Buồn vui chuyện làm “Ghi - Nét”

Thứ Ba, 27/04/2010, 21:46
Ghi-nét là kỷ lục. Nó khác thường, thậm chí phi thường nữa và giàu sáng tạo. Nhưng thiết nghĩ nó không nên quá dị thường, thậm chí là dị dạng. Lập kỷ lục là mong muốn và khát vọng của những người ưa hành động muốn cống hiến. Một sự vật muốn vào tầm ghi-nét bên cạnh sự khác thường của nó nên có sự hữu ích, tiện ích phù hợp đối với cuộc sống.

Năm nay người đi hội Đền Hùng thật đông và thật vui. Con cháu cả nước ai có điều kiện đều hành hương về đất cội nguồn. Con dân đất Việt ở xa Tổ quốc nhiều người thuộc nhiều thế hệ sinh sống ở nhiều quốc gia khác trên thế giới đã chọn ngày giỗ Tổ về thăm lại quê hương. Khách nước ngoài cũng nhân dịp này dành thời gian du lịch lên nơi đây chứng kiến một phong tục đẹp của người Việt.

Ngoài những công phu rất đáng trân trọng của người dân đất Tổ cho ngày giỗ vua Hùng với sự chu đáo trong hương khói, cúng tế, trong các cuộc thi gói bánh, giã bánh truyền thống, các màn trình diễn hát múa dân gian giàu tính uống nước nhớ nguồn, trong công sức giữ gìn an ninh trật tự cũng có những điều người đi dự hội băn khoăn!

Thật đáng tiếc khi nhìn vào chiếc băng rôn lớn giăng trong ngày lễ Tổ khi mà con cháu gọi cuộc thi gói và giã hai loại bánh rất thực mà lại giàu huyền thoại có từ thời Lang Liêu thuở Hùng Vương dựng nước là bánh Trưng và bánh Giày. Trong cuốn Chính tả cho những từ dễ viết sai (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội in năm 1990, trang 55) về từ dày có ghi những từ có liên quan làm nên nghĩa của từ này như sau: Dày cộm , dày công, dày cùi, dày dạn, dày dặn, dày đặc… bánh dày. Dân gian có nơi còn gọi là bánh dầy. Tự bao đời nay rồi, từ thuở có chữ Quốc ngữ người ta thường quen gọi và quen viết là bánh chưng và bánh dày. Không biết gọi như thế và viết như thế là đúng hay sai chắc chỉ có các nhà ngôn ngữ học mới giúp phân định nổi. Đây là "kỷ lục vui" đáng tiếc về lỗi chính tả do sự sơ ý của người làm băng rôn và duyệt chương trình!

Cũng trong lễ hội Đền Hùng năm nay có một chai rượu khổng lồ được dâng tiến lên các đấng tiên vương khai sinh ra đất nước do một công ty cổ phần làm ra. Chai rượu nghe nói có chiều cao 5,12 mét, đường kính 1,17 mét, trong lòng chai chứa 4.000 lít rượu được suy ra là tượng trưng cho 4.000 năm đất nước.

Không ai dám trách lòng thành của người dâng tiến. Kể cả khát vọng của họ muốn lập nên một kỷ lục về chai đựng rượu và rượu lớn nhất cả nước, có thể lớn hơn so với cả thiên hạ nữa trong một lễ hội quan trọng bậc nhất này của dân tộc. Sự việc gây tò mò, xôn xao với nhiều người hành hương về lễ hội. Trong cả những người không có điều kiện hành hương nhưng đã được nghe, được thấy qua tivi, nghe kể lại hoặc đọc qua báo chí. Người trầm trồ không phải là không có. Có cả ảnh chụp những người hiếu kỳ chen nhau xem lễ rước để tận mắt được thấy chai rượu to cỡ phải bao nhiêu người khiêng. Người chê, người băn khoăn cũng không ít.

