đức Tuấn từ lâu đã gắn với nhiều thị phi, thậm chí không ít người trong giới mặc định đó là mối quan hệ tình cảm khác thường, chứ không phải chuyện ông bầu - ca sỹ. Vượt qua tất cả những điều đó, Đức Tuấn vẫn làm việc nghiêm túc và trưởng thành theo từng dự án âm nhạc và quan hệ của họ vẫn rất tốt đẹp. Bài phỏng vấn này được thực hiện trong thời điểm cả ca sỹ và ông bầu đang đôn đáo lo những thủ tục chuẩn bị cho live concert của mình tại TPHCM.

- Album của anh được đầu tư rất lớn, với gần trăm ngàn USD, lớn đến mức ai cũng phải nghi ngờ về giá trị thật của nó. Anh nghĩ sao?

- Nếu là người ngoài nghi ngờ thì tôi nghĩ cũng bình thường, vì họ không phải là người trong cuộc để biết làm một album như thế này tốn kém ra sao. Nhưng người trong giới nhạc sẽ biết ngay tôi nói thật hay "nổ". Bây giờ để làm một album tử tế trong nước với các nhạc sĩ hàng đầu cũng phải cỡ 200 triệu, thực tế đã có những ca sĩ bỏ ra trên dưới mức đó, vì thế việc tôi bỏ ra số tiền gấp rưỡi chừng đó để ghi âm 1 album tận Canada, với ê-kíp làm việc ở đó, rồi tiền thù lao cho giảng viên thanh nhạc cả tháng trời nữa, thì như thế vẫn còn là rẻ, vẫn có chút "hữu nghị" trong đó.

- Nhạc kịch là thứ mà anh thích và theo đuổi. Album này là một nỗ lực cho niềm yêu thích ấy. Nhưng làm thế nào để khán giả cũng theo đuổi niềm yêu thích cùng mình?

- Trường hợp của tôi với nhạc kịch không phải cá biệt. Rock cũng đã mất một thời gian dài mới chinh phục đông đảo khán giả Việt Nam, ngược lại ngày trước, tân nhạc cũng phải qua một thời tìm tòi rồi mới được chấp nhận và yêu thích. Tôi cũng không ngồi chờ đến một ngày nào đó người ta sẽ thích rồi mới bắt tay vào làm, mình phải chủ động. Từ năm 2005 đến nay, tôi đều đặn làm các chương trình ở phòng trà hát các bài hát từ nhạc kịch, đến giờ tôi tự tin mình có một lượng khán giả nhất định có chung sở thích với tôi, cả khi tôi làm những đêm nhạc Phạm Duy thì họ vẫn yêu cầu được nghe những bài như "Phantom of the opera", "Love changes everything"… vốn trước đây vẫn còn khá xa lạ. Như người mình vẫn nói, mưa dầm thấm lâu, đó là cách mà tôi làm.

- Việt Nam vốn không có truyền thống về nhạc kịch, khán giả phần lớn còn xa lạ với nhạc kịch. Anh đầu tư quá lớn, có nghĩ đến chuyện thu lời từ album?

- Việt Nam chỉ không có truyền thống về nhạc kịch hiện đại kiểu Broadway thôi, cái này thì nhiều nước khác cũng không có. Nhưng cũng có những hình thức tương tự, ca kịch truyền thống chẳng hạn, hay gần đây, có những vở cải lương đưa tân nhạc và nhảy múa, xiếc… vào đó, cũng là một kiểu nhạc kịch.

Cũng có khá nhiều người Việt Nam yêu thích nhạc kịch kiểu Broadway và họ vẫn nghe, vẫn mua đĩa của nước ngoài, chỉ là họ không ồn ào như fan nhạc rock thôi. Còn về CD này, nói chuyện thu lời vẫn còn quá sớm, nhưng tôi tin nó sẽ được chấp nhận rộng rãi, vì nó không phải là cái gì quá xa lạ, không phải một vở nhạc kịch quá khó nghe, chỉ là những bài hát rất hay được trích ra, nhiều bài trong đó đã rất quen thuộc, đến mức nhiều người không biết là nó từ nhạc kịch, như bài "Memory". Tôi tin là nhiều người sẽ thích.

- Tôi có quyền nghi ngờ đây là một chiêu tiếp thị? Hay anh muốn khẳng định mình thực sự đẳng cấp hơn những ca sỹ khác?

- Nếu cứ mất công đi chứng tỏ đẳng cấp để kèn cựa với các ca sĩ khác thì mất thời gian quá, và sẽ chẳng làm được việc gì, bởi người sân si là người thấy ai làm gì cũng nhảy vào làm và cố để mà vượt người ta. Tôi không như thế, tôi làm những gì tôi thích, và cũng đủ tỉnh táo để biết khán giả của mình là ai. Những gì tôi làm, từ album nhạc Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Văn Cao và bây giờ là đĩa nhạc kịch này đều chứng minh điều đó. Nếu chỉ để tiếp thị, tôi đã không mất quá nhiều thời gian, tiền bạc và cả tâm huyết đến thế chỉ cho một đĩa nhạc 11 bài.

