“Bùa yêu” – “ngải văn chương” của nhà văn Như Bình

Thứ Sáu, 12/06/2015, 17:34

Tập hợp gần 30 truyện ngắn được in rải rác trong nhiều năm, “Bùa yêu” được Như Bình chọn lựa với một thông điệp mạnh mẽ về tình yêu, được soi chiếu dưới góc nhìn đàn bà nhất. Sách vừa được NXB Văn học và công ty Liên Việt phối hợp ấn hành.

Tập sách "Bùa yêu" mang đậm dấu ấn nữ tính của Như Bình trong văn chương

Với ba tập truyện ngắn cùng nhiều giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Văn nghệ, Báo Văn nghệ trẻ... Như Bình là một trong những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trẻ nhất những năm 2000. Văn của Như Bình chải chuốt như thơ, đẫm chất lãng mạn, mơ mộng nhưng ẩn chứa trong từng con chữ là những tâm trạng với sự góc cạnh nhiều bề…. “Bùa yêu” là tập hợp gần 30 truyện ngắn dữ dội và bứt phá về thân phận người phụ nữ "Giông biển", "Đêm vô thường", "Dòng sông một bờ”. “Bùa yêu” … là sự trở lại của chị sau 10 năm im lặng, chuyên tâm cho công việc làm báo tại Báo Công an nhân dân.

Sinh ra và lớn lên ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, văn của Như Bình thường trở đi trở lại mảng đề tài thân phận phụ nữ. Thấu hiểu, đồng cảm sẻ chia với đủ mọi nỗi trắc trở ai oán đàn bà chính là cách chị làm dịu đi, nhẹ bớt những nỗi đau thâm căn cố đế vô hình vô ảnh nhưng có sức công phá ác liệt của riêng mình. 

10 năm từ 2004 đến 2014, Như Bình không viết văn, chỉ chuyên tâm làm báo. Đợi 10 năm để trình làng tập truyện ngắn “Bùa yêu” không phải cách chị làm mới mình, mà chỉ đơn thuần muốn nhắc lại, nhớ về ký ức và dọn đường, sửa soạn cho một cuộc trình làng ắp đầy ấn tượng. “Bùa yêu” sẽ khiến bạn đọc hồi tưởng về một Như Bình tươi xinh trẻ trung “khách ở quê ra” trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam khi mới bỡ ngỡ vào đời. Đây cũng là tập truyện mới nhất, sau ba tập truyện ngắn “Giông biển”, “Dòng sông một bờ”, “Đêm vô thường”… được xuất bản khi chị chưa bước vào tuổi 30.

Nhà văn Như Bình

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhận định: “Thế giới nhân vật trong những truyện ngắn của Như Bình là một thế giới bề bộn phận người. Người âm, người dương, người tốt, người xấu. Tất cả những người đó đều được nữ tác giả dựng lên bằng một giọng văn trắc ẩn mang hơi thở của điệu thức “Oán” – một trong bốn điệu thức thuần Việt của âm nhạc cổ truyền Việt nam – Một điệu thức buồn.

Như Bình là cây viết không chỉ có văn mà còn có khả năng cấu trúc truyện ngắn theo cách riêng của mình. Khi thì cô kể chuyện người xưa bằng giấc mơ tâm linh như trong truyện “Chợ Âm phủ”. Khi thì cô kể thẳng chuyện đời éo le như trong truyện “Cô Huệ”. Khi thì cô đắm đuối dìm câu chuyện vào mang mang siêu thực như truyện “Đêm vô thường”. Nói chung là vẫn xót xa, là vẫn có éo le thành cái tạng văn chương của nữ tác giả này như truyện “Tiếng gọi câm”, “Lửa trên sông”. Có lúc lại mờ mờ nhân ảnh liêu trai như truyện “Đêm hội Chen”. Có lúc lại thắt nghẹn cay đắng nhân tình thế thái giữa hạnh phúc nhỏ nhoi gia đình với quyền lực tàn nhẫn khủng khiếp như truyện “Ám ảnh”. Có lúc thương cảm muốn òa khóc trước phận người tàn tật vẫn liều mình vượt thoát để tận hưởng giây phút ái ân như truyện “Đêm nguyệt thực”.

