Ca sĩ Thành Lê: Sự nghèo khổ và thơ mộng của quê hương giúp tôi hát hay hơn

Chủ Nhật, 03/07/2011, 22:50
22 tuổi, cô gái quê Thành Lê mới có dịp bước chân ra Hà Nội. Đó là giây phút cô bắt đầu được chạm tới giấc mơ của mình. Năm 2007, một lần nữa vinh quang lại đến khi cô đạt vị trí cao nhất dòng nhạc dân gian của giải Sao Mai...

Vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt chỉ đủ để gọi là ưa nhìn, Thành Lê tự nhận mình không có được những nét đẹp đặc trưng như da trắng, mắt đen, tóc dài của con gái sông La. Nhưng chất giọng trữ tình, sâu lắng, ngọt ngào mà cô có là một phần được chắt chiu và hoài thai từ những nghèo khổ mà nên thơ của quê hương. Gặp lại Thành Lê trong một chương trình từ thiện ở Hà Tĩnh, quê hương của chị, nghe tiếng hát da diết, xúc động của chị, người viết cảm nhận được một tình yêu quê hương luôn cháy bỏng trong tâm hồn cô ca sĩ xứ Nghệ này.

Chào Thành Lê, dịp này chị về Hà Tĩnh có điều gì đặc biệt hơn mọi lần không?

Với tôi lần trở về nào cũng vui, và đặc biệt. Lần này đặc biệt hơn vì tôi hát trong chương trình Sao Mai do tỉnh Hà Tĩnh tổ chức. Đây cũng là cuộc thi giúp tôi trưởng thành và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp.

Ca sĩ Thành Lê (bên trái) cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và liền chị Thu Thủy tại Bắc Ninh.

Hình như chỉ có quê hương mới đủ sức để kéo chị ra khỏi Hà Nội lâu như thế?

Đúng vậy. Với những ca sĩ dòng nhạc dân gian như tôi thì thường đi biểu diễn ở các tỉnh. Nhưng chỉ có miền Trung mới đủ sức để kéo mình ra khỏi đất Hà Nội. Về miền Trung, dù Nghệ An, Hà Tĩnh hay Quảng Bình, Quảng Trị bao giờ tôi cũng cảm thấy phấn chấn, xúc động. Với tôi cả miền Trung là quê hương.

Chị từng nói mình là con gái vùng sông La, núi Hồng?

Quê tôi ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tôi sinh ra và lớn lên ở đó. Đức Thọ nằm giữa một bên là dòng sông La và một bên là núi Hồng Lĩnh. Quê tôi nghèo nhưng tôi chưa bao giờ thấy ở đâu (dù tôi đi rất nhiều nơi) lại có thể gợi sự nên thơ, tuyệt đẹp như ở quê hương mình. Núi Hồng, sông La cũng là những địa danh nổi tiếng của thơ ca, nhạc họa.

Nhưng tiếng hát của chị đúng là giọng điệu của gái sông La?

Bạn quá khen thôi. Tôi thấy quê mình có nhiều người hát hay lắm. Chỉ có điều là họ chưa có duyên và điều kiện và cả cơ hội trở thành ca sĩ. Hà Tĩnh nổi tiếng đất cằn đá sỏi, gió Lào cát trắng nhưng những ca khúc về mảnh đất này thì vô cùng tuyệt vời. Chất ca dao, dân ca như ngấm vào người nên người dân quê tôi hát thể loại này rất hay.

Hình như chị có một tuổi thơ rất vất vả?

Gia đình không có truyền thống về nghệ thuật. Bố mẹ tôi ngày xưa là nông dân thuần chất. Vì vậy tôi không được quan tâm, hay nói đúng hơn là gia đình không có điều kiện để nuôi dưỡng ước mơ âm nhạc của tôi. Tuy nhiên với niềm đam mê ca hát đã luôn làm cho tôi khao khát và cố gắng không ngừng để có được ngày hôm nay.

Giờ đây chị đã trở thành một ca sĩ có tiếng, để có được thành công đó, hẳn chị đã trải qua không ít khó khăn?

Con đường trở thành ca sĩ chuyên nghiệp của tôi đúng là có rất nhiều khó khăn. Từ việc để có được sự đồng ý của gia đình đến việc thi cử. Thế nhưng cũng chính vì những khó khăn của ngày hôm qua đã giúp cho tôi có nghị lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Và cũng phải đến khi tham gia Sao Mai 2007 rồi đạt giải nhất dòng nhạc dân gian, tôi mới thực sự khẳng định được tiếng hát của mình.

Vừa rồi chị có thực hiện một CD thường gọi là "nhạc vàng", đây là một cách làm mới mình của chị?

Tôi làm việc gì cũng xuất phát từ đam mê. Dòng nhạc trữ tình này tôi đã thích từ rất lâu, giờ là lúc tôi thực hiện nó sau một thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng…

Trong album này có nhiều ca khúc nổi tiếng và đã được nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công, chị đã làm mới chúng như thế nào? Vì sao chị đặt tên là "Lặng"?

Tôi may mắn vì được làm việc với êkíp rất chuyên nghiệp và họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong CD "Lặng", từ hòa âm phối khí và hình ảnh đều làm tôi thấy hài lòng, tôi đã đặt chính tâm trạng con người của mình vào CD này… Và tôi nghĩ đấy là một nét riêng của tôi. Đó cũng chính là tiêu đề mà tôi muốn đặt cho CD này "Lặng".

Album "Quê" tập hợp những ca khúc về mảnh đất xứ Nghệ. Chị có bị lặp lại cảm xúc và vấp phải sự nhàm chán khi hát quá nhiều những ca khúc này không?

Tôi khẳng định với tôi không có sự nhàm chán, bởi mỗi ca khúc viết về quê hương, dù hát rất nhiều lần nhưng mỗi lần tôi hát đều mang những cung bậc và cảm xúc khác nhau .

Trong lời hát của chị, người ta nghe thấy một sự xót xa, một nỗi đau nào đó, có những vấp ngã nào trong cuộc sống và tình yêu làm nên chất giọng ấy?

Lời hát của những ca khúc tôi thể hiện thường buồn và sâu lắng, với tôi để thể hiện thành công thì cần phải có cảm xúc thật và sự chân thành, chứ không hẳn chỉ là một giọng hát hay!

Đào Bích
.
.
.