-Nhìn vào mật độ show của ca sỹ tại TP Hồ Chí Minh, anh không nhiều show. Theo tiết lộ của giới bầu show, anh cũng không phải ca sỹ có cát sê cao nhất. Vậy thì đẳng cấp ở đây là gì?

- Tôi nghĩ đẳng cấp không thể và không nên đặt bên cạnh mức cát-sê. Tôi nói thẳng, chúng ta vẫn ca ngợi các diva nhạc Việt về đẳng cấp phải không, nhưng cát-sê của họ thua xa một ca sĩ chuyên thị trường miền Tây, những người vẫn thường không được coi trọng, bị thiệt thòi trước giới truyền thông. Tôi quan niệm, đẳng cấp là khi ta đã có lựa chọn nào đó với con đường của mình, trung thành với nó và làm hết mình để tạo được chỗ đứng đáng kể, để người ta nhắc đến dòng nhạc đó là nhắc đến tên mình.

- Anh có nghĩ, khi có tiền thì chứng minh đẳng cấp cũng dễ hơn người khác?

- Tôi không chắc, vì như anh vừa nói, tôi không nhiều tiền bằng nhiều người khác. Nhưng tôi biết cách tiêu tiền. Thay vì chi tiêu vào những gì màu mè, tôi tập trung cho âm nhạc, làm những đĩa nhạc tử tế, công phu, và nếu nhờ đó mà mình đạt được đẳng cấp trong nghề thì cũng là chuyện bình thường thôi.

- Anh có song ca với nữ ca sỹ Canada, anh có thể tiết lộ ca sỹ này nhận được bao nhiêu cát sê cho việc này?

- Không có gì phải giấu cả, cô Geneviève Charest đã lấy rất hữu nghị, chỉ bằng một nửa bình thường thôi, cả thu âm, cả sang Việt Nam biểu diễn, là 3.000 đôla Canada. Nói thật là chúng tôi không thu âm cùng nhau, tôi thu trước, sau đó Ignace Lai mời Geneviève Charest thu sau. Sau khi bản thu âm hoàn thành chúng tôi mới liên lạc trao đổi tiếp với nhau về concert ở Việt Nam. Khi nghe CD của Geneviève tôi rất sung sướng khi nghĩ đến việc cô ấy sẽ hát cùng mình.

- Live show "Music of the night" là live show với nhiều khách mời đến từ nước ngoài. Anh có  cảm thấy áp lực khi làm việc với những người có đẳng cấp hơn hẳn mình, cả về tên tuổi và trình độ âm nhạc?

- Tôi chẳng thấy áp lực gì cả, mà thấy hãnh diện, như một mơ ước đã thành hiện thực. Mình còn đang phải đi học người ta, có gì mà phải mặc cảm.

- Tham vọng của anh là vươn ra ngoài biên giới. Nhưng điều này có vẻ rất khó khả thi. Ngay cả những ngôi sao rất giỏi tiếng Anh như Coco Lee chẳng hạn, hoặc các ca sỹ trong cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng đạt được thành công rất khiêm tốn. Anh có thấy mình quá mơ mộng?

- Tôi không mơ mộng mà rất thực tế. Đủ thực tế để thấy là rất khó vì thế phải tìm những cách thức hiệu quả. Muốn ra được với thế giới thì không thể chỉ ngồi một chỗ chờ người ta đến mời mình để lăng-xê thành ngôi sao, dù mình hát hay đến đâu. Một trong những cách để dần dần ra được thị trường quốc tế là làm việc được với những nhà sản xuất âm nhạc có tên tuổi tầm quốc tế, họ chính là bảo chứng cho những tên tuổi mới.

Một số ca sĩ châu Á đã làm cách này, và mỗi người có thành công khác nhau, nhưng rõ ràng họ đều đã vượt ra khỏi giới hạn quốc gia, châu lục, như Anggun của Indonesia, Lea Salonga của Philippines.

Ngoài ra phải kể tới những cơ may nữa. Tôi rất may mắn nhận được sự đồng ý cộng tác của ông Paul Bateman, người đã soạn hòa âm, sản xuất những album nhạc bán cổ điển nổi tiếng cho Sarah Brightman, Jose Carreras, Lesley Garrett… đó cũng có thể coi là một cơ may lớn. Đặc biệt có một dòng nhạc mà khả năng thành công xuyên quốc gia lớn hơn nhiều với nhạc pop, đó là nhạc cổ điển. Tôi không theo dòng nhạc này, nhưng cũng học hỏi nhiều từ thành công của các nghệ sĩ cổ điển.

- Nếu theo lộ trình mà anh dự định, thì khi nào anh sẽ chinh phục khán giả ngoài biên giới?

- Album và live show "Music of the night" là bước đầu tiên có tính thử nghiệm, để tôi xem lại thực lực của mình. Đầu năm sau tôi sẽ bắt tay ghi âm album nhạc bán cổ điển với Dàn nhạc Giao hưởng Praha, một trong những dàn nhạc nổi tiếng và ghi âm nhiều nhất thế giới, do ông Paul Bateman hòa âm và chỉ huy dàn nhạc. Đó có thể coi là dự án quốc tế đầu tiên của tôi. Thành công đến đâu thì không thể nói trước, nhưng phải chấp nhận dấn thân!

Hoài Phố (thực hiện)
.
.
.