Ca sĩ Hà Trần: Về cùng bình nguyên xa vắng…

Thứ Bảy, 16/09/2006, 08:55

"Bình nguyên thiết tha, đời ta quen với mái nhà xưa. Bàn chân đã đi mà sao trái tim quay về...". Hà Trần hát như thế, da diết tại một phòng thu giữa quận Cam nước Mỹ. Cô biết, với nước Mỹ cô vẫn hoàn toàn vô danh. Nhưng tại Việt Nam, cô đã là một cái gì đó, đủ nhớ, đủ thương...

Với làn hơi mỏng như sương, mơ hồ và mộng mị, người đàn bà hát tuổi 28 này đã và đang mang đến nhiều điều bất ngờ, gửi về quê nhà một không gian âm nhạc rộng mở hơn qua album "Đối thoại 06".

Không nổi bật bởi giọng hát, không sáng sân khấu bằng ngoại hình xinh đẹp, Hà Trần là nữ ca sỹ duy nhất thành công bởi một lối tư duy mạch lạc và trí tuệ minh mẫn trong công việc nghệ thuật. Cô trở về vào những ngày tháng chín, tên cô giăng khắp các diễn đàn âm nhạc, các trang blog của người hâm mộ trên internet. Hà xúc động, dường như ngày đi xa về, Hà được mọi người dành cho nhiều tình yêu hơn...

Trần Thu Hà thuộc về một góc riêng, dẫu nhỏ bé, trong cuộc chạy đua đầy mỏi mệt của các ngôi sao nhạc trẻ. Các fans của cô là những người trưởng thành, có tư duy và ít nhiều có học thức. Nhìn từ một góc khác, âm nhạc của Hà Trần giống như một người phụ nữ có phần khiêm nhường về nhan sắc nhưng lại có cái duyên ngầm, hóm hỉnh và đáng yêu.

Về giọng hát của cô, nhiều người đã phân tích khá kỹ lưỡng, đó là sự mỏng manh và không nhiều quý giá, như thể chỉ là một chút vàng được gạn lọc trong quá nhiều quặng đá. Nhưng đó là vàng mười. Hà Trần có may mắn duy nhất là một gia đình nghệ thuật. Thế nên, cô không bị lầm đường và có lẽ cuộc sống nhiều vất vả của gia đình nghệ sỹ đã không khiến cô rơi vào mớ ảo tưởng nổi tiếng.

Có hai người tôi thấy có sự tương phản thật sự rõ nét, đó là Trần Thu Hà và Thu Minh. Thu Minh hát trên sân khấu luôn hết mình, đến mức có cảm giác đó là lần cuối cùng cô hát bài ấy trên sân khấu ấy, như tằm rút mình cho tơ vàng. Nhưng nếu nghe đĩa nhạc của cô thì thấy không nhiều rung cảm. Còn Hà, thật lòng, tôi thích nghe Hà hát qua đĩa nhạc hơn. Bởi giọng hát của cô có gì đó không thực sự ăn nhập với sân khấu, nó thuộc về những không gian vừa phải hơn. Nghe Hà là nghe sự chậm rãi, ngấm dần, chứ không phải một sự "bắt nạt" về cảm xúc ngay từ giai điệu đầu tiên. Và cần nghe cô trong không gian âm nhạc mà cô đưa tới, bởi mỗi album của Hà là một concept hoàn chỉnh chứ không chỉ là bộ tập hợp của những ca khúc. Nó là một album ý tưởng rõ nét, có sự mở ra và sự đóng lại.

Ví dụ như "Đối thoại 06", album mới nhất của cô sau 4 năm, kể từ album "Nhật thực" gây ngạc nhiên lớn. Có thể nói, cô đã đem được tham vọng chinh phục người nghe hiện đại bằng việc kết hợp nhạc Việt trên nền hòa âm hiện đại, của công nghệ sản xuất âm nhạc phương Tây. Đó là một bước đi mạch lạc sau thời gian dài tiếp cận với thị trường âm nhạc Mỹ.

Hà Trần sợ cảm giác bị mọi người kỳ vọng quá nhiều. Và cũng sợ cảm giác bị hiểu lầm bởi cách dùng từ quá phong phú của người Việt. Gặp cô tại quán cà phê, thấy cô vẫn thế, bé bỏng nhưng không tội nghiệp, khiêm tốn nhưng vẫn đầy tự tin. Cô bảo, trước đây thì Hà cũng đã mang toàn bộ các album mà mình có, để gửi đến tất cả những người mà Hà biết trong nền công nghiệp âm nhạc Mỹ. Nhưng đó thực sự vẫn là những album vụng dại.

Ba năm làm một album, cô cho ra đời một đĩa nhạc dễ nghe, ngôn ngữ âm nhạc hiện đại và cô tin là nó phù hợp với dòng chung của âm nhạc quốc tế đương đại. "Nhưng đó không phải là một cuộc xâm nhập, cũng chẳng phải sự chinh phục... Những cái đó quá lớn mà tôi nghĩ mình chưa thể làm được. Tất cả mới chỉ là sự khởi đầu, sự giới thiệu của cá nhân Hà mà thôi. Đây hoàn toàn không đại diện cho niềm hy vọng nào về việc nhạc Việt xâm nhập thị trường Mỹ. Hà không ảo tưởng đến thế"...

Cô không ảo tưởng bởi cô sống trong lòng nước Mỹ 3 năm, cộng thêm kinh nghiệm sống của chồng cô, một người làm nhạc độc lập. Người ta không bao giờ ảo tưởng khi người ta biết rất rõ những điều mình đang có. Cô giới thiệu mình trên một trang web, nơi dành cho những nghệ sỹ độc lập như cô, và tự hiểu mình cũng chưa đủ fans để làm một cú đột phá, chỉ đơn giản giới thiệu tôi là Hà Trần và âm nhạc của tôi là thế. Hà không lẫn vào dòng chung của những ca sỹ hải ngoại. Cô muốn đi một con đường khác, để sống dài lâu với con đường âm nhạc của riêng mình.

Đúng là nếu giữ danh hiệu ngôi sao, chẳng đâu tốt bằng Việt Nam. Nhưng có lẽ cô gái này cũng hiểu được một lẽ, dù có mặt hay vắng mặt, nếu mình không đưa đến cho khán giả những điều mới mẻ thì cũng không thể cưỡng được sức mạnh của sự lãng quên. Và Hà quyết định đúng, dù quyết định đó được ẩn dưới một cái vẻ nữ nhi thường tình, đó là theo chồng.

"Bình nguyên thiết tha, đời ta quen với rừng hoang. Nửa đêm phố xa chợt nhớ ánh trăng quê nhà. Bình nguyên thiết tha, đời ta quen với mái nhà xưa. Bàn chân đã đi mà sao trái tim quay về...". Hà Trần hát như thế, da diết tại một phòng thu giữa quận Cam nước Mỹ, bài hát mà chú Trần Tiến dành riêng cho cô "Bình nguyên xa vắng". Cô biết, với nước Mỹ cô vẫn hoàn toàn vô danh. Nhưng tại Việt Nam, cô đã là một cái gì đó, đủ nhớ, đủ thương...

Toàn Nguyễn
.
.
.