Bình Dương vô địch V.League 2014: Không mang tầm biểu tượng

Thứ Ba, 05/08/2014, 10:07
Với 3 lần vô địch V.League, Bình Dương đang trở thành CLB giàu thành tích nhất Việt Nam hiện nay. Và với việc song hành cùng Bình Dương trong cả 3 lần vô địch ấy, HLV Lê Thụy Hải cũng trở thành HLV giàu thành tích nhất dải đất hình chữ S. Có nghĩa, chức vô địch của đội bóng đất Thủ gắn với quá nhiều dấu mốc lịch sử, và có thể phải rất lâu nữa những cột mốc này mới được vượt qua.

Trước đây, ở vào thời kỳ cực thịnh của mình, cả Hoàng Anh Gia Lai lẫn Đồng Tâm Long An đều rơi vào chu kỳ "vô địch 2 lần rồi...thôi". Người ta bảo hai đội bóng doanh nghiệp tiên phong này có thể không đủ chiều sâu lực lượng và tham vọng để duy trì ngôi bá chủ trong một thời gian dài, hoặc cũng có thể họ hiểu việc "dừng lại đúng lúc" giúp mình còn có "bạn chơi" trong những mùa giải sau.

Thực tế thì cũng có nét giống với Hoàng Anh và Đồng Tâm, sau 2 chức vô địch vào các năm 2007, 2008, Bình Dương đã không thể vô địch lần thứ 3 liên tiếp. Nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ: 6 năm sau chức vô địch lần thứ 2 họ đã đoạt được chức vô địch lần thứ 3 - điều mà hai đội bóng kia không làm được. Và trong suốt quãng thời gian 6 năm ấy, trong khi cả Hoàng Anh lẫn Đồng Tâm đều trồi sụt thất thường thì riêng Bình Dương vẫn được coi là ƯCV vô địch số 1 trong gần như tất cả các mùa giải.

Như thế có nghĩa, Bình Dương, chứ không phải những đội bóng tiên phong như Hoàng Anh hay Đồng Tâm, hay những thế lực mới nổi như HN.T&T mới xứng đáng là biểu tượng của V.League sau cả một thập kỷ đã qua? Nếu xét đơn thuần ở phương diện thành tích, câu trả lời là "đúng như vậy", nhưng nếu nhìn vào bản chất sự việc, người ta sẽ phải nghĩ khác.

Thầy trò Lê Thụy Hải trong buổi chiều đăng quang. Ảnh: H.M.

Cái hơn người rõ nhất của Bình Dương trong suốt 10 năm qua chính là sự dư dả về tiền bạc. Ngay cả thời kinh tế thịnh vượng - khi mà mỗi "đại gia" sẵn sàng rút hầu bao thưởng các cầu thủ cả tỷ đồng sau một trận thắng đến thời kinh tế suy thoái - khi nhiều ông bầu phải "bỏ của chạy lấy người" thì ở Bình Dương, tiền bạc luôn là vấn đề: không phải lăn tăn suy nghĩ. Trong cơn mưa tiền, Bình Dương thay cầu thủ, HLV như thay áo, và mỗi lần thay thế ấy mục đích chuyên môn không hẳn đã là mục đích tối cao. Những người hiểu nội tình Bình Dương, và hiểu những góc khuất phía sau mỗi bản hợp đồng ở Bình Dương nói rằng, mục đích tối cao của mỗi lần thay thế này nằm ở những cái phết phẩy mà nói nôm na là "hoa thơm, mọi người đều hưởng". Thế mới có chuyện năm nay, ngay sau khi vừa lên ngôi vô địch, và ngay cả khi đang sở hữu một rừng sao số từ nội đến ngoại, đến cả ngoại nhập tịch, Bình Dương vẫn bắn tin sẽ mua Lê Công Vinh, Vũ Minh Tuấn cho mùa giải mới. Và người ta dự đoán, những cầu thủ lọt vào tầm ngắm sẽ  không dừng lại ở Công Vinh, Minh Tuấn.

Nói một cách hình ảnh thì sự thừa mứa tiền bạc giúp Bình Dương ở vào thế "muốn gì có nấy", và chính vì "muốn nhiều quá", "có nhiều quá", thay đổi, luân phiên cầu thủ nhiều quá mà đây cũng là một trong những đội bóng có tính bất ổn lớn nhất Việt Nam. Chỗ này thì Bình Dương thua xa HN.T&T - một đội bóng cũng thuộc diện dư dả tiền bạc, nhưng lại sử dụng tiền bạc để xây dựng một bộ khung ổn định  cho cả một lộ trình dài. Họ thậm chí cũng thua luôn Hoàng Anh Gia Lai - nơi mà tư tưởng "hy sinh đội 1 - dành tâm huyết cho tuyến trẻ" đã được thể hiện một cách rõ ràng, xuyên suốt.

Điều gì xảy ra nếu đơn vị mẹ của Bình Dương gặp sự cố và không thể rót tiền vào đội bóng như đã và đang rót vô tội vạ? Khi ấy chỉ sau một đêm, thậm chí một cái nháy mắt, rất có thể đội bóng đang đi vào kỷ lục V.League với 3 lần vô địch rồi sẽ tự tan ra như bong bóng xà phòng.

Thế nên mới bảo Bình Dương bây giờ nhìn vào thật đẹp, thật lộng lẫy, và chức vô địch V.League mà họ có được thật xứng đáng, nhưng nếu căn cứ vào đấy để coi họ là biểu tượng của V.League thì không ổn tí nào.

Ở đời, có rất nhiều chiến thắng không mang tầm biểu tượng!

Ông Lê Thụy Hải để ngỏ khả năng ra đi

Ông Lê Thụy Hải đến làm GĐKT Bình Dương sau khi đội bóng này đã trải qua 4 trận đầu mùa giải phập phù. Ở những  mùa giải trước đó, Bình Dương dùng từ thầy nội đến thầy ngoại, từ thầy trẻ đến thầy già nhưng cũng không sao đưa mọi thứ vào đúng quĩ đạo. Thế nên dấu ấn và vai trò của GĐKT Lê Thụy Hải (ông phải đứng tên GĐKT vì chưa có đủ bằng cấp để đứng tên HLV) ở chức vô địch lần này của Bình Dương là quá rõ.

Tuy nhiên ông Hải tiết lộ rằng hiện tại ban lãnh đạo Bình Dương vẫn chưa nói gì với ông về chuyện gia hạn hợp đồng, nên khả năng ông ra đi không phải là không có. Ông cũng cho biết, ở tuổi 69, đã trải qua quá nhiều thăng trầm, vinh nhục của nghề bóng đá, ông mãn nguyện với những gì nghề nghiệp mang lại cho mình. Và vì vậy ông sẽ chỉ ở lại Bình Dương nếu nhận được một lời mời thật sự hợp lý.

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.