Ca sĩ Y Moan, những ngày trên giường bệnh

Thứ Năm, 17/06/2010, 13:23
Không chỉ người dân Tây Nguyên mà công chúng cả nước đang rất buồn khi hay tin ca sĩ Y Moan, người con yêu quý của núi rừng Tây Nguyên, một giọng ca vàng được khán giả cả nước mến mộ đang sống đau đớn từng ngày trong căn bệnh hiểm nghèo ung thư.

Người thân Y Moan kể rằng, hầu như anh rất ít vào viện điều trị, khi đau ốm tự uống thuốc là khỏi bệnh. Anh sống quên lo cho cả bản thân mình, chỉ biết ca hát vì một nỗi niềm đam mê âm nhạc… Rồi đùng một cái anh phải nhập viện và chuyển vào TP HCM chữa chạy.

Trong khi điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, các bác sĩ đã phát hiện căn bệnh ung thư di căn xuống phần bụng, y học hiện tại cũng đành "bó tay" nên chuyển anh về lại Buôn Ma Thuột để sống những ngày cuối đời.

Sinh ra tại buôn Dhă, xã Lạc Giao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk trong gia đình dân tộc Ê Đê nghèo có 7 anh em. Y Moan có tài năng ca hát từ nhỏ, năm học hết lớp 7, anh đã theo đoàn văn công vì sự đam mê ca hát và trở thành ca sĩ chính của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk.

Giọng ca Y Moan rất nồng ấm và thanh thoát mang hơi thở vang vọng đằm thắm của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Tôi may mắn mỗi lần về công tác ở Đắk Lắk lại được trực tiếp nghe anh hát những bài ca rất trữ tình về Tây Nguyên do nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác.

Ca sĩ Y Moan ngày còn sung sức.

Giọng ca Y Moan hòa vào âm thanh kỳ vĩ của núi rừng Tây Nguyên đại ngàn, vút cao và bay xa muôn trùng, lắng đọng sâu thẳm vào lòng người mãi mãi với thời gian. Có thể nói, Y Moan đã ghi lại những dấu ấn thật đẹp đẽ trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Từ những năm 1984, ca sĩ Y Moan đã nổi danh với ca khúc rất Tây Nguyên: "Ơi! Madrack" của nhạc sĩ Nguyễn Cường...

Y Moan cả một đời gắn trọn và yêu thương mảnh đất Tây Nguyên, anh không bao giờ chịu xa rời nó. Có nhiều người đặt câu hỏi khi đã thành danh, nổi tiếng rồi sao không đến chốn đô thành để dễ kiếm tiền và nổi danh hơn, nhưng với Y Moan thì anh không muốn vậy. Với anh, tình yêu âm nhạc cũng gắn với tính yêu buôn làng, quê hương. Sự cống hiến cho âm nhạc là một đích cuối cùng nên anh sống ở đâu cũng làm việc hết mình và gần gũi với công chúng, dân nghèo.

Chính vì yêu Tây Nguyên đến tận cùng mà Y Moan chấp nhận cuộc sống nghèo khổ, vừa đi làm rẫy, vừa đi hát với niềm đam mê dâng hiến cho đời. Có lần anh tâm sự, nếu không làm rẫy sẽ không đủ sức nuôi các con trai là Y Vol và Y Garia theo học tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Yêu Tây Nguyên tha thiết, chỉ lo cống hiến cho sự nghiệp ca hát và không màng danh lợi nên cả đời anh phần lớn sống trong khu tập thể. Mãi đến năm 50 tuổi anh mới có được căn nhà nho nhỏ ở riêng.

Phong cách và quan niệm sống của anh luôn hướng về nguồn cội. Cây đàn guitar, prô, kní với chiếc áo thổ cẩm được anh luôn giữ vào lòng như giữ những báu vật… Có lẽ vì thế mà mỗi khi Y Moan hát, dù ở các lễ hội hoành tráng, hay một nhà hàng nào đó đều không xa rời chất Tây Nguyên.

Y Moan bảo rằng mình thèm được đi biểu diễn suốt đời cho bà con mình, cho tất cả các dân tộc anh em sống khắp Tây Nguyên thân yêu. Mỗi khi tiếng hát của anh cất lên với buôn làng là đồng nhịp tiếng vỗ tay của đồng bào, già trẻ, trai gái. Y Moan ví mình như được làm con chim rừng để hót tiếng thanh thoát cho bà con nghe. Có lẽ vì thế mà anh vẫn thường nhắc nhở các con mình dù thành đạt đến đâu cũng phải nhớ về thăm buôn làng.

Y Moan bảo rằng, văn hóa Tây Nguyên không đâu xa lạ mà bắt đầu từ chiếc khố, mỗi dòng sông, con suối, mỗi bóng cây, mái nhà rông, ngọn núi, cái rẫy và bà con thân yêu. Tiếng hát lời ca cũng bắt đâu từ cuộc sống hằng ngày ở đó…

Trong những ngày lâm bệnh điều trị ở TP HCM, cũng như về quê hương Buôn Ma Thuột, bạn bè đồng nghiệp thường xuyên đến thăm Y Moan với tình cảm yêu thương trìu mến. Ai ai cũng cảm thấy đau lòng nếu mai này không còn được nghe Y Moan hát

Ngọc Như
.
.
.