Bình yên ở lễ hội Yên Tử

Thứ Hai, 14/03/2016, 09:21
Những ngày đầu xuân 2016, chúng tôi có dịp hành hương về non thiêng Yên Tử, Quảng Ninh. Hòa cùng hàng vạn du khách, cảm nhận của chúng tôi về mùa lễ hội Yên Tử năm 2016 là sự bình yên, quy củ, trật tự khác hẳn những năm trước. Khách hành hương được trọn vẹn đắm mình trong không gian thanh tịnh thành tâm lễ Phật.

Một điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất ngay khi đặt chân đến khu di tích mùa lễ hội năm nay là việc chính quyền địa phương phối hợp với Ban quản lý di tích rừng Quốc gia Yên Tử và Công ty CP phát triển Tùng Lâm đã quy hoạch, chuyển toàn bộ bến xe cũ ra khỏi khu di tích. Bãi trông xe mới khá rộng rãi, được bố trí sắp xếp trật tự, quy củ. 

Để phục vụ du khách, Công ty CP phát triển Tùng Lâm cũng đã tăng số lượng xe điện lên đến 40 chiếc; chỉnh hệ thống biển chỉ dẫn trong khu di tích Yên Tử một cách đồng bộ; đảm bảo mỹ quan tại khu dịch vụ bến xe quay đầu đem lại sự hài lòng cho du khách. Nếu như những năm trước đây, khi vừa đặt chân đến khu di tích, đội ngũ “cò mồi” nhà nghỉ, quán ăn thường bám theo xe, giật áo, xách túi… gây ra tình trạng lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự thì năm nay hầu như không còn “bóng dáng” của “cò mồi”. 

Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông được thắt chặt. Dọc hành trình cho du khách trong khu di tích, nhất là những vị trí tập trung đông người như cáp treo, khu hành lễ… đâu đâu có mặt các cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an TP Uông Bí tạo cảm giác yên tâm cho du khách. Cũng chính nhờ đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự mà nạn trộm cắp, móc túi không còn xảy ra. 

Hàng vạn du khách tham gia lễ hội Yên Tử 2016.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng ùn tắc giao thông, hàng ngày, từ ngã ba Dốc Đỏ, quốc lộ 18A đến khu vực bãi gửi xe lên Yên Tử, cùng với tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an TP Uông Bí bố trí lực lượng tuần tra lưu động trên tuyến, kết hợp với điều tiết, phân luồng giao thông tại các khu vực trọng điểm.

Song song với hoạt động đi lễ, nhu cầu thiết yếu của du khách chính là ăn uống, mua những món hàng đặc sản của địa phương về làm quà. Đáp ứng nhu cầu này, Công ty CP phát triển Tùng Lâm đã đầu tư xây dựng hệ thống 19 nhà hàng ăn nghỉ 2 tầng hiện đại, giao cho các hộ kinh doanh trước đây tại khu vực bên trong Yên Tử ra kinh doanh tại khu vực mới đảm bảo khang trang, lịch sự và chuyên nghiệp. Nhờ đó không còn cảnh bán hàng rong đu bám theo khách cũng như các hàng quán chăng lều bạt nhếch nhác dọc từ cổng vào cho đến các khu vực trong khu di tích. 

Rác thải tại lễ hội - vấn đề còn tồn tại ở khá nhiều lễ hội nhưng đã được Ban quản lý giải quyết một cách triệt để thông qua công tác tuyên truyền cũng như việc trang bị, bố trí đầy đủ thùng rác phục vụ du khách. Ý thức khách hành hương trong công tác giữ gìn vệ sinh chung cũng được nâng lên rõ rệt. Anh Nguyễn Tuấn Hải, du khách đến từ tỉnh Hà Nam chia sẻ: “Năm nay, tôi đã tham dự khá nhiều lễ hội. Tuy nhiên, công tác tổ chức tại lễ hội Yên Tử được tổ chức khiến chúng tôi thật sự hài lòng”.

Bên cạnh những đổi thay mang đến cho khách hành hương cảm giác bình yên, thanh tịnh khi đến với lễ hội Yên Tử thì với ý thức chưa cao của một số du khách, những hình ảnh phản cảm vẫn còn diễn ra tại khu vực chùa Đồng. Đường lên chùa Đồng khá cheo leo, vất vả nên ai lên được tới nơi đều vô cùng hoan hỉ. 

Việc đầu tiên của phần lớn các du khách là cố gắng chen nhau để chạm được tay vào ngôi chùa bằng đồng nguyên chất. Nhiều người cũng lấy những tờ tiền mới đã chuẩn bị sẵn từ ở nhà mài vào thành chùa khiến hai bên vách chùa Đồng không còn màu sẫm như trước. Người thì tâm niệm sờ vào chùa để lấy may, xin khước, người thì thấy như mình “gần” với Phật hơn, cảm thấy lòng thành và lời cầu khấn của mình có thể được đức Phật chứng giám. Tuy nhiên, có một cảnh phản cảm mà chúng tôi ghi lại được ở chùa Đồng là nhiều du khách cố tình nhét tiền lẻ lên mái chùa Đồng. 

Để phục vụ du khách về tham dự lễ hội, Ban quản lý đã bố trí sắp xếp một số nơi để tiền giọt dầu, có hòm công đức nhưng rất nhiều người vẫn nhét tiền vào mái chùa. Những tờ tiền 1 nghìn đồng, 2 nghìn đồng gấp chặt được nhét sâu vào bất cứ khe hở nào của ngôi chùa Đồng nổi tiếng cả nước. Có điều, người nhét tiền vào kỳ công bao nhiêu thì người rút ra vất vả bấy nhiêu. 

Một người đàn ông được phân công đi thu gom các tờ tiền giắt xung quanh chùa tỏ ra khá cẩn thận khi một tay cầm túi ni lông, một tay cố móc vào các khe sâu để rút ra những tờ tiền vừa được nhét vào ít phút trước đó. Thiết nghĩ, Ban quản lý nên nhắc nhở du khách nâng cao ý thức, tránh hình ảnh phản cảm ảnh hưởng đến không gian tâm linh chung của lễ hội Yên Tử.

Đình Phương
.
.
.