"Bội thực" với những cuộc thi "tài năng âm nhạc"

Thứ Ba, 24/07/2007, 10:19
Chỉ tính sơ qua từ đầu năm đến nay, đã có không dưới 10 cuộc thi âm nhạc có quy mô tương đối lớn trong nước. Cuộc thi nào cũng có kế hoạch tổ chức kéo dài hàng tháng, thậm chí cả vài tháng liên tục ròng rã, được giới thiệu, quảng bá rầm rộ: phát hiện, tìm kiếm, bồi dưỡng tài năng âm nhạc.

Ngay khi những hình ảnh từ các vòng loại của cuộc thi đi tìm thần tượng âm nhạc Vietnam Idol được phát sóng, gây tranh cãi ồn ào trên các phương tiện thông tin đại chúng thì "Sao Mai" của VTV đã đến hẹn lại lên.

Trùng thời điểm này, cuộc thi đơn ca học sinh toàn quốc "Tiếng ca học đường 2007" dành riêng cho các thí sinh từ 13 đến 19 tuổi của HTV cũng bắt đầu khởi động. Trên Đài Truyền hình Bình Dương cũng liên tục phát sóng tường thuật Liên hoan tiếng hát học sinh. Với thiếu nhi thì đã có Liên hoan tiếng hát măng non 2007...

Đã có không ít cuộc thi chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, giữa chừng phải ngưng lại hoặc điều chỉnh cho phù hợp với tính chất thực của nó. Điển hình nhất phải kể đến Festival các ban nhạc nhẹ toàn quốc. Các ban nhạc tham dự đều phàn nàn về thời gian được thông báo quá gấp, không được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Khi tất cả bắt đầu hào hứng đi vào "guồng" hoạt động lại bất ngờ nhận được thông báo liên hoan không được tổ chức tiếp để nhà đài tập trung phục vụ cho mục đích khác. Đơn vị tổ chức dở khóc dở cười vì vỡ hợp đồng với đơn vị tài trợ…

Hoặc gần đây nhất là cuộc thi Liên hoan tiếng hát học sinh 2007 "Ngôi sao học đường" của Đài Truyền hình TP HCM.

Theo thông tin từ ban tổ chức, cuộc thi được tổ chức trên quy mô toàn quốc, thu hút trên 1.000 thí sinh nhưng từ ngày nhận hồ sơ đăng ký cho đến khi kết thúc cuộc thi chỉ chưa đầy hai tháng.

Sau một thời gian tổ chức, quy mô không hoàn toàn lớn như tên gọi, ban tổ chức đổi tên thành cuộc thi đơn ca học sinh toàn quốc "Tiếng hát học sinh". Tuy nhiên, theo dõi sát cuộc thi, người xem vẫn cảm thấy chiếc áo khoác ngoài này thực ra vẫn còn quá rộng so với tính chất thực của cuộc thi.

Cho đến hôm nay, cả "Sao Mai 2007" lẫn Liên hoan tiếng hát măng non 2007 đã kết thúc, các cuộc thi âm nhạc khác đang chạy nước rút với những vòng thi cuối cùng nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu các "sao mai" xuất hiện trong làng âm nhạc Việt Nam.

Thí sinh nào cũng có khả năng trở thành "sao"?

Bên cạnh các thí sinh, thành phần không thể thiếu trong các cuộc thi âm nhạc là ban giám khảo, bao gồm đội ngũ các nghệ sỹ, nhạc sỹ, ca sỹ, có tên tuổi, có thâm niên và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Và, một trong những phần được cả khán giả lẫn thí sinh trông đợi, tin cậy nhiều nhất là nhận xét của ban giám khảo.

Tuy nhiên, trừ một vài thí sinh biểu diễn quá dở tại các vòng loại của VietNam Idol nhận được những lời khuyên khá thẳng thắn thì đa số những nhận định của các giám khảo thường khá chung chung khiến cả thí sinh và người xem chỉ như thấy cây mà không thấy được rừng hoặc dễ hiểu rằng, nếu chỉ cần cố gắng, các thí sinh đều có thể trở thành "sao" hết.

Những yếu tố phụ trợ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của ca sĩ nhưng không thể thay thế những kỹ năng, kiến thức cơ bản cũng như vốn sống nhất định để cảm nhận được ca khúc họ chọn thể hiện trước công chúng.

Tổ chức thi để tìm kiếm, phát hiện các tài năng âm nhạc rất cần thiết nhưng nếu tổ chức ào ào như để kịp lấp chỗ trống giờ phát sóng hoặc tìm kiếm, phát hiện nhưng thiếu kế hoạch đào tạo bài bản sẽ khó có thể những nghệ sỹ thực thụ và người xem sẽ vẫn còn phải xem nhiều chương trình không mấy bổ ích như hiện nay

N.H.
.
.
.