Bức tranh “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” được trả giá 200 triệu

Thứ Sáu, 12/06/2015, 10:05
Những ngày vừa qua sau khi thông tin bức tranh “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” được công bố đấu giá để ủng hộ gia đình 64 liệt sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 14/3/1988, không khí đấu giá đã nóng lên từng ngày. 

Hiếm có cuộc đấu giá tranh sơn dầu nào dù chưa đấu giá chính thức mà thu hút sự chú ý và quan tâm của nhiều giới đến như vậy. Rất nhiều thầy cô giáo, giới trí thức, bác sĩ, quân nhân và doanh nhân đã thực sự quan tâm đến ý nghĩa bức tranh “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” và tham gia đấu giá, như một cách chia sẻ với nghĩa cử cao đẹp mà họa sĩ Bùi Lệ Trang đã gửi gắm.

Bức tranh Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử hiện đang có giá 200 triệu đồng.

Tiếp sau mức giá 100 triệu đồng mà giáo sư – bác sĩ,Nguyễn Thị Ngọc Phượng đưa ra với mong muốn tặng bức tranh ý nghĩa này cho Quốc Hội Việt Nam là các mức đấu giá của ông Nguyễn Viết Hồng với giá 140 triệu. Ông Lê Hải Bằng, giám đốc một công ty đấu giá 160 triệu và mong muốn tặng lại bức tranh cho Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam.

Thạc sĩ Nguyễn Vân Hà, Phó Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Tài chính – Hải Quan đã nâng lên mức giá 180 triệu với mong muốn tặng bức tranh cho Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật TP. HCM. Chị bày tỏ cảm xúc: “Bức tranh Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” quá đẹp và sống động, mang tính bi hùng cao. Trước giờ ở Việt Nam chưa có ai vẽ bức tranh sơn dầu về trận chiến Gạc Ma thể hiện đúng sự kiện lịch sử này và mang lại nhiều cảm xúc đến như vậy. Đặc biệt tôi thích nhất lá cờ tổ quốc đang bay trên nền trời đảo Gạc Ma trong tay liệt sĩ Trần Văn Phương đang bị trúng đạn quân thù, được họa sĩ thể hiện rất tài tình và mỹ thuật. Rất lâu rồi tôi mới được nhìn thấy một lá cờ Việt Nam được thể hiện trên tranh sơn dầu đẹp, có bề sâu và uy lực đến như vậy”.

Đến 6h chiều ngày 11/6, ông Lê Viết Hải, ông chủ một tập đoàn xây dựng - đã nâng mức giá bức tranh “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” lên 200 triệu đồng và đang là người đưa ra mức giá cao nhất cho bức tranh tính đến thời điểm hiện tại. Ông Lê Viết Hải bày tỏ, nếu chiến thắng trong cuộc đấu giá, ông mong muốn sẽ dành tặng bức tranh này cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Lê Viết Hải, nếu chiến thắng trong cuộc đấu giá, ông sẽ dành tặng bức tranh Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử  cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Lê Viết Hải xúc động chia sẻ: “Tôi đã nghẹn ngào rơi nước mắt khi xem đoạn Clip trên Youtube về những giây phút cuối cùng quá đau thương của những người lính Hải Quân bị súng 12,7mm và pháo 37mm, 100mm hạ nòng bắn thẳng trong khi trên tay không có một tấc sắt diễn ra vào sáng ngày 14/3/1988 trên đảo san hô Gạc Ma. Các anh xứng đáng được tri ân và lưu danh sử sách muôn đời. Tôi đấu giá bức tranh là để chia sẻ phần nào cuộc sống đang còn nhiều khó khăn của gia đình các liệt sĩ nhân dịp ngày 27/7 sắp đến. Tôi có niềm tin sâu sắc vào tâm linh và mong muốn đề xuất với nhà nước tìm cách qui tập hài cốt của 64 liệt sĩ Gạc Ma được trở về với gia đình, quê hương đất tổ, sẽ làm thanh thản hơn linh hồn của những người lính dũng cảm đã hy sinh mạng sống của mình vì dân tộc. Nếu thắng trong cuộc đấu giá ý nghĩa và rất nhân văn này, nếu được phép, tôi mong muốn sẽ dành tặng bức tranh này cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tôi rất trân trọng về tinh thần kiên định của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc bảo vệ biển đảo của tổ quốc, và Thủ Tướng cũng từng là một người lính, sẽ thấu hiểu tinh thần của những chiến sĩ Gạc Ma và cảm thông với những mất mát cùng nỗi đau của các gia đình liệt sĩ Gạc Ma trong dịp 27/7 này”.

Bức tranh “Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử” có kích thước 1.6x2.2m, được vẽ bằng chất liệu sơn dầu hiện đang trưng bày ở sảnh khách sạn Continental (132 Đồng Khởi, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh) để chuẩn bị cho buổi đấu giá chính thức vào ngày 24/07. 

Theo Ban tổ chức, số tiền thu được sẽ được Thiếu tướng Lê Mã Lương trực tiếp đi cùng với đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân trao cho 64 gia đình liệt sĩ. Bên cạnh đó, người đấu giá thành công sẽ được Ban tổ chức mời tham gia trong chuyến đi này cũng như tham gia chuyến thăm đảo Trường Sa sắp tới. 


Hồ Huy Sơn
.
.
.