Bóng đá nữ Việt Nam: Trở về câu hỏi cũ

Thứ Sáu, 23/05/2014, 09:14
Nhìn những giọt nước mắt tiếc nuối của thủ thành Kiều Trinh sau khi ĐT nữ Việt Nam thua nữ Thái Lan 1-2, đánh mất tấm vé dự World Cup ngàn năm có một mà thấy thương. Nhìn cái cảnh các cô gái nhà ta cố đẩy quả bóng lên trên khi tỷ số đã là 2-0, và khi thể lực đã cạn kiệt mà cũng thấy thương.

Rõ ràng là họ đã cố gắng làm tất cả những gì có thể, trong khuôn khổ sức lực của mình, nhưng lực bất tòng tâm. Hai trận "chung kết", từ chung kết SEA Games 27 đến "chung kết" trên sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) chiều thứ Tư vừa rồi, ĐT nữ Việt Nam đều bị Thái Lan đánh bại cùng tỷ số 2-1. Nếu ở trận đấu đầu tiên, ta ăn bàn trước, nhưng bị lật ngược ván cờ thì ở trận đấu sau đó ta bị dẫn đến 2 bàn, và chỉ có được 1 bàn danh dự ở phút thứ 86. Nếu ở trận đầu tiên, ta nhập cuộc với tư tưởng đôi công rồi càng đá càng đuối thì ở trận thứ hai, ta nhập cuộc thận trọng, nhưng sự thận trọng cũng không che giấu nổi một sự thực: ta đã bị đẩy xuống, kém hẳn so với đối thủ của mình. Kém từ sức lực, cách thức tổ chức trận đấu lẫn khả năng giữ cân bằng tâm lý trong những thời khắc quan trọng của cuộc chơi.

Thực tế thì từ năm 2001 đến nay bóng đá nữ Việt Nam và Thái Lan đã trình làng những lứa cầu thủ khác nhau, và sự hơn thua của hai bên thường phụ thuộc vào sự hơn thua về chất lượng các thế hệ. Nghĩa là khi nào ta may mắn có được một thế hệ trội hơn Thái (thế hệ của những Kim Chi, Kim Hồng, Minh Nguyệt trước đây) thì ta ăn Thái và ngược lại. Nhưng từ 2 trận thua ở chung kết SEA Games 27 và "chung kết" giành vé đi Play Off vừa rồi thì câu chuyện thế hệ và sự hơn thua thế hệ dường như không còn nữa. Bây giờ, cái cảm giác bóng đá nữ Việt Nam thua hẳn so với bóng đá nữ Thái Lan về đẳng cấp là rất rõ ràng.

Cầu thủ nữ Việt Nam bất lực trong vòng vây người Thái. Ảnh: H.M.

Cái thua ấy không đơn thuần đến và chỉ đến bởi đôi chân cầu thủ, mà cái chính là đến từ cách đầu tư, quản lý của các quan chức Liên đoàn. Ai cũng biết là sau 2 kỳ SEA Games 2001 và 2003 bị Việt Nam qua mặt, bóng đá nữ Thái Lan đã quyết định xoá đi làm lại với việc đổ dồn tiền bạc, tâm huyết vào một thế hệ mới. Đến SEA Games 25 năm 2009, khi Thái vẫn thua ta (nhưng chỉ thua sau những loạt luân lưu may rủi) thì sự quyết tâm càng được đẩy cao. Và từ SEA Games 27 năm 2013 đến vòng chung kết Asian Cup 2014 hiện nay, người Thái đã vượt lên như thế nào, đã chính thức đẩy chúng ta xuống dưới ra sao là điều ai cũng thấy.

Trong khi Thái có những cầu thủ được gửi sang chơi ở giải nhà nghề Nhật Bản, và ĐT Thái cũng được gửi tập huấn dài hạn ở Nhật Bản - một trong những nền bóng đá nữ phát triển mạnh nhất thế giới hiện nay thì các cô gái Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn với những chuyến đi ngắn ngày tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong khi các cầu thủ Thái Lan được tạo những điều kiện tốt nhất để tập luyện, hướng đến mục tiêu World Cup thì cầu thủ nhà ta sang Trung Quốc tập huấn mà phải than thở trên facebook cá nhân: "Tập luyện vất vả mà bữa cơm thì đạm bạc quá". Và phải sau lời than thở này, những vị  lãnh đạo nền bóng đá nhà ta mới vội vàng... tăng cường chế độ.

Nhìn cái cảnh một mình Sungngoen (cầu thủ đang thi đấu tại giải nhà nghề Nhật Bản) làm mưa làm gió trước hàng phòng ngự Việt Nam, và ghi cả 2 bàn vào lưới Việt Nam người ta hiểu là với thế hệ này, bóng đá nữ Thái Lan rồi sẽ ngự trị Đông Nam Á thêm nhiều năm nữa.

Làm gì để đuổi kịp Thái Lan? Giấc mơ World Cup tan rồi, giờ chúng ta buộc phải trở về một câu hỏi cũ trong cái "ao cũ" nhà ta! 

Tránh mưa gôn cách nào?

ĐT nữ Thái Lan trội hơn hẳn ĐT nữ Việt Nam cũng như phần còn lại của Đông Nam Á, và xứng đáng đại diện cho Đông Nam Á đi dự VCK World Cup thế giới vào năm sau. Nhưng so với những bà chị ở châu Á thì nữ Thái Lan vẫn chỉ là... tí hon. Bằng chứng là ở vòng đấu bảng Asian Cup kỳ này, Thái thua Trung Quốc 0-7 và thua Hàn Quốc 0-4. Rõ ràng khoảng cách giữa bóng đá nữ Đông Nam Á với cái đỉnh châu Á và thế giới là mênh mông. Thế nên năm sau chắc chắn là nữ Thái Lan sẽ dự VCK World Cup với những ám ảnh lớn về những cơn mưa gôn có thể đổ ập xuống đầu mình. Và sau đó nữa, khi "bà chị" CHDCND Triều Tiên trở lại khi hết hạn treo giò của FIFA thì "cửa" dự World Cup với các đội bóng Đông Nam Á e là không tưởng. Dẫu sao cũng mong là "một lần có đại diện đi World Cup" với bóng đá Đông Nam Á cũng đem lại ít nhiều tín hiệu tích cực thay vì tác dụng ngược sau những cơn mưa gôn như cái cách mà nhiều chuyên gia, nhiều nhà hoạch định chiến lược đang nghĩ đến.

Tránh mưa gôn cách nào? Từ giờ đến khi diễn ra VCK World Cup, bóng đá nữ Thái Lan phải trả lời bằng được câu hỏi ấy.

Ngọc Anh

Hiếu Hà
.
.
.