Ca Huế trên con đường phát huy giá trị di sản

Thứ Ba, 14/07/2015, 09:59
Trải qua hơn 3 thế kỷ hình thành và phát triển, ca Huế vừa được Bộ VH, TT&DL ra quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần vinh danh và bảo tồn loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo này. Tuy nhiên, để ca Huế phát huy được giá trị di sản vốn có thì vẫn đang là bài toán khá nan giải.

Nói đến ca Huế, nếu không nhắc đến Nghệ nhân Nguyễn Thị Mẫn (91 tuổi, tên thường gọi Minh Mẫn), người đã có hàng chục năm trời dày công nghiên cứu, sưu tầm và biểu diễn nhiều bản cổ “độc” ca Huế, thì có lẽ là một thiếu sót lớn. Khi nghe tin ca Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cũng như nhiều người dân xứ Huế, nghệ nhân Minh Mẫn rất đỗi vui mừng, bởi sau hàng trăm năm tồn tại, ca Huế cuối cùng đã được vinh danh. 

Dù vậy nhưng đối với ca Huế, bà vẫn còn nhiều điều trăn trở: “Năm lên 10 tuổi, mệ đã biết nghe ca Huế và thường trốn cha chạy theo các danh ca đến các điểm diễn ca Huế. Lúc bấy giờ, mặc dù cha cấm đoán, nhưng với sự đam mê của mình, mệ đã tìm đến các nghệ nhân để học ca Huế theo cách truyền khẩu. Năm 16 tuổi, mệ đã thuộc các bài ca Huế và đi biểu diễn, còn thế hệ trẻ bây giờ lại không mấy mặn mà với ca Huế”. 

Gắn bó với ca Huế như máu thịt nên những lúc rảnh rỗi, bà đều ngồi chép lại những bản nhạc cổ do mình học được từ các thế hệ nghệ nhân đi trước vào một tập vở để cất giữ và xem nó như một báu vật. “Mặc dù ca Huế đã được công nhận là di sản, nhưng có thể nói, các làn điệu cổ ca Huế đang bị mai một và có nguy cơ thất truyền bởi số lượng người biểu diễn được các điệu cổ này còn rất ít”, nghệ nhân Minh Mẫn bày tỏ nỗi lòng.

Ca Huế đang đứng trước nhiều thử thách trên con đường phát huy giá trị di sản văn hóa.

Sau khi ca Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, du khách trong và ngoài nước về Cố đô Huế, ngoài sở thích đi tham quan các danh lam, thắng cảnh, còn có thú vui đi thuyền rồng trên sông Hương để nghe và thưởng thức ca Huế. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều du khách thì ca Huế biểu diễn trên sông Hương vẫn chưa xứng tầm. 

Bà Phan Thị Hạnh (60 tuổi, ở TP Nha Trang) cho biết: “Gia đình mình rất mê ca Huế nên mỗi lần đến Huế đều phải mua bằng được vé lên thuyền rồng xem các danh ca biểu diễn. Thế nhưng, giờ các bài hát ca Huế nổi tiếng như Quả Phụ, Nam Xuân, Nam Ai... trong buổi biểu diễn ngày càng ít, thay vào đó là những điệu lý, dân ca, thơ Huế nên người nghe mất dần hứng thú và niềm vui với ca Huế!”. 

Theo Sở VH, TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngoài 4 đơn vị được phép tổ chức tour ca Huế trên sông Hương, gồm: Nhà văn hóa Huế, CLB Ca Huế, Đoàn ca kịch Huế, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế thì còn có rất nhiều tổ chức, tư nhân với khoảng 80 thuyền rồng đôi, đơn, cùng trên 400 nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công tham gia vào dịch vụ biểu diễn ca Huế. 

Ngoài  chấn chỉnh tình trạng các chủ thuyền chèo kéo, tranh giành khách, đậu đỗ không đúng bến bãi quy định thì việc đảm bảo chất lượng biểu diễn ca Huế trên sông Hương đang là bài toán khó. Trước thực trạng này, mới đây tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quy định, mỗi chương trình biểu diễn ca Huế phải dài ít nhất 60 phút trở lên, phải có tối thiểu 3 nhạc cụ trong các loại thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu, sáo; 7 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn, 8 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi... 

Tuy nhiên, theo ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế: Do thời gian biểu diễn có hạn nên các làn điệu ca Huế mang tính hàn lâm, bác học hay các bài ca Huế kinh điển không thể nào đưa lên thuyền rồng để phục vụ du khách. Ví như bài Nam Ai có đến 5 sáp (chương), trong khi đó, diễn viên ca Huế trên sông Hương nhiều lắm chỉ biểu diễn 1 trong số 5 sáp ấy. Đó là chưa nói đến chuyện người nghe có hiểu được nội dung của bài ca Huế này hay không. Mặt khác, do quá trình đào tạo ngắn nên nhiều diễn viên ca Huế không thể hát được các làn điệu ca cổ. Dẫn chứng như bài Quả Phụ thì chắc chắn không một ca sĩ nào biểu diễn ca Huế trên sông Hương có thể hát được…

Trước những thách thức đặt ra cho ca Huế, hiện các ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đang gấp rút tổ chức sưu tầm, tập hợp tài liệu các bài ca Huế cổ và tăng cường công tác thanh, kiểm tra; tổ chức các hội đồng thẩm định để đánh giá chất lượng ca Huế trên sông Hương. “Tới đây, đơn vị sẽ nỗ lực xây dựng đề án xã hội hóa ca Huế để khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức biểu diễn ca Huế tại tư gia, nhà vườn và thính phòng. 

Đặc biệt, Sở VH, TT&DL sẽ lập hồ sơ trình Bộ VH, TT&DL để công nhận các danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ dân gian đối với các nghệ nhân có công lao gìn giữ, biểu diễn và truyền bá ca Huế. Đây chính là một trong những giải pháp nhằm giúp ca Huế tồn tại và đứng vững trên chặng đường phát huy giá trị di sản...”, ông Hải khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.