Trong lúc chúng ta đang hạn chế, thậm chí là cấm việc quảng cáo rượu thì qua động tác của sự thành tâm cung tiến này mà nhà sản xuất vô tình hay hữu ý đã giới thiệu được mình và thương hiệu của mình trong một đồ uống có men dù không bị ngăn cản nhưng không được khuyến khích. Con cháu hôm nay nếu được chia mỗi người một ly thì chắc rằng sẽ có người nếu ham uống sẽ không còn bước vững.

Bà con cả nước hành hương về với Đền Hùng.

Thực tế người sản xuất cũng là người dâng lễ đã rót rượu mời mọi người cùng hưởng chút lộc thánh. Người chắc tính thì lắc đầu cho đây là nét không thuận lắm trong một lễ hội thiêng của dân tộc. Một giọt dầu, một chén nước, một chén rượu, một lá trầu, một quả cau tuy thanh tịnh nhưng lại là thành tâm hợp lòng các bậc Tiên Thánh cứ gì phải cái chai khổng lồ với số lượng nước có men khổng lồ đựng trong nó mới là long trọng. Ghi-nét này thực chưa hợp với lòng người cho lắm mặc dù đã có câu "phi tửu bất thành lễ" của ông bà ta để lại nhưng các cụ không dặn con cháu là phải cúng tiên tổ tới 4.000 lít rượu trong một lần.

Nói về sự khổng lồ trong kỷ lục này ngoài đồ uống có men là rượu, theo báo chí còn có một thứ đồ ăn trong hình hài một bát miến to nữa. Nghe nói bát miến có chiều cao 1,2m, đường kính miệng bát 1,8m. Người ta dùng tới khoảng 200kg miến, 1.000 lít nước ninh từ 100kg xương và dùng 50kg thịt gà, 50kg thịt lợn, 10kg mì chính, 10kg rau sống để làm nên bát miến có trọng lượng 1,5 tấn.

Quả là một kỳ công của người làm ra để dâng tiến. Nhưng trộm nghĩ sẽ chia làm sao cho thực khách đủ các hương vị của món nấu trong một thứ đồ ăn có nước và rất nhiều thứ cái khác nhau này. Và khi bát miến khổng lồ này hoàn thành các công đoạn chế biến thì liệu nó có còn hôi hổi và thơm ngon như các bát miến nhỏ ở nhà hàng.

Tuy không được tận mắt chứng kiến sự việc này nhưng thiết nghĩ làm vậy chỉ được cái danh còn cái thực thì e rằng không hiệu quả cho lắm. Công sức và tiền của bỏ ra cho hai cái kỷ lục này nếu hoá thành cơm gạo, quần áo, tiền nong kèm theo chai rượu nhỏ, gói miến ngon của nhà sản xuất đem tặng những người nghèo ở quê hương đất Tổ hôm nay tin rằng các vua Hùng sẽ ấm lòng rất nhiều về sự hiếu thảo của con cháu mà người dâng tiến vẫn có được sự vẻ vang về thương hiệu của mình.

Cũng chuyện hiếu thảo với đất Tổ này hôm 22/4 tại Nhà văn hóa Lao Động tỉnh Phú Thọ qua chương trình "Nối vòng tay nhân ái - Vì người nghèo đất Tổ", nhiều nhà hảo tâm, nhiều cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp… đã đóng góp trên 100 tỷ đồng làm nên một "ghi-nét về lòng tốt" nhân ngày giỗ Tổ. Các doanh nhân thành đạt cũng đã trồng 100 cây với nội dung Tri ân Quốc Tổ Hùng Vương và kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long tạo một ấn tượng đẹp về nghĩa cử của con cháu đối với người xưa. Cây sẽ lên xanh cùng với lòng thành!

Ghi-nét là kỷ lục. Nó khác thường, thậm chí phi thường nữa và giàu sáng tạo. Nhưng thiết nghĩ nó không nên quá dị thường, thậm chí là dị dạng. Lập kỷ lục là mong muốn và khát vọng của những người ưa hành động muốn cống hiến. Một sự vật muốn vào tầm ghi-nét bên cạnh sự khác thường của nó nên có sự hữu ích, tiện ích phù hợp đối với cuộc sống

Nhật Văn
.
.
.