Ca khúc "Hà Nội - Điện Biên Phủ": Chạm vào một phần lịch sử dân tộc

Thứ Ba, 25/12/2012, 09:53
Ngay đêm đó, trong căn hầm trú ẩn chỉ có ngọn đèn dầu leo lét cháy, đôi lúc ngả nghiêng trong tiếng bom rơi đạn nổ, những nốt nhạc, những lời ca hùng tráng vẫn chảy tràn, như dòng cảm xúc chân thành của người nhạc sĩ. Ông thấy như không phải mình đang viết, mà là trái tim sục sôi căm thù đang dẫn dắt cho những nốt nhạc ra đời.

Đúng 40 năm sau ngày ca khúc "Hà Nội - Điện Biên Phủ" ra đời, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại thêm tự hào khi cụm từ "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" giờ đây đã được nhắc trên tất cả các văn bản chính thức của Nhà nước, của các phương tiện truyền thông, gần như trở thành danh từ thay thế cho tên gọi chiến thắng của quân và dân ta trong trận đánh 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972. Ông còn vui hơn, khi những ngày này, ca khúc "Hà Nội - Điện Biên Phủ" đã chạm đến một phần lịch sử dân tộc, lại vang lên trên khắp phố phường Hà Nội v.v...

Sáng cuối năm se lạnh, Hà Nội vẫn tưng bừng trong muôn sắc cờ hoa và không khí sôi nổi kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng lịch sử, chúng tôi đến Hội Nhạc sĩ Hà Nội tìm gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên, để cùng ông nhắc nhớ về ca khúc nổi tiếng mà ông đã sáng tác dưới mưa bom bão đạn, để thêm tự hào về ký ức hào hùng còn chưa xa.

Người nhạc sĩ tài hoa bồi hồi đưa chúng tôi ngược dòng ký ức: Sau những trận bom Mỹ rải thảm xuống Hà Nội đêm 26/12, Khâm Thiên, Bạch Mai chỉ còn là đống đổ nát. Căn hộ của gia đình ông ở Ngã Tư Sở cũng chỉ còn là gạch vụn. Ông phải xách ba lô lên cơ quan - Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) ở và cùng đồng nghiệp trực chiến, với nỗi đau in hằn và lòng căm thù sục sôi. Ông khao khát được làm một điều gì đó để cùng mọi người nêu cao quyết tâm đánh Mỹ.

Trong tâm thế ấy, những điều mà Tổng Giám đốc Đài TNVN Trần Lâm thông báo tại cuộc giao ban sáng 27/12/1972, khiến nhạc sĩ Phạm Tuyên và tất cả mọi người đều vui mừng tột độ, khi đêm trước quân ta đánh trả giặc Mỹ những đòn đích đáng: bắn rơi 8 máy bay B52, riêng Hà Nội đã hạ 5 “thần sấm Mỹ”. Quân ủy Trung ương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra lời kêu gọi quân và dân ta "Hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn Điện Biên Phủ ngay trên bầu trời Hà Nội”.

Từng trải qua những giây phút tràn ngập khí thế sau chiến thắng Điện Biên 1954, nhạc sĩ Phạm Tuyên cảm nhận thật rõ ý nghĩa sâu sắc trong lời nói của vị tướng, cùng với niềm hân hoan trước chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc đụng đầu lịch sử với không quân Mỹ, đã truyền cho ông cảm xúc mạnh mẽ.

Để rồi, ngay đêm đó, trong căn hầm trú ẩn chỉ có ngọn đèn dầu leo lét cháy, đôi lúc ngả nghiêng trong tiếng bom rơi đạn nổ, những nốt nhạc, những lời ca hùng tráng vẫn chảy tràn, như dòng cảm xúc chân thành của người nhạc sĩ. Ông thấy như không phải mình đang viết, mà là trái tim sục sôi căm thù đang dẫn dắt cho những nốt nhạc ra đời. Bởi thế, trái với ca khúc trữ tình “Hà Nội những đêm không ngủ” ông vừa cho ra đời hôm 23/12, “Hà Nội - Điện Biên Phủ” mạnh mẽ, chất chứa cả lòng căm thù và niềm tin vào thắng lợi. Những ca từ rắn rỏi, những nốt nhạc hào hùng, thôi thúc và tự tin đã khắc họa một Hà Nội gan góc, vững vàng giữa đau thương.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại: “Sáng hôm sau, tôi hát cho mọi người nghe ca khúc vừa sáng tác và ai cũng thích. Tổng Giám đốc Trần Lâm khen bài hát đĩnh đạc, khỏe khoắn, đúng tinh thần “Điện Biên Phủ trên không”, rồi dặn tôi phải đăng trên Báo Nhân dân”. Nghe lời ông, sáng đó, tranh thủ lúc máy bay địch không tới, nhạc sĩ Phạm Tuyên vội đạp xe đến Báo Nhân dân. Lúc này, Tòa soạn rất vắng vì mọi người đi sơ tán hết, nhưng dưới gốc cây đa lớn, ông Thép Mới, lúc đó là Phó Tổng Biên tập và nhà báo Hữu Thọ đang ngồi. Nhạc sĩ Phạm Tuyên liền đưa bài hát cho 2 người, rồi hát cho họ nghe. Những giai điệu sôi sục, đầy hào khí của ca khúc đã chạm vào thời khắc lịch sử ấy lập tức thuyết phục 2 ông. Để rồi, sáng hôm sau, 29/12/2972, ca khúc đã ra mắt công chúng trên Báo Nhân dân.

Sau khi bản nhạc được in, ông Trần Lâm yêu cầu ca khúc phải được hát để phổ biến cho nhân dân. Nhưng lúc đó, Đoàn ca múa nhạc của Đài TNVN đi sơ tán hết, nhạc sĩ Phạm Tuyên phải đạp xe khắp Hà Nội, tìm một số người bạn thân thiết: nhạc sĩ Trần Thụ, Mạnh Hà, Hoàng Mãnh, rồi cùng họ hát để thu thanh và phát ngay tối đó. Nhạc sĩ Phạm Tuyên hào hứng: Việc thu âm được tiến hành khẩn trương, đề phòng Mỹ ném bom. Còn chúng tôi cũng hát hết mình, với tâm thế không biết ngày mai mình còn sống không. Tối đó, khi nghe bài hát được phát trên sóng Đài TNVN, chúng tôi vô cùng vui sướng và tự hào, nhất là khi bài hát được nhiều người yêu thích.

Vài hôm sau, bài hát được gửi ra nơi Đoàn ca múa nhạc sơ tán để dựng lại, do NSND Trần Khánh thể hiện cùng dàn hợp xướng, từ đó lan tỏa đi muôn phương. Trên các trận địa phòng không quanh Hà Nội thời đó, đâu đâu cũng vang lên tiếng hát: “B52 tan xác cháy sáng bầu trời. Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngợi…”, “Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta? Đâu chỉ vì non nước riêng này. Phất ngọn cờ sao chính nghĩa…”, đã góp phần động viên tinh thần, cổ vũ quân dân ta chiến đấu, giành chiến thắng

Thanh Hằng
.
.
.