Bố mẹ làm bằng gì?

Thứ Sáu, 24/09/2004, 14:19
Những đứa con được làm bằng bố mẹ. Bố mẹ được làm bằng tình yêu. Bình đẳng hết lòng quan tâm tới nhau, cùng có trách nhiệm với tương lai, ấy mới là tình yêu bền vững.

Trong vở kịch “Hòn đá cháy” của tác giả Tất Đạt, một đứa bé lên 5 hỏi ông bố một câu rất ngây thơ:

- Bố ơi con được làm bằng gì hở bố?

Người bố trả lời:

- Con được làm bằng bố mẹ.

Đứa bé tiếp tục chất vấn.

- Thế bố mẹ được làm bằng gì? 

Ông bố mỉm cười:

- Bố mẹ được làm bằng tình yêu con ạ.

Đúng và đẹp biết bao ấy là vở kịch từ 25 năm về trước. Cũng trên sàn diễn Nhà hát Tuổi trẻ mới đây, qua vở kịch “Nhà có 3 chị em gái” của tác giả Thu Phương, chúng ta xem những đứa con được làm bằng gì?

Tú – bà chị cả phải đi bước nữa để lại đứa con gái cho ông bà ngoại nuôi, chịu theo và sống quy phục với một ông chồng trùm cờ bạc đề đóm “phá gia chi tử”. Rồi cuối cùng, hắn cuỗm nốt 2.300 USD mà vợ vừa mới vay cô em ruột trang trải nợ nần để đi theo gái. Sau khi đã khuynh gia bại sản, đứa con gái nhỏ bỏ nhà đi mất tích và cả đứa con của tên trùm cờ bạc đã có với Tú cũng bị bỏ rơi, vậy con làm bằng gì?

Nhiên – bà chị thứ hai cũng có một đứa con mà hai vợ chồng chẳng mấy khi “cơm lành canh ngọt” để rồi nửa chừng cũng chạy theo tiếng gọi của mối tình “đâm xe” sau một vụ tai nạn nhẹ ngoài đường. Vợ chồng chia tay nhau, ném nốt đứa con cho ông ngoại.

Quỳnh – cô em út ôm mộng chồng Việt kiều có một baby kháu khỉnh phó thác cho một “vú em” không mất tiền thuê, có thâm niên trông trẻ, đó là ông ngoại. Còn cô với chàng Việt kiều năm thì mười họa như vợ chồng ngâu gặp nhau chớp nhoáng. Chàng đều đặn gửi tiền về cho nàng thỏa nguyện giao du, tiêu những gì mình muốn, sắm những gì mình thích và như cô nói: không muốn để cho ai trong gia đình này phải nghèo khổ. Cô đã làm như thế thật, hỉ xả giúp mọi người, khuyên bảo mọi người nhân sinh, cách sống để rồi chính cô ngậm đắng nuốt cay khi vợ anh Việt kiều trở về nước chửi bới cô. Cô vỡ mộng về thằng chồng hờ lừa bịp, không đăng ký, không hôn thú, chỉ mượn cô để thỏa tình những lúc hắn về nước. Vậy baby được làm bằng gì? Lớn lên sẽ ra sao?

Ba người đàn ông bước ra khỏi cuộc đời ba người phụ nữ bất hạnh... Người cha xuất hiện cuối cùng và nhắc các con: “Hôm nay là ngày giỗ mẹ...”. Ba cô con gái sám hối quỳ trước bàn thờ mẹ trong ca khúc của Phạm Trọng Cầu: “... Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con...” vang mãi trong lòng khán giả...

Lời cảnh báo mạnh mẽ về sự xuống cấp đạo đức – đạo vợ chồng và vẻ đẹp của tình yêu. Nếu điều đó không còn, tương lai cũng sẽ mất.

Lấy câu chuyện vở kịch để bàn về văn hóa gia đình có viển vông chăng? Không, đó là một thực tế xã hội đã được khái quát hóa. Có thể một gia đình không tập trung nhiều bi kịch đến thế, nhưng cũng có những câu chuyện còn đau lòng hơn. Ví dụ có một gia đình tôi được chứng kiến ở phố TK. Chồng là đại tá quân đội nghỉ chế độ, vợ là cán bộ có cỡ của một nhà máy quốc doanh lòng thòng với ông “anh nuôi” bỏ mặc con cái... Mẹ chưa giỗ đầu, thêm  một đứa con ra đi vì sốc thuốc. Giỗ 49 ngày ông anh, thằng em cũng ra đi vì chích hêrôin rởm, trong khi thằng em thứ ba còn ở trong tù vì tội ăn cắp...

Tất cả những dẫn giải trên để đi đến một điều: quan hệ vợ chồng trong một gia đình cực kỳ cần thiết cho tương lai. Tình yêu vơi, đầy có thể khác nhau, nhưng phải bắt đầu từ tình yêu. Tình yêu làm nên sự chân thành. Tình yêu là trách nhiệm như người ta nói hạnh phúc là cho chứ không phải nhận. Đó là sự tác động tương hỗ của tình cảm con người, trừ loại bất lương thì không còn gì để nói

.
.
.