Ngày thơ Việt Nam 2015 hướng về biển đảo Tổ quốc:

“Bữa tiệc” thơ chan chứa tình cảm quê hương

Thứ Sáu, 06/03/2015, 10:30
Trong sự trông đợi của bao người, Ngày thơ Việt Nam 2015 với chủ đề “Hướng về biển đảo Tổ quốc” cũng đã diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng. Dẫu trời lất phất mưa, nhưng dòng người đổ về Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) vẫn tấp nập. Hầu như ai cũng mong muốn được hòa mình vào ngày hội của thi ca mỗi năm chỉ có một lần.

Ngay từ cổng Văn Miếu, công chúng đã được đón chào bằng những tấm pano lớn, giới thiệu các gương mặt thi nhân của nhiều nước dự Ngày hội thơ năm nay.

Những chùm bóng bay lớn, đỏ rực, gắn những câu thơ hay được lựa chọn, trang trí dọc hồ Thiên Quang Tỉnh, cùng với tiếng trống hội tưng bừng đã tạo nên một không khí trang trọng mà sôi động của lễ hội văn hóa tao nhã, độc đáo này.

Sau màn trống hội khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam nhấn mạnh: "Vào giờ này có trên 100 địa điểm trong cả nước cùng diễn ra các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam. Riêng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ngày thơ năm nay có một sự kiện mới nổi bật, là sự tham gia của 150 nhà thơ, nhà văn, dịch giả văn học Việt Nam đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là một hình ảnh sống động chứng tỏ thơ ca có khả năng thu hẹp kì diệu mọi khoảng cách. Sự kiện này còn thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà thơ đại diện năm châu đối với sự nghiệp thi ca và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.

Ngày thơ Việt Nam 2015 đã cho thấy, thi ca chính là nhịp cầu kỳ diệu, nối các nền văn hóa, các dân tộc trên thế giới với nhau và nhà thơ chính là sứ giả tinh thần, mang tâm hồn dân tộc giới thiệu với nhân loại.

Nhà thơ M. Salmawy, Tổng thư ký HNV Á – Phi, Chủ tịch HNV Ai Cập đã chia sẻ một câu chuyện thú vị về giấc mơ vị thần thi ca của Ai Cập. Đó là đại diện của cái đẹp, tình yêu, nghệ thuật và tại đất nước của thi ca, hòa bình và tình yêu bao la như đất nước Việt Nam, vị thần ấy đã không muốn quay trở về Ai Cập.

Mang đến Ngày thơ Việt Nam bài thơ “Hy vọng”, nhà thơ Gadour Omer, Chủ tịch HNV Sudan chia sẻ: “Việt Nam là đất nước của những người anh hùng và thơ ca. Tôi hân hạnh có mặt tại đây, đặc biệt là được đọc thơ tại Ngày thơ của các bạn”.

Ngày hội thơ Việt Nam 2015 thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế.

Nhà thơ Nam Phi, Indra Wossou, nhà thơ Graham Mort (Anh)… cũng mang đến những bài thơ mới sáng tác về Việt Nam, còn nữ thi sĩ Neeva Mukova (người Slovakia) đã khiến khán giả vô cùng thú vị khi bà đọc thơ Hồ Xuân Hương và thơ Xuân Quỳnh bằng tiếng Việt với những cảm xúc nồng nàn.

Bài thơ “Tổ quốc là tiếng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã gây được ấn tượng với các vị khách quốc tế, bởi những rung động mạnh mẽ mà tác giả gửi gắm trong từng câu thơ giản dị: “Tổ quốc là tiếng mẹ/ Ru ta từ trong nôi/ Qua nhọc nhằn năm tháng/ Nuôi lớn ta thành người…”.

Đó cũng là niềm tự hào về truyền thống văn hóa, về tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của bao thế hệ người Việt Nam, đặc biệt, ý thức về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo và niềm hi vọng về thế hệ trẻ hôm nay.

Các nhà thơ Y Phương, Hữu Việt, Trịnh Công Lộc, Phạm Hồ Thu, Trương Nam Hương v.v… cũng thể hiện cảm xúc qua những vần thơ sâu sắc, giàu tư tưởng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch HNV Việt Nam cho biết: Chủ đề biển, đảo nói riêng và vấn đề chủ quyền đất nước nói chung, là một đề tài vĩnh cửu.

Chủ đề năm nay mới hơn vì không chỉ nói trực diện sự kiện ở biển Đông, mà còn nói về vẻ đẹp của người chiến sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ trên những quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những bài thơ được thể hiện trong chương trình đã chạm đến những vấn đề lịch sử lâu đời, về biển, đảo cũng như lịch sử về địa lý của dân tộc và một lần nữa khẳng định những gì nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ làm để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Ngày thơ Việt Nam năm nay có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Bên cạnh những bài thơ, các vị khách còn được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo của nước chủ nhà: những làn điệu quan họ mềm mại, màn hát xẩm da diết, tiết mục chầu văn sống động và những điệu dân vũ của các dân tộc thiểu số.

Cùng với các khu sách, các ấn phẩm văn chương của nhiều nhà xuất bản, tạp chí, báo chí và gian hàng giao lưu nghệ thuật thơ ca của Hội VHNT các tỉnh, thành trên cả nước.

Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động: Triển lãm giao lưu văn học quốc tế, trưng bày các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch, xuất bản ở nước ngoài và giới thiệu sách của các nhà xuất bản trong nước; khu phố nghệ thuật…

Một người bạn thân thiết lâu năm của các nhà văn Việt Nam, nhà thơ Kevin Bower (Mỹ) bày tỏ: "Tôi rất hạnh phúc khi đến với đất nước của các bạn, được dự Ngày thơ Việt Nam. Thơ ca là sợi dây kết nối tâm hồn nhiều dân tộc, đưa con người xích lại gần nhau. Thơ ca Việt Nam cũng rất đặc biệt và các bạn nên tìm nhiều cách khác nhau, bằng nhiều con đường để đến với thế giới, trong đó việc giao lưu với các nhà thơ, nhà văn, dịch giả nước ngoài sẽ giúp họ hiểu hơn về đất nước các bạn và ngược lại”.

Nhà thơ Karel Sys của Cộng hòa Séc, đã tặng HNV Việt Nam cuốn "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông đã chuyển ngữ sang tiếng Séc, chia sẻ: “Tôi thực sự thích thú khi được tham dự Ngày thơ Việt Nam, bởi sự lạ lẫm và các nét văn hóa riêng. Một chút mưa xuân với những người không có tâm hồn có thể sẽ không thích, còn tôi thì lại thấy thú vị. Tôi lại được gặp gỡ nhiều nhà thơ Việt Nam về những trải nghiệm rất thật của họ qua những bài thơ.”

Ông Magomed Ahmedov, Chủ tịch HNV Dagestan xúc động: “Ở Ngày thơ này, tôi cảm thấy rõ vẻ đẹp của đất nước Việt Nam và sau bao tao loạn chiến tranh, các bạn vẫn giữ được tình cảm ấm áp, nồng thắm với bạn bè. Tôi có cảm tưởng ở Việt Nam, khắp nơi tôi đều gặp thơ”.

Thanh Hằng
.
.
.