Bìa tập truyện "Bùa yêu" do họa sỹ Văn Sáng thiết kế

“Bùa yêu” là truyện ngắn mà tên truyện được lấy để đặt cho cả tuyển tập. Câu chuyện tưởng giản dị chỉ kể về chuyện yêu đương tình cờ ở biển của chàng và nàng khi gặp gỡ. Nhưng cái giọng văn có gì phảng phất F.Sagan với giai điệu thủ thỉ tinh tế đã lôi kéo người đọc vào những day trở thầm kín nhất tận đáy tâm hồn được nữ tác giả dần dà kéo lên, gỡ ra, dệt kín một bức mành thất lỡ, chảy ra như một tiếng thở dài não nuột của phận người trớ trêu như câu thơ của những người vạn chài hát cuối truyện:

                                    “ Đừng thả nỗi buồn vào sóng

                                     Ơi con sóng bạc đầu khơi xa

                                    Đừng dệt nỗi buồn lên tấm lưới

                                    Người sẽ có gì ngoài nỗi khổ đau”

Mơ hồ đến bối rối khi đã lạc vào “Bùa yêu”. Các nhân vật trong truyện ngắn Như Bình cứ tràn trề xô dạt trong giọng văn trắc ẩn của cô. Nào là chú lính đảo vụng về bày tỏ tình cảm thô tháp của mình khiến cô phóng viên ngây thơ không đón nhận được, để lại trong lòng mãi một niềm ân hận theo thời gian qua “Hoa mua trắng”. Nào là bà mẹ khắc kỷ tạo ra một cuộc sống quá hoang tàn trong “Mùa thu”. Nào là sự cô đơn tận cùng ý nghĩ thấp thoáng nhân vật trong “Ông già biển cả” của E – Hemingway qua “Người gác hải đăng”. Nào là sự lươn lẹo, luồn lách giữa tình và quyền của nhân vật Đăng qua “Mùa nhẹ dạ”. Nào là cách ẩn dụ để bày tỏ sự bí mật của nghệ thuật mà có thể suốt đời chẳng ai làm tri kỷ qua “Vườn trăng”.

Nhà văn Như Bình ngày nhận giải Văn Nghệ Trẻ 1995 (ảnh chụp tại Toà soạn Báo Văn Nghệ 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: Suốt hai mươi năm, Như Bình không thay đổi cách lựa chọn nhân vật, không thay đổi tình yêu với những số phận thiệt thòi, bất hạnh, không thay đổi niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, không thay đổi những giấc mơ da diết, không thay đổi thái độ đối với cái ác, không thay đổi cả nỗi đa cảm của mình... 

Như Bình là một người đàn bà luôn hòa vào những nơi chốn bình dị, luôn lắng nghe những thân phận vô danh để rồi tìm thấy từ những nơi chốn ấy, từ những con người ấy vẻ đẹp lấp lánh của cuộc đời này. Giọng kể của Như Bình giống như những tiếng thì thầm của những người đàn bà trong những làng thôn còn nghèo khó, những khu phố bình dân sau một ngày tất bật và vất vả với trăm thứ việc, giờ ngồi xuống nói cho nhau nghe chen lẫn tiếng thở dài về chính cuộc đời của họ và những người quanh họ. 

Tiếng thì thầm ấy như một giọng chủ đạo của Như Bình cho dù những câu chuyện được kể không ít dày vò, không ít cay nghiệt, không ít đau đớn và không ít nổi giận. Giọng kể này làm cho những người dễ dãi đưa ra một nhận xét dễ dãi là một nhà văn đầy nữ tính. Không phải vậy. Mà tôi phải nói: Như Bình đã tạo ra giọng nói của mình. Và đấy chính là thành công của chị. 

Và bởi một lý do là trong mỗi câu chuyện hay cụ thể là trong mỗi truyện ngắn của mình, chị thật mãnh liệt. Mãnh liệt đi đến tận cùng cảm xúc, tận cùng yêu thương, tận cùng khát khao, tận cùng phán xét... Truyện ngắn “Đêm nguyệt thực” và một số truyện ngắn khác của chị như “Ranh giới”, “Hoa mua trắng”, “Giông biển”, Hoa gạo”, “Chợ Âm phủ”, “Người gác Hải Đăng”, “Vườn trăng” vẫn ám ảnh tôi bởi bây giờ và sau này, thông điệp về hạnh phúc của con người từ những truyện ngắn như thế vẫn còn nguyên giá trị.

Mạch văn của Như Bình dễ đọc, trau chuốt, ngôn ngữ giàu chất thơ, điều đó chứa đựng tâm hồn lãng mạn và nữ tính của chị… Giọng kể của Như Bình có tính thống nhất trong cả những thể loại văn học khác như thể loại chân dung văn học… Những câu chuyện, những con người, những chi tiết trong truyện ngắn Như Bình tôi có thể nghe thấy hoặc chứng kiến ở mọi làng quê, ở mọi khu phố...mà chính Như Bình đã qua, nhưng tôi đã nghe hoặc nhìn một cách lơ đãng. Còn Như Bình thì dừng lại, đến gần, ngồi xuống, mỉm cười, cất tiếng và lắng nghe”…

Được biết, Như Bình sẽ tổ chức lễ ra mắt sách tại Art café Laca 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội vào ngày 15/6. Chị sẽ bán 150 cuốn sách là số sách nhuận bút chị đươc nhận để lấy tiền ủng hộ các em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo như một cách tri ân cuộc đời.


Hoàng Quý
.
.
.