Binh Định: Xin mở rộng không gian văn hóa tháp cổ Bình Lâm

Thứ Ba, 04/11/2008, 08:56
Ngày 31/10, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định đã công bố kết quả cuộc khai quật nghiên cứu nhằm phục vụ việc lập dự án thiết kế, trùng tu tôn tạo tháp cổ Bình Lâm. Cuộc khai quật này diễn ra trong vòng tháng 8 và 9/2008 vừa qua do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện.

Cuộc khai quật nghiên cứu nhằm phục vụ việc lập dự án thiết kế, trùng tu tôn tạo tháp cổ Bình Lâm vừa qua đã làm xuất lộ một chân đế tháp tương đối hoàn chỉnh, bằng gạch dày 1,25m, phần cao nhất hiện còn 0,8m.

Toàn bộ chân tháp được trang trí bằng các bức tượng điêu khắc hình chim thần Garuda, hai bên tạc hình sư tử, đoạn giữa điêu khắc cụm bệ tượng cánh sen lật hai lớp và hình sư tử đứng, ngồi, bộ tượng Durga-Devi chiến thắng Quỷ trâu...

Trong địa tầng hố khai quật trước cửa chính (phía Đông) và cửa giả (phía Bắc) tìm thấy rất nhiều mảnh gốm sứ các loại hình đồ gia dụng như bình, cốc, chén, bát, hộp phấn... thuộc các dòng gốm Nguyên, Tống, Minh (Trung Quốc), Gò Sành (Bình Định)...

Đặc biệt, phát hiện rất nhiều mảnh ngói ống và ngói lá, trong đó có ngói lá in dập hoa văn hình ô vuông và đầu ngói ống trang trí hoa sen 8 cánh, ngói mặt hề. Đây là loại vật liệu kiến trúc có niên đại rất sớm (thời Hán, thế kỷ I - III). Loại ngói này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở một số di tích văn hóa Champa khác như ở Thành Trà Kiệu (Quảng Nam), Thành Hồ (Phú Yên), Thành Cha (Bình Định)...

Qua các tư liệu phát hiện được từ các hố khai quật, nhóm nghiên cứu đã khẳng định rằng, Khu di tích Bình Lâm đã trải qua cả một quá trình phát triển với những hiện vật gốm có khả năng thuộc phạm trù văn hóa Sa Huỳnh, những gốm bằng đất nung thuộc giai đoạn Champa sớm…

Ngoài ra, việc phát hiện nhiều tai đá lửa trang trí vòm cửa và các góc tháp bằng đá tại tháp cổ Bình Lâm chứng tỏ tháp này được tôn tạo nhiều lần. Đây là phát hiện quan trọng vì các đợt khai quật khảo cổ ở tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long... tai đá lửa không nhiều và thuần nhất về chất liệu, mô-típ hoa văn.

Phát hiện mới và quan trọng nhất trong đợt khai quật này là tháp cổ Bình Lâm nằm trong quần thể di tích thành Bình Lâm cổ xưa. Xung quanh tháp này còn có rất nhiều kiến trúc khác đã bị sụp đổ. Với diện tích khai quật khoảng 600m2 đã phát hiện một số nền móng và chân các kiến trúc.

Trong số những phế tích ấy có kiến trúc sớm hơn và kiến trúc muộn hơn tháp Bình Lâm hiện còn. Cuộc khai quật này còn mang về một sưu tập hiện vật khá lớn rất có giá trị với 91 mảnh vỡ của các tượng tròn, bán tròn, phù điêu,…

Tuy nhiên, theo TS Bùi Chí Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Trưởng nhóm khai quật cho biết: Dấu tích hủy hoại di tích tháp Bình Lâm còn lại trên bề mặt rất rõ như những hố rộng trước cửa tháp, 2 mặt Nam và Bắc của tháp cũng bị hủy hoại nghiêm trọng, các bệ đặt tượng thờ của tháp này hầu như hoàn toàn bị phá hủy.

Qua kết quả khai quật đã phát hiện ra khối lượng gạch khổng lồ của nền, móng tháp cổ đã mất đi do những người dân sống gần đó đào lên để xây dựng nhà cửa và bán đi nơi khác. Hiện tháp cổ Bình Lâm đã nghiêng 5 độ…

T.S Bùi Chí Hoàng đề nghị: "Tháp Bình Lâm đã được giải tỏa nhưng không gian văn hóa của tháp hiện nay là quá hẹp, chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương cần mở rộng thêm không gian để việc trùng tu, tôn tạo và khai thác tháp cổ này có hiệu quả hơn. Xung quanh tháp này là không gian văn hóa cũ của di tích Bình Lâm cũng cần được bảo vệ tốt hơn"

Tháp cổ Bình Lâm nằm ven sông Gò Tháp đổ ra cửa biển Thị Nại, tại xóm Long Mai, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Tháp này được xác định là đã xây dựng từ cuối thế kỷ thứ X đầu thế kỷ XI, tháp cao 20m, bình đồ vuông, về hình thức tạo dáng, tháp cũng được xây cất theo kiểu tầng như các tháp khác, cửa chính quay về phía Đông, còn ba mặt là cửa giả quay về ba hướng Tây - Nam - Bắc. Tháp Bình Lâm được xếp hạng di tích năm 1993.

Hoàng Minh
.
.
.